Khai mạc chuỗi Hội nghị khoa học về các hành tinh ngoài hệ mặt trời
Ngày 26-2, Lễ khai mạc chuỗi Hội nghị khoa học các hành tinh ngoài hệ mặt trời lần thứ 2, năm 2018 đã diễn ra tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Đây là chuỗi hội nghị nằm trong khuôn khổ chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XIV, do Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ,UBND tỉnh Bình Định tổ chức.
Hội nghị lần này thu hút sự tham gia của 74 nhà khoa học, nhà nghiên cứu vật lý, thiên văn học đến từ 20 quốc gia. Các nhà khoa học: Giáo sư Trần Thanh Vân (Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam), ông Roger Ferlet và ông Guillaume Hesbrard (Viện Vật lý Thiên văn Pháp) chủ trì hội nghị. Trong 5 ngày diễn ra hội nghị (từ ngày 26-2 đến 2-3), hội nghị bao gồm nhiều phiên họp toàn thể, các bài thuyết trình, báo cáo tổng quan và các phiên họp song song, tập trung vào những chủ đề chính.
Theo Giáo sư Trần Thanh Vân, nghiên cứu các hành tinh ngoài hệ mặt trời đã trải qua những bước phát triển phi thường trong ngành Vật lý Thiên văn. Chuỗi hội nghị lần này nhằm mục đích khám phá vũ trụ và sự đa dạng của nó, cũng như sự hình thành và phát triển của các hành tinh. Về lâu dài, việc nghiên cứu này giúp xác định các hướng đi mới trong việc phát hiện các sự sống ngoài Trái đất. Các kỹ thuật phát hiện khác nhau như vận tốc xuyên tâm, quá cảnh, thấu kính hiển vi, hình ảnh trực tiếp, thời gian hoặc phương pháp vũ trụ đã phát hiện ra hàng nghìn hành tinh mới. Các đại biểu dự hội nghị giới thiệu nhiều kỹ thuật sẽ phát triển trong những năm tới, trong một không gian tham số thăm dò ngày càng tăng...
Kể từ năm 2014, Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam đã tổ chức chuỗi các hội nghị hàng năm về khoa học hành tinh, trong đó tập trung vào các hành tinh ngoài hệ mặt trời. Các hội nghị này đã góp phần thúc đẩy sự hợp tác bền vững giữa các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận, nghiên cứu về vật lý thiên văn cho hàng ngàn bạn trẻ yêu khoa học trong nước.
QUỐC DŨNG