Kết nối các thị trường du lịch tiềm năng

Thứ bảy, 25/06/2016 09:55

(Cadn.com.vn) - Sáng 24-6, tại Cung Thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng), lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, TP Đà Nẵng cùng đại diện ngành du lịch các nước Đông Nam Á chính thức cắt băng khai mạc Hội chợ du lịch quốc tế Đà Nẵng 2016 (BMTM Danang 2016).

Hội chợ diễn ra từ ngày 24 đến 26-6 tại Cung Thể thao Tiên Sơn với quy mô 175 gian hàng, sự tham gia của hơn 170 người mua quốc tế và nội địa, 28 đơn vị báo chí quốc tế, các blogger chuyên về lĩnh vực du lịch.

Khu du lịch Bà Nà - Đà Nẵng.

THU NHỎ THẾ GIỚI ĐỂ HỢP TÁC

Ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, Hội chợ BMTM Danang 2016 với chủ đề về “Nghỉ dưỡng biển và M.I.C.E”. (M.I.C.E là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng và các sự kiện đặc biệt, được tổ chức trên quy mô rộng cả về không gian và lượng người tham gia) là sự kiện quan trọng của ngành Du lịch Việt Nam. Không chỉ kích cầu thị trường du lịch, thúc đẩy khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng, Hội chợ còn mang đến cơ hội xúc tiến giao thương và mở rộng thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp du lịch trên thế giới và các khu vực trọng điểm có đường bay quốc tế đến Đà Nẵng.

Là một trong những đại diện người mua quốc tế đến tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh tại hội chợ, ông Vinay Kashyap (quốc tịch Anh) đến từ hãng lữ hành Skytrack Travel đặc biệt ấn tượng với ý tưởng và cách tổ chức hội chợ BMTM Danang 2016. Theo ông, đây thật sự là một cơ hội tốt để các đơn vị kinh doanh du lịch quốc tế được khảo sát thực tế, trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ du lịch của Đà Nẵng và Việt Nam, đồng thời được gặp gỡ, trao đổi, hợp tác với các đối tác tiềm năng. “Không chỉ được tiếp xúc, tìm kiếm đối tác ngay tại Đà Nẵng và các địa phương khác ở Việt Nam mà chúng tôi còn có thể quảng bá được hình ảnh của mình đồng thời trao đổi chiến lược kinh doanh trong tương lai với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch của các nước là thị trường chiến lược trong tương lai”, ông Vinay Kashyap nói.

Trong khi đó, ông Julien (quốc tịch Pháp) người sắp trở thành ông chủ của một Cty riêng về lĩnh vực lữ hành đã nắm được cơ hội hết sức quý báu để có thể cùng lúc tìm kiếm nhiều đối tác. Tại đây, ông có thể tìm hiểu về các sản phẩm, tour, tuyến mà ông dự định khai thác và kết nối với các doanh nghiệp ngay tại hội chợ. “Việc có thể đi đến nhiều nước, gặp gỡ nhiều doanh nghiệp sẽ tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Tham gia hội chợ này, trong vài ba ngày chúng tôi có thể được các đơn vị lữ hành, khách sạn, giới thiệu rất chi tiết về các sản phẩm mà họ có. Từ đó, tôi có thể hợp tác với những doanh nghiệp phù hợp với chiến lược kinh doanh và thế mạnh của Cty mình”, ông Julien phân tích.

Hỗ trợ cho một doanh nghiệp lữ hành của Indonesia tại hội chợ, ông Victor Sambuaga – cố vấn Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội khẳng định, đây là cơ hội rất quan trọng để mở ra những vận hội mới cho ngành du lịch Indonesia và Việt Nam nói chung cũng như các nước khác trong khu vực, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch có thương hiệu trên thế giới. “Lâu nay chúng ta đã có sự hợp tác nhưng chưa thực sự chuyên nghiệp và bền vững. Chúng tôi hy vọng ngoài việc giới thiệu các sản phẩm, trực tiếp ngồi lại tìm hiểu cơ hội thì việc lên kế hoạch mở các đường bay trực tiếp sẽ rút ngắn khoảng cách để tận dụng lợi thế, bắt tay xây dựng môi trường du lịch bền vững”, ông Victor Sambuaga nói.

