Khẩn cấp "giải cứu" cảng cá Cửa Tùng

Thứ năm, 09/03/2017 11:07

(Cadn.com.vn) - Năm 2008, công trình cảng cá Cửa Tùng và khu neo đậu trú tránh bão cho tàu cá Cửa Tùng được đưa vào hoạt động. Luồng tàu có độ sâu 3,1m, đoạn từ cảng cá lên khu neo đậu sâu từ 3,5 đến 4,5m; độ rộng 60m đảm bảo cho tàu cá xa bờ vào ra thuận lợi. Từ một cảng cá sầm uất nhộn nhịp, nay cảng cá Cửa Tùng chỉ còn cảnh vắng vẻ đìu hiu bao trùm. Nguyên nhân do luồng vào cảng cá ngày càng bị bồi lấp, tàu khó vào nên phần lớn neo đậu ngoài cửa biển hoặc "tháo chạy" về cảng Cửa Việt (TT Cửa Việt, H. Gio Linh) để tiêu thụ hải sản và tiếp nguồn vật tư nhiên liệu. Không chỉ ngư dân mà cả BQL cảng đều đứng ngồi không yên trước mối lo cát "khóa" cửa biển kéo theo nhiều hệ lụy  này.

Ngẫm đến hình ảnh nhộn nhịp của cảng cá Cửa Tùng vào năm 2012,
nhiều người không giấu được nỗi buồn cho tình cảnh hiện tại.

Ngày 8 - 3 - 2017, trao đổi về tình hình cảng cá Cửa Tùng, ông Lê Văn Sơn, Giám đốc BQL Cảng cá tỉnh Quảng Trị đầy trăn trở khi lật lại những bức hình những năm về trước. " Sầm uất, nhộn nhịp tàu cá ngoại tỉnh, chừ cảng vắng vẻ đến xót lòng", ông Sơn buồn thượt, không giấu được tâm trạng. Hơn 3 năm nay, luồng vào cảng và khu neo đậu trú tránh bão ở thượng lưu cầu Cửa Tùng ngày càng bị bồi lấp nghiêm trọng mà không được nạo vét thường xuyên, kịp thời. "Nhất là 2 năm 2014, 2015 trở lại đây, luồng từ cửa biển vào bị biến dạng khúc khuỷu hình chữ Z, chiều rộng luồng có đoạn chỉ còn 6m, cao độ đáy luồng có đoạn chỉ còn -1,6m, trong lúc mớm nước của tàu cá xa bờ bé nhất cũng đã là -2,1m", ông Sơn chia sẻ. Để vào được cảng, tàu phải chờ thủy triều lớn, các tàu tỉnh bạn nếu không có tàu thuyền địa phương dẫn đường thì không thể vào cảng hay lên khu neo đậu. Cũng đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra, tàu mắc cạn, chìm ngay nơi cửa biển. Cao điểm có ngày 8 tàu cùng mắc cạn gây nên nỗi hoang mang cho ngư dân.

Với tình cảnh như trên, các tàu cá xa bờ ngại vào cảng mà neo đậu ngoài cửa biển rồi thuê tàu thuyền có công suất dưới 45CV để trung chuyển hàng hóa, vật tư hoặc "dông" thẳng về Cửa Việt. Điều này gây bất lợi và tốn kém cho ngư dân và dịch vụ hậu cần nghề cá tại Cửa Tùng không hề nhỏ. Chị Liên (1976), có cơ sở nước đá cung cấp cho tàu cá neo đậu tại phía nam thượng lưu cầu Cửa Tùng (thôn Bắc Sơn, xã Trung Giang, H. Gio Linh) thở dài khi được hỏi đến hoạt động sản xuất thời gian qua. "Tàu không vô, 5 tháng ni cơ sở không chạy được cây đá mô. May mà hôm qua có tàu cá Quảng Bình gặp con nước lên nên vô nghỉ mùa trăng đây luôn. Lâu rồi mới có tàu ngoại tỉnh rứa đó", chị Liên chua chát kể. Để đáp ứng tình hình mới, vợ chồng anh chị phải đầu tư thêm chiếc ghe hơn 20 triệu đồng nhằm vận chuyển đá ra cho số tàu neo ngoài cửa biển. "Sẵn sàng rứa nhưng cũng có mấy tàu đành lòng đợi ngoài cửa biển, họ chạy về cảng Cửa Việt luôn rồi", chị Liên rầu rĩ chia sẻ.

Nói về chuyện "hầu" con nước lên để vào, ra cửa biển mới càng thảm. Tàu vào đến cửa biển có khi phải đợi cả ngày mới gặp đỉnh thủy triều, lúc trở ra, cứ có nước lớn là đi, ra sớm neo chờ ở cửa biển chứ không cần đúng lịch trình mới xuất phát. Giám đốc Sơn cho biết luồng phải sâu trên 2,8m thì tàu xa bờ mới lưu thông được, trong khi đó, luồng cạn chỉ còn sâu 2,1m, gặp đỉnh điều cao nhất cũng chỉ 0,74m nhưng không phải ngày nào cũng có. Chính vì vậy mới có chuyện tàu vỏ sắt của ngư dân đóng tại Hải Phòng chỉ mất 1 ngày rưỡi là vào đến cửa biển Cửa Tùng nhưng lại phải đợi 3 ngày mới gặp được triều cao để đưa vào khu neo đậu. Một số người đã buông ý định đầu tư mua tàu công suất lớn cũng xuất phát từ khó khăn này.

Việc luồng cạn không chỉ thách thức tàu cá xa bờ mà ngay cả tàu cá công suất thấp cũng khó khăn. Anh Nguyễn Văn Lương, TT Cửa Tùng cho hay nhiều thuyền 20 CV thực hiện trung chuyển hàng ra ngoài cửa biển cho tàu neo đậu cũng bị cát "bẻ" gãy lá chân vịt, mắc cạn, tốn kém đủ đường.

Nhiều tàu cá công suất nhỏ xuất ra gặp luồng cạn cũng dễ bị bẻ gãy lá chân vịt.

Trước tình trạng của cảng cá Cửa Tùng, BQL cảng cá Quảng Trị đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên cho thực hiện nạo vét khẩn cấp sa bồi luồng vào cảng cá, cao độ nạo vét bằng cao độ bình thường trước đây chưa bị bồi lấp. Được biết, vào năm 2015, Bộ GTVT và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã chấp thuận cho một công ty thực hiện dự án nạo vét khơi thông luồng lạch, tận thu sản phẩm tại khu vực Cửa Tùng. Tuy nhiên, ghi nhận vào ngày 8 - 3 - 2017, công tác nạo vét chưa có chuyển động.

" Chỉ còn cách khẩn cấp nạo vét luồng cửa biển mới "giải cứu" được cảng cá Cửa Tùng khỏi thực trạng hiện chừ, bà con ngư dân cũng sẽ phấn khởi, dịch vụ hậu cần nghề cá nhờ đó mà hồi sinh lại", anh Lương bày tỏ. Đây cũng là nguyện vọng chính đáng và cần kíp của đông đảo bà con ngư dân tại đây gửi lên các cấp, Bộ, ngành, chính quyền. Hy vọng, một Cửa Tùng nhộn nhịp tàu cá sẽ sớm trở lại như hình ảnh những năm về trước.

Bài, ảnh: Bảo Hà