Nhức nhối tình trạng phá rừng phòng hộ
Cuối tuần qua, trong chuyến thực tế kiểm tra tình trạng phá rừng tại khu vực rừng phòng hộ Sông Kôn, ông Lê Trí Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã phải thốt lên: "Tôi thật sự đau xót khi tận mắt chứng kiến những cây cổ thụ ngã xuống như thế này". Có lẽ cảm nhận của ông Thanh cũng là cảm nhận chung của nhiều người khi phải tận mắt chứng kiến những cây rừng cổ thụ hàng trăm tuổi bị lâm tặc triệt hạ không thương tiếc.
Những cây gỗ lim cổ thụ vừa bị đốn hạ ở rừng phòng hộ Nam Sông Bung (H. Nam Giang). |
Điều đáng nói, ngoài vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn được phát hiện thì những ngày qua, rừng lim trăm tuổi với những cây lim xanh 3 người ôm không xuể bị triệt hạ không thương tiếc tại rừng phòng hộ Nam Sông Bung (H. Nam Giang) khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của chủ rừng cũng như có hay không sự buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay cho "lâm tặc" của chính những người được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng (?).
Không riêng gì ở Đông Giang, chỉ trong tháng 3 vừa qua, tại H. Nam Giang cũng liên tiếp xảy ra 2 vụ phá rừng khác quy mô lớn được phát hiện. Điều đáng nói, những khu vực rừng bị phá đều nằm trong sự quản lý của Ban quản lý (BQL) Rừng phòng hộ (RPH) Nam Sông Bung. Cụ thể, theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, đầu tháng 3-2018, BQL và Hạt Kiểm lâm RPH Nam Sông Bung kiểm tra phát hiện vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra tại khoảnh 1, 3, Tiểu khu 335 (thôn Cần Đôn, xã Chà Val, H. Nam Giang), thuộc lâm phận quản lý của BQL RPH Nam Sông Bung. Kết quả khám nghiệm hiện trường có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ (33 cây lim xanh và 1 cây xoan đào). Ước tính tổng khối lượng gỗ thiệt hại 235,111 m3, trong đó gỗ lim 223,121 m3 và gỗ xoan đào 11,990 m3; khối lượng gỗ còn tại hiện trường 125,909 m3 gỗ tròn và 3,949 m3 gỗ xẻ. Đến ngày 28-3, Hạt Kiểm lâm RPH Nam Sông Bung đã ban hành quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản đề nghị Viện Kiểm sát chuyển vụ án đến CAH Nam Giang để tiếp tục điều tra, xử lý.
* Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018, lực lượng Kiểm lâm và các ngành chức năng đã tổ chức được hơn 208 đợt tuần tra, kiểm soát, phát hiện 242 vụ vi phạm; tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm gồm 306,335 m3 gỗ các loại; 274,6 kg động vật rừng, 200 kg than, 23 ô-tô, 24 mô-tô, 3 xe bò, 2 cưa xăng; xử lý vi phạm hành chính 143 vụ với số tiền phạt hơn 700 triệu đồng. Khởi tố 6 vụ án; tiếp tục điều tra 20 vụ; kết thúc điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát truy tố 4 vụ. |
Tại hiện trường, những cây gỗ lim 3-4 người ôm không xuể bị đốn hạ. Có cây bị chặt hạ cách đây vài tháng, có cây mới chặt, nhựa vẫn còn đang tươm ra. Điều đáng nói, cách hiện trường không xa có một trạm chốt chặn của BQL RPH Nam Sông Bung, nhưng không hiểu sao "lâm tặc" có thể đưa gỗ về xuôi mà không bị phát hiện?.
