Kế hoạch hòa bình
(Cadn.com.vn) - Kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đưa ra cho khu vực miền đông nổi dậy gồm 14 điểm, song tất nhiên chưa thể bàn đến tính khả thi của nó.
Trong kế hoạch 14 điểm nhằm mang lại hòa bình cho miền đông, vấn đề được quan tâm hàng đầu là việc Tổng thống Petro Poroshenko kêu gọi thiết lập vùng đệm 10km trên biên giới với Nga.
Reuters hôm 20-6 cho biết, trong cuộc gặp đại diện chính quyền hợp pháp các tỉnh Donetsk và Lugansk, Tổng thống Poroshenko đưa ra kế hoạch hòa bình này. Cụ thể, ông Poroshenko lưu ý đến tầm quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp Ukraine liên quan đến việc phân quyền. Tổng thống lưu ý, dự luật sửa đổi Luật Cơ bản liên quan sẽ được trình lên Ủy ban Venice xem xét. Theo kế hoạch này, các chiến binh nếu hạ vũ khí sẽ không bị truy tố “tội ác nghiêm trọng” trong khi nhấn mạnh, lực lượng nổi dậy phải phóng thích các con tin. Một hành lang an toàn sẽ được tạo ra để “lính đánh thuê của Nga và Ukraine” rời khỏi khu vực này an toàn.
Người dân ở miền đông Ukraine tiếp tục tuần hành ủng hộ Nga. Ảnh: AFP |
Theo nguyên thủ quốc gia Ukraine, điểm quan trọng trong kế hoạch là tổng thống tự nguyện từ bỏ khả năng bổ nhiệm thống đốc và người đứng đầu cơ quan hành chính cấp huyện, bầu cử địa phương sớm và bầu ra các ủy viên hội đồng địa phương, cơ quan sẽ thành lập ủy ban hành pháp. Trong động thái làm mát lòng các tỉnh ở miền đông, Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh, một phần thuế thu được sẽ để lại cho chính quyền địa phương.
Điều người ta quan tâm là kế hoạch về vùng đệm 10km song không được giới truyền thông Ukraine nêu chi tiết. Không rõ liệu toàn bộ diện tích đất nằm trong vùng đệm này là nằm hoàn toàn trên biên giới Ukraine hay một phần nằm bên phía Nga. Hiện cũng không rõ tình trạng của những người sống ở khu vực biên giới này sẽ như thế nào.
Tân Tổng thống Poroshenko, người vừa lên nắm quyền hôm 7-6 đang chịu áp lực phải tranh thủ tìm kiếm sự hỗ trợ của Nga và cả các nước phương Tây, cho kế hoạch chấm dứt nổi loạn ở miền đông - khu vực chủ yếu nói tiếng Nga - và ổn định đất nước sau 7 tháng biến động. Tuy nhiên, đây thật sự là bài toán quá khó. Thực tế miền đông hiện nay chưa cho thấy bất kỳ “ánh sáng nào le lói cuối đường hầm”. Trong cuộc giao tranh ác liệt kéo dài đến ngày 20-6, chính quyền Kiev tuyên bố, có ít nhất 7 binh sĩ thiệt mạng trong khi phe nổi dậy tổn thất 300 chiến binh.
Đó là chưa kể đến việc quan hệ giữa Ukraine với Nga xấu đi kể từ khi cựu Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ hồi tháng 2, sau đó là việc sáp nhập Crimea và bùng nổ phong trào nổi dậy ở miền đông. Ukraine cáo buộc các chiến binh đang nổi dậy miền đông Ukraine đến từ Nga. Kiev cũng cáo buộc Moscow cung cấp súng và thiết bị quân sự khác cho lực lượng nổi dậy và thắt chặt kiểm soát 1.900km đường biên giới. Chính quyền Tổng thống Poroshenko tuyên bố, đây là vấn đề chính khiến họ thật sự rất lo ngại. Và mới đây nhất là cuộc khủng hoảng khí đốt giữa hai nước, khiến Moscow tuyên bố cắt nguồn cung cho Kiev, đẩy quan hệ hai nước lên nấc thang căng thẳng mới.
Trong nỗ lực giảm căng thẳng, Bộ Tài chính Ukraine ngày 20-6 cho biết đã thanh toán 73,33 triệu USD trong khoản nợ 3 tỷ USD dưới dạng trái phiếu phát hành ở Châu Âu bán cho Nga trong tháng 12 năm ngoái, trước khi thời hạn chót (22-6) hết hạn. Tổng thống Ukraine Poroshenko cũng muốn tranh thủ sự ủng hộ của Nga khi gọi điện cho người đồng cấp Vladimir Putin để thảo luận về kế hoạch hòa bình. Đây là cuộc điện đàm lúc nửa đêm lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo này trong tuần qua, chứng tỏ một sự đột phá nho nhỏ trong quan hệ hai nước.
Tuy nhiên, tình hình ở miền đông Ukraine cho thấy, vấn đề của quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này vẫn còn là một ẩn số.
Khả Anh