Kẻ thắng, người thua trong NAFTA mới
Cho đến cuối ngày 30-8 (giờ địa phương), Canada và Mỹ vẫn chưa đạt được đồng thuận về việc sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Các cuộc đàm phán đang được tăng tốc trong bối cảnh cả hai phải đi đến một thỏa thuận trước thời hạn chót 31-8 (ngày 1-9, giờ Việt Nam) do Washington đưa ra. Nếu đạt được đồng thuận, Quốc hội Mỹ sẽ có 90 ngày theo quy định để cho phép họ ký một NAFTA mới trước ngày 1-12. Cả hai đang rất lạc quan về tiến trình đàm phán khi các cuộc đàm phán đã bước vào một giai đoạn quan trọng trong tuần này sau khi Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận song phương hồi đầu tuần, nhằm mở đường cho Canada tham gia đàm phán để cứu vãn hiệp ước 25 năm tuổi này.
Mexico là thị trường xuất khẩu ngày càng quan trọng đối với Mỹ trong hầu hết thập kỷ qua. Việc đảm bảo tiếp cận thị trường Mỹ tiếp tục được xem là một mục tiêu chính của nước này do lợi thế các nhóm công nghiệp lớn ở Mexico. Vậy nếu đi đến NAFTA phiên bản mới, ai sẽ là người thắng, ai sẽ thua?
Thứ nhất là ngành ô-tô. Đây là điểm cốt lõi trong yêu cầu của Tổng thống Donald Trump về việc sửa lại NAFTA, và thỏa thuận mới tìm cách áp đặt để kiềm chế ngành công nghiệp ô-tô giá rẻ của Mexico. Thỏa thuận mới này yêu cầu 75% giá trị của một phương tiện sẽ được sản xuất tại một trong hai quốc gia, cao hơn ngưỡng 62,5% trong NAFTA cũ. Ngưỡng mới này đáp ứng được yêu cầu giảm thiểu việc sử dụng những bộ phận có xuất xứ từ Châu Á để lắp ráp vào các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ hay Mexico, qua đó thúc đẩy ngành sản xuất ô-tô trong khu vực Bắc Mỹ cũng như tạo công ăn việc làm.
Mặc dù chính phủ Canada bị chỉ trích vì nhượng bộ Mỹ quá nhiều nhưng có thể thấy cũng có sự nhượng bộ từ Washington khi họ không nhắc điều khoản phải đàm phán điều chỉnh thỏa thuận theo giai đoạn 5 năm/lần, vốn vấp phải sự phản đối gay gắt vì cho rằng có thể ảnh hưởng tâm lý đầu tư dài hạn vào khu vực. Ở lĩnh vực nông nghiệp, thỏa thuận mới buộc Mỹ mở miễn thuế đối với nông dân Mexico, nhà xuất khẩu nông sản lớn nhất sang nền kinh tế số 1 thế giới. Thỏa thuận này cũng bao gồm các điều khoản lao động yêu cầu Mexico tuân thủ các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để tăng lương, làm giảm sự hấp dẫn của Mexico như một nơi đầu tư nhiều lao động. Nhưng các quy định lao động mạnh mẽ hơn và áp lực lương tăng lên có thể chuyển thành nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn của Mexico.
THANH VĂN