Kết thúc món nợ 36 năm...

Thứ bảy, 02/06/2018 19:00

Sau 36 năm trốn lệnh truy nã về hành vi giết người, Nguyễn Ngọc Thấn (1958, tên gọi khác Cu chai, trú thôn Long Quang, xã Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, Bình Định) đã bị các trinh sát (TS) Phòng Cảnh sát Truy nã (CSTN) Công an tỉnh Bình Định còng tay vào đêm 31-5.

Nguyễn Ngọc Thấn.

Vụ án 41 năm trước

Cách đây 41 năm, một vụ giết người gây xôn xao dư luận tại H. An Nhơn (nay là thị xã An Nhơn). Ngày 28-9-1977, Nguyễn Ngọc Thấn về nhà anh ruột là Nguyễn Ngọc Xuân. Ăn cơm xong, Xuân bàn với Thấn đến nhà bà Lê Thị Tẩu trộm cắp. Nếu bà Tẩu còn thức thì giết bà Tẩu cướp tài sản, Thấn đồng ý.

Khoảng 20 giờ cùng ngày, Xuân và Thấn mặc áo lính chế độ cũ, quần cụt cùng nhau đến nhà bà Tẩu, thấy bà đang nấu cơm ở nhà bếp. Bà Tẩu hỏi: “Hai anh em bay đi đâu vậy? Thấn trả lời “con đi mua thuốc lá”. Bà Tẩu nói thuốc lá không còn, lúc bấy giờ Xuân giả vờ ngồi ngay tại cửa buồng xuống bếp, còn Thấn thì ngồi tại cửa ngoài bước vào bếp và nói chuyện với bà Tẩu. Sau khi bà Tẩu ăn cơm xong lên nhà trên thì Xuân đứng dậy đi theo, còn Thấn ra ngoài cảnh giới. Lúc này, bà Tẩu bảo chúng đi về đi vì đêm đã khuya. Khi bà Tẩu xuống nhà dưới thì Xuân lập tức dùng hai tay ở phía sau ôm choàng bóp cổ và đè bà Tẩu xuống nền nhà. Thấn ở ngoài chạy vào đè lấy hai chân bà Tẩu không cho giãy giụa. Xuân vẫn tiếp tục bóp chặt cổ bà Tẩu và bảo Thấn đi tìm dây để buộc vào cổ nạn nhân...

Gây án xong, Xuân và Thấn lật xác nạn nhân lục soát tài sản nhưng không có gì, chỉ tìm được hai chiếc chìa khóa sau đó lấy chăn đắp xác bà Tẩu rồi cùng nhau mở tủ, thấy một chiếc va-ly nên mở ra để tìm vàng, bạc nhưng không có. Chúng vơ vét một áo len, một áo dài, một áo vải, hai cái quần đen, một đèn pin và hai đồng bạc. Chưa dừng lại, chúng lục soát khắp nhà lấy được... 24kg thóc và 5 kg gạo. Khoảng 23 giờ ngày 28-9-1977, chúng đem các vật đã cướp được đi giấu  rồi thay quần áo đi ngủ, vợ con không hay biết gì. Sáng hôm sau, Xuân bảo Thấn đến nhà người anh ruột Nguyễn Tấn mượn thuyền nhưng anh Tấn không cho. Chúng lén lấy thuyền rồi đem các đồ đã cướp đến chợ Bình Định (TX An Nhơn hiện nay) bán cho một người buôn đồ cũ được tất cả 80 đồng...

Gần một năm sau, tại Bản án sơ thẩm số 31 ngày 18-7-1978 của TAND tỉnh Nghĩa Bình (nay là Bình Định), HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Ngọc Xuân tử hình về tội giết người và cướp tài sản. Nguyễn Ngọc Thấn 18 năm tù giam về tội giết người và cướp tài sản. Ngày 2-1-1979, Thấn đến chấp hành án tại Trại giam Kim Sơn (Bộ Công an). Tuy nhiên, ngày 4-6-1982 trong lúc lao động, lợi dụng sơ hở, Thấn trốn khỏi nơi giam cho đến nay.

Đền tội ở tuổi... ông

Nhiều năm qua, công tác truy bắt Nguyễn Ngọc Thấn gặp nhiều khó khăn vì đối tượng có nhiều thủ đoạn che giấu tung tích. Từ các nguồn tài liệu xác minh, kết hợp nguồn tin do quần chúng cung cấp, các TS nhận định có nhiều khả năng đối tượng đã thay tên, đổi họ, thay đổi hộ khẩu... và nhiều khả năng đang lẩn trốn tại các tỉnh phía Nam.

Ngày 21-5-2018, một tổ công tác của Phòng CSTN đã tiếp xúc với chị dâu của Thấn  ở Bà Rịa- Vũng Tàu, em ruột  Thấn ở Gia Lai rồi sau đó đến Kon Tum... nhưng cũng không có được thông tin... Không nản chí, các tổ tầm nã áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chia thành nhiều mũi xác minh từng chi tiết nhỏ nhất có liên quan đến nơi Thấn có khả năng xuất hiện. Đêm 31-5-2018, sau khi đã xác định được Thấn đang lẩn trốn tại đỉnh đồi Khánh Hiệp (xã Khánh Hiệp, H. Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), tại một lán trại phục vụ công trình xây dựng thủy điện của con trai ruột y là Nguyễn Ngọc Lâm, được sự giúp đỡ của CAH Khánh Vĩnh, các TS hóa trang chia nhau lên xe máy đến khu vực thủy điện Song Chò 2. Lúc này, Thấn đã giăng mùng để ngủ, trong nhà chỉ còn cô con dâu và đứa cháu nội mới lên 3 tuổi. Thấn phát hiện có người lạ lập tức đánh trả và tìm đường thoát thân nhưng bị một cú đá cận chiến của TS làm y ngã gục. Lập tức y được áp giải về trụ sở CAH Khánh Vĩnh.

Nguyễn Ngọc Thấn khai nhận, sau khi trốn khỏi trại giam, y đã vào H. Long Khánh (Đồng Nai) làm thuê sinh sống và đổi tên thành Văn Minh Tám. Tại Long Khánh, đối tượng đã lập gia đình và có 3 người con. Sau đó vợ chồng Thấn đến xã Khánh Hiệp (H. Khánh Vĩnh) lập nghiệp. Được khoảng vài năm, Thấn và vợ chia tay. Thấn quen một người phụ nữ khác ở xã Khánh Bình (H. Khánh Vĩnh) ở với nhau như vợ chồng và có với nhau hai người con.

Đến năm 2000, Thấn để vợ hai ở tại quê  rồi trốn lên H. Ia Grai (Gia Lai). Tại đây, Thấn tiếp tục quen một người phụ nữ quê ở Nghệ An và chung sống với nhau như vợ chồng đến nay.

Suốt 36 năm lẩn trốn, Thấn có 3 người vợ, 5 người con đều đã lập gia đình. Giờ Thấn đã lên chức ông nội, ông ngoại nhưng tội ác mà y gây ra vẫn phải trả. Với các TS Phòng CSTN CA tỉnh Bình Định ai cũng như nhẹ hẫng vì đã trả được món nợ với người dân và gia đình nạn nhân suốt 36 năm ròng...

QUÝ HIỀN