Khắc ghi lời Bác

Thứ hai, 18/05/2015 11:38

(Cadn.com.vn) - Những năm công tác ở miền Bắc, ông Lê Minh Nhẫn ở P.Hòa Cường Bắc (Q. Hải Châu, Đà Nẵng), nhiều lần vinh dự được gặp Bác Hồ, trong đó lần gặp Bác trên "Công trường 5" đã để lại trong lòng ông bao ấn tượng sâu đậm mà đến nay ông vẫn còn nhớ rõ.

Hồi ấy, ông Nhẫn là chiến sĩ của Sư đoàn 350-đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Hà Nội. Năm 1961, tiểu đoàn ông Nhẫn được điều đi xây dựng khu làm việc bí mật của các cơ quan Trung ương ở đồi Đá Chông, tỉnh Sơn Tây, thường gọi là "Công trường 5". Ông Nhẫn nhớ lại, bộ đội được phổ biến là đi xây dựng Công trường 5, chứ không hề biết mình đang có vinh dự được xây dựng khu làm việc bí mật của Bác Hồ và các cơ quan Trung ương, đề phòng không quân Mỹ đánh phá thủ đô. Một hôm, đơn vị được thông báo chuẩn bị đón Bác Hồ đến thăm. Ai cũng hồi hộp, phấn khởi trong niềm vinh dự được gặp Bác và sẽ được nghe những lời chỉ bảo của Bác.

Ông Lê Minh Nhẫn.

Ông Nhẫn kể: Khoảng hơn 9 giờ, xe Bác đến. Bác đi một vòng kiểm tra các hạng mục đang xây dở và nơi ở của bộ đội, rồi mới đến chỗ đơn vị tập trung đón Người. Tiếng vỗ tay vang to. Bác vẫy tay ra hiệu yên lặng và nói:

-Các chú xây dựng như vậy là tốt, dù trời nắng nóng mà vẫn bảo đảm tiến độ công trình, thể hiện cán bộ, chiến sĩ có quyết tâm và trách nhiệm cao, Bác khen. Nhưng có 2 điều các chú cần chú ý. Một là, vữa xây dở để chết trong các chậu nhiều. Tất cả vật liệu, tiền bạc để xây dựng công trình này đều là của nhân dân, nên các chú phải sử dụng hợp lý và tiết kiệm. Để vữa chết là lãng phí tiền của dân, lại tốn nhiều công sức cọ rửa chậu. Vậy là vừa lãng phí công, vừa lãng phí tiền, lãnh đạo đơn vị cần phải chấn chỉnh ngay. Hai là, dọc các lối đi chưa thấy trồng cây xanh. Cây xanh là lá phổi của cộng đồng. Trồng cây xanh dọc các lối đi để tạo bóng mát, tạo ra chỗ nghỉ ngơi, có lợi cho sức khỏe. Các chú cần phải trồng nhiều cây xanh, hy vọng lần sau Bác đến sẽ thấy có nhiều cây bóng mát và cả cây ăn quả nữa. Nhân đây, Bác dặn các chú làm gì cũng phải sáng tạo và tiết kiệm.

Rồi Bác nói về âm mưu của giặc Mỹ và bè lũ tay sai, nhiệm vụ của hậu phương miền Bắc, của các lực lượng vũ trang... Bác nói ngắn gọn, dễ hiểu. Chúng tôi lắng nghe như nuốt lấy từng lời của Bác. Sau khi Bác về, đơn vị tổ chức phê bình, chấn chỉnh những hành vi lãng phí vôi, vữa, vật liệu xây dựng, đồng thời bắt tay ngay vào việc trồng cây xanh dọc các lối đi và cả trong khuôn viên của từng khu nhà. Chẳng bao lâu, cây bóng mát và cây ăn quả nơi đây đã xanh tốt. "Bây giờ, công trường 5 ngày nào đã trở thành Khu di tích lịch sử và ai đến tham quan khu di tích này cũng được đi dạo hoặc ngồi nghỉ dưới bóng các hàng cây mà chúng tôi đã trồng  theo lời Bác", ông Nhẫn chia sẻ.      

Trong quá trình công tác, dù ở hậu phương miền Bắc hay trên quê hương vừa giải phóng, ông Nhẫn luôn khắc ghi lời Bác dạy "làm gì cũng phải sáng tạo và tiết kiệm". Ông từng đảm đương cương vị Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) suốt 10 năm 1975-1984 và đã thực hiện nhiều biện pháp đột phá, sáng tạo, xây dựng Hòa Tiến thành điểm sáng về thành tích khai hoang phục hóa, nâng cao đời sống nhân dân, nhiều lần được báo cáo điển hình toàn tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.

Dù tuổi cao sức yếu, ông Nhẫn vẫn tích cực đóng góp ý kiến xây dựng địa phương, tiếp tục tỏa sáng nhiệt huyết và niềm tin cách mạng, gương mẫu trong phong trào cây cao bóng cả và các hoạt động ở khu dân cư.

Lê Văn Thơm