Các đối tượng trong vụ án phá rừng Pơ-mu ở Quảng Nam:

Khai thác gố theo chỉ đạo của Trạm trưởng Biên phòng

Thứ sáu, 08/06/2018 17:10

Trong 4 ngày, 5, 6, 7 và 8-6-2018, Tòa án Quân sự khu vực 1 (Quân khu V) mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với Lê Xuân Chính- nguyên Đại úy, Đồn phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang, kiêm Trạm trưởng Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang cùng 20 bị cáo khác về tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng”.

Các bị cáo tại tòa.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu V, Lê Xuân Chính, Nguyễn Văn Quang (trú H. Nam Trà My, Quảng Nam) và Tiêu Hồng Tư- Giám đốc Công ty Cổ phần Minh Hà (trụ sở tại TP Đà Nẵng), có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khoảng đầu năm 2016, Quang đã vào rừng khảo sát, tìm gỗ Pơ-mu để khai thác. Sau khi tìm thấy vị trí có gỗ Pơ-mu ở khu vực rừng thuộc khoảnh 5, khoảnh 8, Tiểu khu 351, rừng Phòng hộ thuộc xã La Dêê (H. Nam Giang, Quảng Nam) Chính, Quang đã thỏa thuận, thống nhất với nhau về giá, tiền công khai thác, vận chuyển.

Khi nhận được quy cách xẻ gỗ và tiền, Quang đã thuê các bị can từ Quảng Bình vào tiến hành khai thác gỗ trái phép. Khi cưa xẻ, gùi (cõng) được 26 phách gỗ về cột mốc 717, Quang, Chính, Tư gọi cho nhau rồi gửi gỗ ở Trạm Hải quan, thì bị Hải Quan không cho gửi vì gỗ xẻ không đúng quy định. Quá trình khai thác, vận chuyển Chính, Quang luôn đốc thúc các bị cáo khác khẩn trương trong việc khai thác, vận chuyển gỗ, hướng dẫn thời gian hoạt động, cung cấp thực phẩm, xăng dầu và liên lạc với Tư trong việc chuyển tiền. Sau khi bị phát hiện, Chính đã điện thoại cho Quang trốn một thời gian, nhưng bị bắt tại TPHCM. Việc khai thác gỗ trái phép do nhóm này thực hiện dẫn đến hậu quả, rừng phòng hộ Nam Sông Bung đã bị khai thác trái phép 37 cây gỗ Pơ-mu là loại gỗ thuộc nhóm IIA (thực vật rừng quý hiếm, nguy cấp), tổng giá trị thiệt hại được xác định là gần 3 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Quang khai, việc khai thác gỗ do bị cáo Chính là người đứng ra tổ chức. Trong quá trình khai thác, Chính cũng thường xuyên gọi điện cho bị cáo đôn đốc, chỉ đạo công việc. Bị cáo quen Chính và Tư từ cuối năm 2015. Đầu tháng 5-2016, bị cáo Quang và một nhóm người đi theo đường công vụ biên phòng, hướng từ cột mốc 717 về hướng cột mốc 716 vào rừng quan sát thì phát hiện khu vực có gỗ Pơ-mu cách đường công vụ khoảng 20m. Tại đây, bị cáo Quang dùng điện thoại chụp ảnh, quay phim khu rừng này rồi gọi điện báo cho Chính biết thông tin. Sau đó, bị cáo Chính gặp bị cáo Quang tại cửa khẩu Nam Giang để thống nhất trao đổi quy cách chặt gỗ và giá công khai thác gỗ là 8 triệu đồng/m3. Để có kinh phí cho việc khai thác, bị cáo Tư chuyển cho bị cáo 200 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng, chia làm hai đợt. Sau khi nhận tiền, bị cáo Quang nói với Nguyễn Văn Thắng gọi thêm một nhóm người từ Quảng Bình vào để tiến hành khai thác gỗ Pơ-mu. Bị cáo Quang khai thêm, bị cáo chỉ biết khai thác gỗ cho Chính và Tư. Trong trường hợp Tư không cho ứng tiền thì bị cáo Quang sẽ không thực hiện.  