Trước đó cũng giữa tháng 3 vừa qua, CQĐT CAH Nam Giang đã triệt phá thành công đường dây khai thác gỗ lớn tại khu vực Khe Bưa, giáp ranh giữa 3 xã Zuôi, Tà pơ (H. Nam Giang) và xã Lăng (H. Tây Giang) cũng thuộc BQL RPH Nam Sông Bung. Đường dây phá rừng này do Tăng Tấn Dịp (1981, trú xã Đại Sơn, H. Đại Lộc) cầm đầu. Tiếp cận hiện trường, lực lượng chức năng bắt giữ 6 đối tượng trực tiếp khai thác gỗ gồm: Tăng Đức Xưng (1955), Nguyễn Văn Triều (1978), Văn Bá Điệp (1983), Phan Văn Tài (1984, cùng trú xã Đại Lãnh, H. Đại Lộc), Lương Văn Luận (1990) và Lê Minh Thành (1985, cùng trú xã Đại Sơn, H. Đại Lộc). Tại hiện trường xác định các đối tượng đã tổ chức cưa, hạ, xẻ 5 cây gỗ, gồm dổi hương 4 cây và lim xanh 1 cây. Qua đo đếm xác định 5 cây gỗ trên có khối lượng 33,113m3 gỗ. Tại hiện trường còn ghi nhận 17 phách gỗ dổi hương có khối lượng 1,13m3. Qua đấu tranh ban đầu các đối tượng khai nhận và chỉ ra nơi tập kết gỗ tại lòng hồ thủy điện Sông Bung 4, vị trí nằm sâu dưới lòng hồ. Qua đấu tranh, CQĐT tiến hành thu giữ 2 máy cưa lốc, 1 phà máy, 1 ghe máy và các vật dụng khai thác, vận chuyển gỗ. Hiện vụ án đang được CAH Nam Giang tiếp tục điều tra, mở rộng.
CQĐT khám nghiệm hiện trường các vụ phá rừng ở Nam Giang xảy ra tháng 3-2018. |
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, đầu năm 2018, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 147/KH-UBND về kiểm tra, truy quét, xử lý vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Theo ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thì đơn vị cũng đã tham mưu Sở NN& PTNT trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 580/QĐ-UBND ngày 7-2-2018 về việc thành lập Tổ công tác cấp tỉnh để kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 147. Các Hạt Kiểm lâm, các BQL RPH, đặc dụng, các Đội KLCĐ và PCCCR cũng đã tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng kế hoạch để kiểm tra, truy quét tình trạng phá rừng, khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn quản lý; đồng thời tăng cường tổ chức kiểm tra và triển khai quyết liệt các biện pháp để ngăn chặn các hành vi vi phạm lâm luật. "Nhìn chung, Kế hoạch số 147 được ngành Kiểm lâm, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương triển khai quyết liệt, đạt hiệu quả"- ông Tuấn đánh giá.
Nhìn nhận của ngành Kiểm lâm là vậy, thế nhưng chỉ trong vòng 1 tháng 3 vừa qua, nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng, xảy ra với quy mô lớn khiến dư luận bức xúc, họ đặt câu hỏi về trách nhiệm, tính hiệu quả của lực lượng bảo vệ rừng cũng như có hay không các đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng (chủ rừng) bắt tay với "lâm tặc" để phá rừng ?.
Bởi vậy, trong buổi làm việc với các ngành chức năng, ông Thanh yêu cầu Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phải xử lý gấp vai trò, trách nhiệm của BQL rừng và lực lượng kiểm lâm địa bàn để xảy ra tình trạng trên. Còn việc buông lỏng hoặc có hành vi khác liên quan đến trách nhiệm hình sự cần cơ quan CA làm rõ. "Đối với địa phương nơi có rừng bị phá cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền xã, nhưng trách nhiệm chính vẫn là BQL rừng. Quan điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là xử lý nghiêm, có thể đau đớn khi xử lý cán bộ, nhưng dứt khoát phải xử lý", ông Thanh nói.
Để bảo vệ những cánh rừng ít ỏi còn sót lại, ông Lê Trí Thanh đã công bố email cá nhân của mình: thanhquangnam70@gmail.com; đồng thời ông Thanh cũng kêu gọi báo chí, người dân tích cực tố giác các hành vi xâm hại, tiếp tay cho "lâm tặc" phá rừng cũng như hiến kế trong việc quản lý, bảo vệ rừng.
Trần Tân - Lê Vương