Kẻ loay hoay, người bỏ cuộc!
(Cadn.com.vn) - Mặc dù đã triển khai thời gian khá lâu thế nhưng đến thời điểm này rất nhiều ngư dân tỉnh Quảng Nam vẫn chưa tiếp cận với nguồn vốn vay theo Nghị định 67 để được đóng tàu mới. Trao đổi với một số ngư dân được biết khó khăn nhất đó chính là việc phải đáp ứng đúng thiết kế được đưa ra trong khi hầu hết các ngư dân đều không có kinh nghiệm đóng tàu công suất lớn theo mô hình này.
Để tiếp cận được nguồn vốn vay bắt buộc ngư dân phải có vốn đối ứng 5% đối với tàu vỏ thép và 30% đối với tàu vỏ gỗ. Đến thời điểm này tại Quảng Nam mới chỉ có 11 ngư dân được vay vốn, 67 ngư dân còn lại nằm trong nhóm được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn. Theo phê duyệt của UBND tỉnh, tại xã Bình Minh (H. Thăng Bình) có 9 ngư dân đăng ký đóng tàu cá theo Nghị định 67. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có 2 tàu cá được đóng mới, 7 hồ sơ khác vì nhiều lý do vẫn chưa hoàn thiện.
Ông Trần Công Chi (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, H. Thăng Bình) là một trong 2 ngư dân đã được tiếp cận với nguồn vốn vay, cho biết đang trong giai đoạn hoàn thành và có thể hạ thủy tàu. Tuy ngân hàng đã giải ngân cho ông 80% thế nhưng ông Chi vẫn còn rất nhiều băn khoăn. Ông Chi cho biết: “Theo hợp đồng, con tàu của tôi sẽ hoàn thành sau 160 ngày thi công. Trong đó, theo quy định tôi sẽ được giảm thuế VAT 10%. Tuy nhiên đến nay có thông tin là ngư dân phải nộp khoản tiền đó. Theo số tiền tôi vay thì tôi phải nộp đến 1,2 tỷ đồng, đây là số tiền vượt quá khả năng của tôi, bởi có bao nhiêu tôi đã dồn vào vốn đối ứng”. Ông Chi cho biết thêm, nếu không nộp đủ tiền thì con tàu của ông sẽ không kịp ra khơi trong khi sắp tới là khoảng thời gian đánh bắt đem lại lợi nhuận cao trong năm.
Khác ông Chi, anh Trần Công Tư là một trong những ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng tàu mới theo Nghị định 67 nhưng sau một thời gian chạy tới chạy lui hoàn tất thủ tục anh quyết định... rút lui. Anh Tư cho biết, để có thiết kế hoàn thiện đủ hồ sơ vay vốn anh đã thuê một kỹ sư thiết kế con tàu vỏ gỗ với công suất 750CV.
Thế nhưng khi mang bản thiết kế này đi vay vốn thì lại bị trục trặc. “Từ lúc tôi đăng ký theo Nghị định 67 đến nay đã gần 2 năm. Trong đó, chỉ riêng đợi có bản thiết kế đã mất hết gần 6 tháng. Nếu bây giờ sửa lại thì mất quá nhiều thời gian và phải đợi sang năm 2016. Mất gần 2 năm chờ đợi, hoàn chỉnh giấy tờ và 24 triệu đồng tiền thiết kế nhưng tôi vẫn quyết định bỏ cuộc”, anh Tư chia sẻ. Vì thủ tục chi tiết rườm rà nên anh Tư đã chuyển sang vay vốn không lãi suất của Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam.
Cũng chung hoàn cảnh với anh Tư, anh Trần Công Sáu cũng mất gần 24 triệu đồng tiền thiết kế nhưng vẫn không thể hoàn thiện hồ sơ, tiếp cận nguồn vốn vay. Tuy nhiên vì suy nghĩ “đâm lao thì phải theo lao” anh Sáu tiếp tục sửa chữa lại bản vẽ mặc dù phải kéo dài thời gian đóng tàu và phát sinh chi phí. Anh Sáu cho biết: “Tôi rất hoan nghênh ý nghĩa của nghị định này, tuy nhiên với ngư dân chúng tôi quả thật phức tạp quá. Vừa phải tự làm thiết kế tàu vừa chạy tới chạy lui bổ sung giấy tờ trong khi công việc đi biển thì phải theo thời vụ. Nhiều lúc tôi cũng nản lòng nhưng giờ bỏ ngang thì công sức bao lâu nay đổ sông đổ bể”.
Cũng theo anh Sáu, Bộ NN&PTNT có công khai 21 mẫu tàu cho ngư dân, tuy nhiên tùy theo ngư trường và mục đích sử dụng cụ thể mà 21 mẫu tàu này chưa phù hợp. Vì vậy ngư dân phải “tự bơi” tìm nơi thiết kế cho phù hợp theo nguyện vọng của mình. Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban chỉ đạo Nghị định 67 tỉnh Quảng Nam, cho rằng 21 mẫu tàu của Bộ NN&PTNT đại diện cho các vùng biển trên cả nước, tuy nhiên do từng chủ tàu với kinh nghiệm, ngư trường khác nhau muốn đóng tàu phù hợp với ngư trường đã quen để điều khiển con tàu được tốt nhất. Vì vậy nên kéo dài thời gian thực hiện và phát sinh phí điều chỉnh thiết kế đối với chủ tàu và ngư dân khó tiếp cận nguồn vốn vay.
Nghị định 67 được nhiều ngư dân kỳ vọng, tuy nhiên quá trình triển khai lại phát sinh quá nhiều bất cập. Không biết đến bao giờ ngư dân mới hết “nản lòng” với nghị định và có thể làm chủ một con tàu tiếp tục vươn khơi?
Đồng Dao