Khắc khoải tiếng rao...
(Cadn.com.vn) - Bất chợt, đêm nay tôi lại được nghe tiếng rao đêm. Tiếng rao vang lên trong đêm khuya thanh vắng giữa mùa đông lạnh lẽo, tạo nên một cảm giác vừa buồn buồn, vừa khắc khoải, âu lo. Lâu lắm rồi mới nghe lại tiếng rao đêm. Dường như, giữa bộn bề của cuộc sống hiện đại, con người không còn mấy bận tâm đến tiếng rao như thế nữa. Mấy ai chợt nhớ, tiếng rao ấy, đã một thời làm ấm lòng biết bao người...
Có lẽ cách suy luận của một đồng nghiệp khi cho rằng, tiếng rao trong cộng đồng người Việt có từ rất sớm và lại xuất phát từ chốn cửa quan. Đó là tiếng rao của những nhà mõ ở các làng xã xưa. Tiếng rao thông báo trát quan về làng, tiếng rao thông báo của chánh tổng, lý trưởng..., hay đôi khi chỉ là tiếng rao về việc làng, việc xã. Nhiều người hẳn còn nhớ giọng rao lảnh lót, véo von của mẹ Đốp trong vở “Quan âm Thị Kính”: “Chiềng làng, chiềng chạ, thượng hạ tây đông...” kèm theo đó là tiếng mõ lóc cóc, rất ấn tượng. Những tiếng rao ấy một thời đã ăn sâu vào tâm thức của người dân Việt.
![]() |
Xe phở rong đã là hình ảnh quen thuộc với nhiều người dân phố thị. |
Ngoài ra trên khắp đường làng, nẻo phố là vô vàn những tiếng rao gắn liền với nhịp điệu cuộc sống buôn bán, trao đổi hàng hóa. Những âm thanh vang lên sau mỗi tiếng rao có khi trầm, khi bổng cùng những âm vực khác nhau ấy tạo nên nét văn hóa đặc trưng của nền văn hóa kẻ chợ. Đó có thể là tiếng rao của người bán phở gắn liền với tiếng gõ lách cách, là tiếng rao của bà đồng nát, của người bán kẹo kéo hay tiếng rao của thằng bé đánh giày... Xã hội ngày càng phát triển và đổi thay, tiếng rao vì thế cũng dần biến đổi theo. Có những tiếng rao dần dần mất đi, không ai còn nhớ như tiếng rao của những hoạn trâu, hoạn lợn; nhưng cũng lại có những tiếng rao bền vững theo thời gian như tiếng rao “phở ơ”, “bán bánh mỳ đê”.
Và rồi, trong dòng chảy của đời sống hiện đại, tiếng rao của những người bán hàng rong được thay thế bằng tiếng rao phát ra từ loa, từ máy. Lại có những tiếng rao... không lời, câm nín đến lạnh lùng dán kín đầy trên các cột điện, vách tường như “khoan cắt bê-tông”... Tuy nhiên, cho dù xã hội thay đổi đến đâu, tiếng rao vẫn gắn liền sau nó là những thông tin liên quan đến cuộc sống. Và sau mỗi tiếng rao vẫn là số phận của những đời người...
Đôi khi ngồi ở một góc phố nào đó, tôi chợt thèm nghe một tiếng rao của người bán hàng rong đến lạ! Bởi nó nhắc cho ta nhớ về một thời đã qua. Tiếng rao như lời mời, đưa con người xích lại gần nhau để cùng quan tâm, chia sẻ trước những phận người. Chợt buồn, bởi xem chừng sự hoài cổ của tôi trở nên lạc điệu với nhịp sống thời @ này. Nhưng tôi nghĩ, thông thường những cái gì sắp mất đi cũng khiến người ta... tiếc nuối! Nhất là những điều dần dần mất đi ấy gắn liền với hồn quê Việt...
A.Hào