Kết nối Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn với Di sản miền Trung
(Cadn.com.vn) - Với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa được kết tinh trong những di chứng vật chất trường tồn, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, Thánh địa Mỹ Sơn H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như Ăngko, Pagan, Bôrôbudua. Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới từ năm 1999. Trung bình mỗi năm Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đón hơn 300 nghìn lượt khách đến tham quan, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 70%. Với những lợi thế vượt trội, xu hướng kết nối phát triển bền vững du lịch Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn với con đường Di sản miền Trung nhằm phát triển các sản phẩm du lịch mới, đa dạng các loại hình dịch vụ là hướng tiếp cận mới, đầy triển vọng của ngành Du lịch tỉnh Quảng Nam.
Là chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam nhận định: Vùng phụ cận của Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn nằm trong lưu vực rộng của hệ thống các con sông lớn và H. Duy Xuyên, mảnh đất có bề dày của địa tầng văn hóa, nơi hội tụ của các nền văn hóa, trong đó nổi bật nhất là nền văn hóa Chămpa cổ xưa gắn liền với kinh thành Trà Kiệu, Mỹ Sơn-những di tích lịch sử, công trình kiến trúc nghệ thuật cùng với những thắng cảnh nổi tiếng. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên du lịch này còn có giá trị hơn khi nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp với các trung tâm kinh tế lớn trong vùng, kết nối qua đường bộ, đường sắt. Đặc biệt Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn có vị trí chiến lược trên con đường Di sản miền Trung, đây là những điều kiện thuận lợi trong liên kết vùng để phát triển bền vững.
Du khách tham quan Thánh địa Mỹ Sơn. |
Ông Nguyễn Công Dũng, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết: Để có cơ sở đẩy mạnh phát triển du lịch, trong những năm qua, H. Duy Xuyên đã tập trung vào công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, cùng cơ chế chính sách thu hút đầu tư. Dựa vào đặc điểm thế mạnh từng vùng địa lý, nguồn tài nguyên du lịch, huyện đã quy hoạch thành 3 vùng trọng điểm du lịch có sự kết nối chặt chẽ với nhau. Trong đó, vùng Đông với tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng gắn với sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, lịch sử Hội An, Cù lao Chàm; vùng Tây nơi tiếp giáp Di sản Mỹ Sơn được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái Mỹ Sơn - Thạch Bàn, làm vệ tinh lan tỏa đến các vùng phụ cận vùng sâu trong đất liền là sản phẩm du lịch đặc sắc, có thế mạnh của tỉnh Quảng Nam.
Ông Phan Hộ, Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn nhấn mạnh, trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng trong khu di sản; tiếp tục ưu tiên các chương trình phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tổ chức thực hiện kết nối, hợp tác với các công ty, hãng lữ hành; đồng thời tăng cường liên kết giữa đơn vị quản lý và doanh nghiệp du lịch nhằm đẩy mạnh công tác hỗ trợ thông tin, tri thức đến các doanh nghiệp để liên kết phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch mới theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cũng như các sản phẩm mang dấu ấn đặc trưng của văn hóa Chămpa; xây dựng Mỹ Sơn thành điểm du lịch có chất lượng theo hướng hiện đại và thân thiện với môi trường...
Hữu Trung