Bị cáo Quang khẳng định, trong quá trình khai thác, Chính nhiều lần thúc giục bị cáo đẩy nhanh tiến độ khai thác, vận chuyển gỗ tập kết tại cột mốc 717 để chờ khi nào đủ xe thì vận chuyển đi. Đến ngày 8-7-2016, Trạm quản lý Bảo vệ rừng Chà Vàl cùng các hộ dân được giao quản lý rừng phòng hộ thuộc khoảnh 5 và 8 tiểu khu 351 rừng phòng hộ Nam Sông Bung đi kiểm tra rừng, phát hiện nhiều gỗ Pơ-mu xẻ thành phách trong khe suối cạn. Biết vụ việc vỡ lở, bị cáo Chính điện thoại cho bị cáo Quang nói “anh em vận chuyển rút về quê”. Riêng riêng bị cáo Quang được Chính đề nghị đổi số điện thoại và trốn sang Lào một thời gian. Trong thời gian trốn tại Lào, bị cáo Quang tiếp tục nhận được điện thoại của Chính yêu cầu phải trốn từ 3-5 năm. Nếu bị bắt thì nhận trách nhiệm, đừng khai ra Chính, vợ con ở nhà đã có Chính và Tư lo. “Ở Lào được ít ngày thì bị cáo chạy xe máy về Việt Nam, một phần vì không biết tiếng Lào, một phần vì lo lắng tình hình vợ con ở nhà. Đến gần cửa khẩu, bị cáo bỏ xe máy lại ven đường rồi cắt rừng về Nam Giang sau đó trốn vào TPHCM và bị bắt ở đây” bị cáo Quang trình bày.

Bị cáo Chính viện lý do vì lâu ngày nên không nhớ, không biết để trốn tránh một số câu hỏi của hội đồng xét xử (HĐXX). Bị cáo Chính cho rằng trong khi khai thác gỗ, cả bị cáo Chính và Quang đều không biết đâu là phần lãnh thổ thuộc Lào, đâu là phần lãnh thổ thuộc Việt Nam. Vì vậy, bị cáo Chính nghĩ mình đang khai thác gỗ trên địa phận của Lào cho đến khi lực lượng chức năng đến hiện trường bị cáo Chính mới biết mình đã khai thác gỗ trên lãnh thổ Việt Nam(!). Vậy nhưng, khi HĐXX hỏi “bị cáo biết ranh giới lãnh thổ của Lào và Việt Nam không?” thì bị cáo lại trả lời “bị cáo biết”. Trước phân tích của vị chủ tọa “rõ ràng là bị cáo phải biết, người dân có thể không biết nhưng ở vị trí Trạm trưởng Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, bị cáo phải biết rõ ranh giới lãnh thổ đất nước mình vì đây là đối tượng bị cáo phải bảo vệ...”, thì bị cáo Chính im lặng, cúi đầu. Bị cáo Chính khai nhận mục đích bị cáo khai thác gỗ là để đóng giường, tủ, bàn ghế chứ không có mục đích thương mại. Thực tế cho thấy, bị cáo Chính thừa biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình làm. Bị cáo Chính thừa nhận, trong trường hợp Tư không ứng tiền cho Quang thì bị cáo Chính cũng sẽ tìm cách chạy vạy để đưa tiền cho Quang. Không chỉ vậy, bị cáo Chính còn dặn Quang: khu vực này có nhiều người qua lại nên phải làm tế nhị, kín đáo, không cho ai biết. Như vậy rõ ràng, bị cáo Chính biết rất rõ việc khai thác gỗ này đang nằm hoàn toàn ở địa phận Việt Nam chứ không phải là “không rõ”, hay “nghĩ là ở Lào” như lời khai của bị cáo trước đó.

Liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại, các luật sư (LS) cho rằng tang vật của vụ án đã được thu hồi và đem bán đấu giá với hơn 800 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lại 667 triệu đồng (“dư” gần 100 triệu đồng so với giá nhà nước đưa ra). Như vậy, Nhà nước không bị thiệt hại nên đề nghị HĐXX khấu trừ và không buộc các bị cáo bồi thường. Đối với thiệt hại về môi trường, các LS yêu cầu HĐXX xem xét vì chưa có cơ sở như thiệt hại bao nhiêu, như thế nào... để buộc các bị cáo bồi thường. Trong vụ án này, bị cáo Chính được xác định là chủ mưu, khởi xướng và lên kế hoạch thực hiện nên phải chịu hình phạt tương xứng. Các bị cáo Quang, Thắng vì cho rằng đang khai thác trên đất Lào và khai thác cho cán bộ nhà nước và giám đốc công ty nên đã rủ thêm các bị cáo còn lại cùng thực hiện. Các bị cáo Nguyễn Văn Sanh, Lê Trọng Dương, Lê Hồng Diêu, Mai Văn Châu, Mai Văn Cường, Phạm Văn Bồng, Nguyễn Văn Dũng, Hoàng Văn Sử, Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Danh, Cao Văn Hới, Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Phường, Nguyễn Văn Ngự, Hoàng Văn Luận khẳng định trước tòa vì được biết khai thác gỗ cho Chính là cán bộ Nhà nước mới tham gia và quá trình khai thác rất yên tâm nên thực hiện mà không biết mình vi phạm.

Hôm nay (8-6) dự kiến HĐXX sẽ tuyên án.

TRANG TRẦN