Khách văn Hà Nội với ẩm thực Huế
Giáo sư Nhật Bản Tomita Kenje có một nhận xét rất tinh tế rằng: "Phong cách ăn của người Việt Nam đôi khi còn đậm tính dân tộc hơn cả ngôn ngữ''. Huế là xứ sở ẩm thực độc đáo, vừa dân dã, vừa sang trọng, đậm đà bản sắc dân tộc. Ai đến Huế sau khi thưởng thức các món ăn nấu theo lối Huế, cũng đều xuýt xoa khen ngợi, và nhớ mãi như một kỷ niệm đẹp đời mình. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ lớn đương đại Việt Nam cũng rất mê các món ăn Huế, rượu làng Chuồn... 30 năm làm thơ, viết báo ở Huế, tôi đã được dự không biết bao nhiêu cuộc vui cùng bè bạn văn nghệ sĩ, nhà báo cả nước đến thăm Huế. Xin kể vài kỷ niệm để bạn đọc sách này thấy rằng: Không chỉ người Huế thích món Huế mà cả những người sành ẩm thực nhất nước cũng mê món Huế !
Nhạc sĩ Văn Cao |
Năm 1986, Nhà văn Nguyễn Tuân vô Huế chơi. Ông ở Nhà khách tỉnh ở số 2- Lê Lợi, Huế. Tôi cùng mấy anh em nhà thơ ở Huế đến hầu chuyện ông. Ông mở "ba lô" lấy ra một cút rượu và ba cái chén, từ tốn rót rượu rồi ngửng lên nheo mắt cười mời chúng tôi: "Mời các bạn trẻ chủ tập thể đi!". Ông kể "rượu ấy là rượu Vân, đi đâu mình cũng phải bới đi". Ở Huế chưa được tuần, hết rượu Vân, ông thờ thẫn. Anh em mang đến chai rượu Chuồn Huế mời ông, ông nhấp nhấp thử rồi phán "Thằng này được!". Cách sống, cách nói của ông đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng mạnh mẽ. Nguyễn Tuân vốn luôn xê dịch qua rất nhiều vùng đất, nên ông rất sành điệu các món ăn ba miền. Ông đã viết rất tuyệt vời về phở Hà Nội, về cốm Vòng. Ông đã một lần viết rất hay về cơm muối Huế. Ông đặc biệt thích nhấm rượu với nem tré, tôm chua- vả chuối ăn kẹp với thịt lợn phay theo kiểu Huế. Đã thành lệ, lúc sinh thời nhà văn Nguyễn Tuân, các nhà văn, nhà thơ đất Cô Đô khi ra Hà Nội, ai cũng không quên mang theo xâu nem, lọ tôm chua với chục quả vả để làm quà cho người đồng nghiệp vong niên sành ăn của mình. Nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm kể: Một lần nhà thơ về quê ra, mang biếu Nguyễn Tuân một lọ tôm chua Huế và chục quả vả. Mươi hôm sau, nhà thơ lại đến thăm cụ Nguyễn Tuân, thấy lọ tôm chua vẫn còn để nguyên trên giá, bên cạnh chai "Ông già chống gậy". Hỏi mới biết nhà văn Nguyễn Tuân phải chờ hai ông bạn thân là họa sĩ Bùi Xuân Phái và họa sĩ Nguyễn Sáng đang đi vẽ xa về, để được cùng nhau thưởng thức phong vị Huế cũ! Khi mời khách ăn món Huế, tự tay Nguyễn Tuân gọt vả, thái chuối xanh, luộc thịt lợn, gắp tôm chua ra đĩa với một thái độ rất trân trọng các loại thực phẩm đời thường mà tạo ra được những rung cảm thẩm mỹ và niềm tự hào về văn hóa dân tộc!
Nhà thơ - nhạc sĩ Văn Cao, "người Việt Nam tài danh của thế kỷ XX", lần nào vào thăm Huế cũng được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và bạn bè mời rượu Chuồn, rượu Hiếu. Ông bảo rượu Chuồn là "vô địch", trên tài vodka ngoại! Tuần ấy, không may ông bị ốm phải vào nằm bệnh viện Trung ương Huế. Buổi sáng hôm đó nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và tôi vào viện thăm ông. Thấy chúng tôi vào mắt ông sáng hẳn lên. Ông kéo Nguyễn Trọng Tạo xuống nói gì đó rồi nhấp nháy mắt cười hóm hỉnh. Anh Tạo bảo với tôi: "Cụ thèm rượu Chuồn, ông ngồi đây, mình đi một lúc''. Lát sau, Nguyễn Trong Tạo trở vô viện với cút rượu, cái chén mắt trâu giấu trong cặp: "Chỉ cho cụ uống tí chút cho đỡ thèm, chứ bác sĩ cấm ngặt!". Tôi chiều một chén cho cụ rồi giấu chai rượu xuống góc giường. Nhạc sĩ Văn Cao chưa kịp nhấp hết chén rượu thì bất ngờ bác sĩ viện trưởng dẫn một ông lãnh đạo tỉnh đến thăm. Bị bắt quả tang đang vi phạm điều luật của bệnh viện, nét mặt cụ Văn Cao trở nên bẽn lẽn, lúng túng như trẻ con. Nhạc sĩ thú thật: "Cái giống Chuồn này ngon lắn, trộm nhấp tí kẻo nhớ ...!". Tất cả mọi người đều cười vui trước sự chân tình đến dễ thương của người nhạc sĩ. Sau đó nhạc sĩ -nhà thơ Văn Cao được các nhà thơ Huế Võ Quê, Nguyễn Trọng Tạo mời về làng Chuồn, đi giăng lưới đánh cá với dân làng trên phá Tam Giang. Đánh được con cá nào ngon là nướng và uống với gió, với trăng mờ, rồi đọc thơ suốt đêm.
Tháng 5-1988, nhà thơ Trần Dần theo Phùng Quán vào Huế. Một buổi tối vợ chồng tôi mời cơm ông, anh Phùng Quán cùng một số nhà văn ở Huế như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Lập... trong căn phòng tập thể của mình ở lưng chừng dốc Bến Ngự. Anh em thì uống rượu với đồ nhấm "cây nhà lá vườn". Riêng nhà thơ Trần Dần vì răng yếu nên được "ưu tiên" các loại bánh Huế như bánh nậm, bánh bèo, bánh khoái, bánh ướt... mua ở quán về. Bữa vui phải đốt đèn dầu vì mất điện. Dù vậy câu chuyện văn chương vẫn rôm rả đến tận nửa đêm. Sáng hôm sau, gặp lại tôi, ông cảm kích ghì chặt tay nói từ chuyện bánh sang chuyện văn rất hồn nhiên: "Ở Huế ăn ngon, hợp khẩu vị. Món ăn Huế không cay nặng như món ăn Ấn Độ. Bánh Huế, bánh của "nhân loại tím" là chúa sơn lâm! Các nơi khác có nguyên liệu mà không làm được. Cái ngon, cái mới trong thơ cũng có sẵn đâu đó trong cuộc sống như trong bánh Huế. Chỉ có người thích làm, dám làm, biết làm mới làm được...". Nhắc đến những kỷ niệm về ẩm thực Huế cũng là để thắp nén nhang thơm tưởng nhớ đến các bậc kỳ tài đã về nơi chín suối: Nguyễn Tuân, Văn Cao, Trần Dần...
Ngô Minh