Đại biểu tham quan Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng 2016.

ĐÀ NẴNG LÀ THÀNH PHỐ BIỂN ĐỘC ĐÁO

Trong khuôn khổ của Hội chợ, chiều 24-6, hơn 200 đại biểu, đại diện ngành du lịch của các quốc gia trong khu vực, các địa phương trong nước cũng như các đơn vị lữ hành quốc tế đã tham dự hội thảo du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp và M.I.C.E. Tại đây, các chuyên gia đều cho rằng, nếu phát triển đúng hướng thì Đà Nẵng sẽ trở thành thị trường du lịch nghỉ dưỡng không thể bỏ qua của châu Á. Tuy nhiên để đạt đến đích đó, Đà Nẵng cũng còn nhiều việc phải làm.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu – nguyên Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VH-TT&DL, từng phụ trách dự án EU cũng cho rằng, để khai thác hết thế mạnh của mình và có tiệm cận với du lịch nghỉ dưỡng của một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan... thì ngoài cơ sở hạ tầng, môi trường, Đà Nẵng phải nhanh chóng bắt tay vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch M.I.C.E. Theo Tiến sĩ Lưu, M.I.C.E có đặc trưng ba cao (tiềm năng tăng trưởng cao, giá trị gia tăng cao và sự đổi mới có lợi cao); cung cấp ba lớn (doanh thu lớn, cơ hội việc làm lớn và ngành công nghiệp hiệp hội lớn); và ba ưu điểm (lợi thế hơn các ngành công nghiệp trong nguồn nhân lực, bí quyết công nghệ và sử dụng hiệu quả nguồn lực). “Du lịch M.I.C.E là loại hình du lịch đặc thù, vì thế ngoài những yêu cầu về năng lực thực hiện chung cho hoạt động du lịch thông thường, đội ngũ nhân lực du lịch M.I.C.E phải có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực này”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu trao đổi.

Về khía cạnh xúc tiến, ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Đà Nẵng khẳng định thành phố có nhiều lợi thế để bứt phá về du lịch nghỉ dưỡng và M.I.C.E nhưng công tác xúc tiến, quảng bá lại chưa đủ để tạo hấp lực. Ông Dũng ví: “Du lịch Đà Nẵng như một cô gái đẹp nhưng chưa được nhiều người biết đến. Lý do chủ yếu là việc xúc tiến ở các thị trường trọng điểm, tiềm năng chưa đủ mạnh để có thể thu hút và kết nối mạnh mẽ”.

Qua nhiều năm làm việc và khảo sát các điểm đến ở miền Trung, bà Mary Mc Keon – Trưởng nhóm tư vấn, dự án EU – ESRT khẳng định, Đà Nẵng là một thành phố biển rất độc đáo và đặc biệt, đủ mọi lợi thế để phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển và M.I.C.E. Bà gọi những sản phẩm hấp dẫn cung cấp cho khách du lịch là “nhân tố bất ngờ tạo nên sự thành công” để các đối tác trung gian có thể giới thiệu đến thị trường khách châu Âu. Bên cạnh đó, môi trường an toàn, thân thiện và thuận lợi trong việc tiếp cận, cơ sở lưu trú, hội thảo đủ đáp ứng nhu cầu của các đoàn khách có mức chi tiêu cao cũng khiến thành phố trở nên hấp dẫn. Bà Mary Mc Keon nhấn mạnh, từ đây đến năm 2020 Đà Nẵng tựa như một đội thuyền đua sẽ phải thực hiện 3 bước cơ bản là lên thuyền, chèo thuyền và tự tin ra khơi để phát triển chuyên nghiệp và bền vững lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng biển và M.I.C.E. “Sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng hãy tin tôi đi, Đà Nẵng hoàn toàn có thể là một trong những thị trường du lịch nghỉ dưỡng trọng điểm của châu Á, đủ tầm cỡ để đón dòng khách cấp cao của châu Âu và đưa thương hiệu của mình ra thế giới”, bà Mary Mc Keon khẳng định.

Công Khanh