Khả năng đột phá về Brexit tại Brussels

Thứ năm, 21/02/2019 12:11

Điểm mấu chốt quan trọng trong lần đàm phán này là cái gọi là “lưới an ninh”, một chính sách nhằm giữ Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan với khối EU.

Người dân xuống đường tuần hành ủng hộ Brexit bên ngoài Tòa nhà Quốc hội ở London.   Ảnh: AFP

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 20-2 bắt đầu chuyến đi khác đến Brussels, Bỉ với hy vọng người đứng đầu Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker có thể giúp cứu vãn thỏa thuận Brexit của bà trước khi quá muộn.

Chuyến đi lần này của bà May diễn ra trong bối cảnh có khả năng rất cao là Anh sẽ trì hoãn hoặc không rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) trong tháng 3 tới theo như thời hạn chót đề ra. Anh đã từng tuyên bố sẵn sàng rời EU mà không cần thỏa thuận “ly hôn” nếu Quốc hội không ủng hộ kế hoạch Brexit của Thủ tướng May.

Nhiệm vụ lớn đè nặng Thủ tướng May

Và hy vọng trước mắt của bà May là thuyết phục EU đàm phán lại thỏa thuận “ly hôn” đã ký kết. Hồi tuần trước, Thủ tướng May đã thất bại trong một cuộc bỏ phiếu mang tính biểu tượng tại Quốc hội nước này về chiến lược Brexit của bà, qua đó làm suy yếu lợi thế đàm phán của nhà lãnh đạo này trong các cuộc thương lượng với EU nhằm đảm bảo các thay đổi đối với thỏa thuận Brexit. Và hy vọng trước mắt của bà May là thuyết phục EU đàm phán lại thỏa thuận “ly hôn” đã ký kết.

Điểm mấu chốt quan trọng trong lần đàm phán này là cái gọi là “lưới an ninh”, một chính sách nhằm giữ Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan với khối EU. Tuy nhiên, Anh đã từ chối vì điều này sẽ bao gồm các yêu cầu kiểm tra giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Anh. Thủ tướng May đã nhất trí về nghi thức ngoại giao trong vấn đề này với các nhà lãnh đạo EU hồi tháng 11-2018 nhưng sau đó đã bị các nghị sĩ Anh bác bỏ. Họ cho rằng, phương án này sẽ hạn chế nước này thiết lập các giao dịch thương mại mới với các quốc gia khác trên thế giới. Theo các nghị sĩ Anh, điều khoản pháp lý đưa ra có thể buộc London phải tuân theo các quy tắc của EU vô thời hạn.

Nhà lãnh đạo Anh đã cam kết với quốc hội sẽ đàm phán và ký lại thỏa thuận ban đầu với EU để cố gắng đặt giới hạn thời gian cho nghi thức ngoại giao này hoặc để London có cách khác thoát khỏi một thỏa thuận mà các nhà chỉ trích cho là sẽ khiến Anh “bị mắc kẹt” trong EU.

Không nhiều hy vọng?

Một phát ngôn viên của bà May đã gọi chuyến đi Brussels lần này “có ý nghĩa quan trọng” như là một phần của quá trình đàm phán để đi đến một sự thống nhất về những thay đổi cần thiết.

Nhưng với việc Anh sẽ phải rời khỏi khối thương mại lớn nhất thế giới trong 37 ngày tới, trừ khi Thủ tướng May có thể thuyết phục Quốc hội Anh hoặc EU “nhúc nhích”, các giới chức liên quan thật sự rất thận trọng trước cơ hội đột phá. Một trợ lý của ông Juncker cho biết, nhà lãnh đạo EU không nghĩ sẽ có sự đột phá trong lần đàm phán này. Phía EU cũng cho thấy sự thất vọng với lập trường của Anh đối với Brexit, khi cho biết, Bộ trưởng Brexit Stephen Barclay không đưa ra đề xuất mới nào khi ông có mặt ở Brussels hôm 18-2 để đàm phán với quan chức đàm phán của EU về Brexit, ông Michel Barnier. Hôm 19-2, EU cũng một lần nữa đáp trả dứt khoát với yêu cầu của Thủ tướng Anh. “EU 27 sẽ không đàm phán lại thỏa thuận Brexit đã ký kết; chúng tôi không thể chấp nhận giới hạn thời gian cho chính sách “lưới an ninh” hoặc một điều khoản Brexit đơn phương”, Margaritis Schinas, phát ngôn viên của ông Juncker nói đồng thời cho biết: “Chúng tôi đang lắng nghe và làm việc với chính phủ Anh... để London rời khỏi EU một cách có trật tự vào ngày 29-3”. 

Thủ tướng May có thời hạn đến ngày 27-2 để tìm kiếm nhượng bộ của EU trong vấn đề “lưới an ninh” hoặc đối mặt với một cuộc bỏ phiếu về Brexit khác tại Quốc hội, nơi các nghị sĩ muốn thay đổi thỏa thuận “ly hôn” mà nhà lãnh đạo Anh đã ký với EU. Đây thực sự là con đường chông gai.

KHẢ ANH