Kabul - sợ hãi và tuyệt vọng
Kabul vẫn run rẩy, phản ứng một cách tuyệt vọng và sợ hãi, một ngày sau vụ đánh bom xe cứu thương khiến hơn 250 người thương vong, vu tấn công tồi tệ nhất ở thủ đô của Afghanistan trong nhiều tháng qua.
Một người bị thương trong vụ tấn công. Ảnh: AFP |
Thủ đô Kabul của Afghanistan lại một lần nữa rung chuyển vì đánh bom liều chết, và thủ phạm không ai khác. Chính là những phiến quân Taliban. Nhưng lần này, vụ tấn công thật “điên rồ và quá tồi tệ” khi những kẻ tấn công gài bom trên xe cứu thương.
Theo Reuters, những kẻ tấn công đã lái xe cứu thương vượt qua trạm kiểm soát của cảnh sát để đến một con phố đông đúc tại một quận có nhiều tòa nhà chính phủ và đại sứ quán. Bất chấp chiến lược kiểm soát an ninh chặt chẽ ở đây sau cuộc tấn công kinh hoàng hồi tháng 5-2017, chiếc xe cứu thương chở đầy bom vượt qua các trạm kiểm soát mà không gặp bất kỳ khó khăn nào. Và chiếc xe đã phát nổ ngay tại khu vực đông đúc người khiến hơn 100 người thiệt mạng và 158 người bị thương. Giới phân tích cho rằng, việc nhóm phiến quân Taliban sử dụng xe cứu thương làm vũ khí để tấn công dân thường cho thấy sự coi thường một cách vô nhân tính đối với người dân Afghanistan cũng như với những người đang nỗ lực mang lại hòa bình đến cho đất nước này.
Nhắm chỉ trích vào chính phủ
28-1, một ngày sau vụ đánh bom tồi tệ này, Kabul vẫn run rẩy và phản ứng một cách tuyệt vọng, sợ hãi.
Đó là sự pha trộn giữa tức giận và bất lực trước những đợt tấn công dường như vô tận của Taliban trong khi các quan chức an ninh vẫn tiếp tục cảnh báo nguy cơ về những vụ tấn công nhiều hơn. “Chúng ta sống thế nào? Chúng ta nên đi đâu?”, một người bán hàng tên Mohammad Hanif tự hỏi trong tuyệt vọng. “Mọi người chạy khắp nơi để trốn thoát, có những người bị thương nằm trên mặt đất, những người bị thương ở cánh tay, chân, đầu”, nhân chứng Hanif nói thêm.
Chính phủ Aghganistan đã tuyên bố quốc tang trong ngày 28-1. Áp lực đè nặng hơn nữa nhằm vào Tổng thống Ashraf Ghani khi bản thân ông đang gặp rất nhiều khó khăn trên con đường giải quyết các cuộc đối đầu chính trị với các đối thủ, đặc biệt với các thủ lĩnh quyền lực của Kabul. “Mọi người đều nhắm chỉ trích chính phủ. Họ cho rằng, chính phủ đang hoạt động rất tồi tệ và không thể đảm bảo an ninh”, Najib Mahmood, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Kabul nói. Theo chuyên gia này, chính phủ có thể kiểm soát tình hình nhưng Tổng thống Ghani phải chia sẻ quyền lực với những đối thủ khác, ông cần sự thống nhất với các phe phái để có thể cùng chiến đấu chống Taliban.
Khu vực hiện trường bị tàn phá kinh hoàng. Ảnh: EPA |
Chiến lược thay đổi của Taliban?
Ngay sau vụ tấn công, Taliban tuyên bố nhận trách nhiệm, chỉ một tuần sau khi chính nhóm này mở cuộc tấn công chết người vào khách sạn Intercontinental ở Kabul, trong động thái mà Taliban tuyên bố là nhằm đáp trả cho chiến lược mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Afghanistan. “Người Hồi giáo có thông điệp rõ ràng cho ông Trump và “những kẻ hôn tay ông ta” rằng, nếu họ tiếp tục với một chính sách gây hấn và nói chuyện từ thùng súng, đừng hy vọng người Afghanistan trồng hoa hồng”, phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid nói trong một tuyên bố.
Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo quyết định gửi thêm quân đến Afghanistan và tăng cường các cuộc không kích và các hỗ trợ khác cho các lực lượng quốc gia Nam Á này, cho biết, vụ tấn công “làm mới lại quyết tâm của chúng tôi và các đối tác Afghanistan”. Ông Trump cũng lên án vụ đánh bom khiến nhiều dân thường thương vong và kêu gọi thực hiện “những hoạt động dứt khoát” chống lại Taliban.
Có thể thấy, rõ ràng, tuyên bố nhận trách nhiệm lần này của Taliban cho thấy chiến lược trái ngược hoàn toàn với cuộc tấn công hồi tháng 3-2017 tại một bệnh viện quân sự then chốt ở Kabul khiến ít nhất 30 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương, trong đó có nhiều bác sĩ và binh sĩ. Lúc đó, Taliban bác bỏ cáo buộc đứng sau vụ tấn công tại bệnh viện, cho rằng, các mục tiêu như vậy không nằm trong chiến lược của chúng. Nhóm IS cuối cùng đã ra tuyên bố nhận trách nhiệm.
Lần này, Taliban không có thái độ như vậy. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy Taliban không muốn đánh mất vị thế cho đối thủ cạnh tranh trẻ hơn, yếu ớt hơn như IS. Một năm trước đây, các cơ sở y tế không nằm trong kế hoạch tấn công của Taliban: nhưng giờ đây, xe cứu thương lại được sử dụng như một quả bom.
KHẢ ANH