Khát khô cả xã

Thứ tư, 28/05/2014 08:25

(Cadn.com.vn) - Xã Xuân Quang 1, huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên) có 5 thôn (1.061 khẩu) thì có tới 3 thôn (979 khẩu) thiếu nước uống. Riêng nước tắm giặt, người dân cũng phải dùng xe cộ bò chở nước sông về dùng. Những ngày khô hạn này, tình trạng khát nước càng khiến người dân quay quắt hơn bao giờ hết.

Thiếu nước sinh hoạt

Cách TT La Hai (H. Đồng Xuân) gần 30km, những ngày cuối tháng 5 này, xã Xuân Quang 1 như nằm trong “chảo lửa” của cái nắng như thiêu đốt mùa hè vùng cao, có thời điểm nhiệt độ lên đến hơn 38oC. Người dân địa phương cho biết, những cơn mưa cuối tháng 4 vừa qua đã cứu hàng trăm héc-ta cây trồng các loại, nhưng không thể giải hạn “cơn khát” nước sinh hoạt, đặc biệt là nước uống, vì sau mưa, nắng và gió mùa càng gay gắt hơn.

Xã Xuân Quang 1 có 5 thôn với 1.281 hộ dân. Trong đó, 147 hộ ở thôn Phú Tâm may mắn được sử dụng nước từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và 73 hộ ở thôn Đồng Hội cơ bản đủ nước sinh hoạt do ở ven sông Kỳ Lộ. Còn lại 979/1.061 hộ ở các thôn Kỳ Lộ, Suối Cối 1, Suối Cối 2 thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Để có nước uống, hàng ngày người dân đổ dồn về suối Đập và khu vực Đồng Xe chắt lọc từng can nhựa, còn tắm rửa phải dùng mô-tô hoặc cộ bò chở nước từ sông Kỳ Lộ về dùng, hay giặt giũ tại chỗ.

Giải quyết nhu cầu bức thiết về nước sinh hoạt của người dân, từ năm 2012, H. Đồng Xuân đã tiến hành khảo sát, thiết kế công trình nước sinh hoạt đặt tại Trạm điện Mỏ Cày thôn Kỳ Lộ với dự toán kinh phí khoảng 5 tỷ đồng, cung cấp nước cho 979 hộ dân các thôn Kỳ Lộ, Suối Cối 1, Suối Cối 2. Tuy nhiên, do không có kinh phí, nên đến nay dự án này vẫn chưa thể triển khai. “Hạ tầng cơ sở được đầu tư cơ bản ổn định, song thực trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng nhiều năm qua là vấn đề trăn trở của Đảng bộ và chính quyền địa phương. Mặc dù đã nhiều lần kiến nghị lên đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp và ngành liên quan xem xét, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1, ông Đặng Chí Hậu, nói.

Nắng nóng, người dân Khu tái định cư Suối Cối 2 phải chắt lọc từng gàu nước về uống.

Nước uống khó dùng

Mặc dù được đầu tư xây dựng 5 giếng đào, nhưng hiện gần 100 hộ dân ở Khu tái định cư Suối Cối 2 vẫn không đủ nước sử dụng, đặc biệt là nước uống. Theo phản ánh của các hộ dân, trong 5 giếng đào, duy nhất chỉ có 1 giếng nước uống được. Tuy nhiên, lúc cao điểm nắng nóng, mực nước giếng uống chỉ còn khoảng 30cm; 4 giếng còn lại, một số người dân vẫn sử dụng để giặt giũ trong tâm lý “e ngại” do nhiễm phèn nặng, nên lượng nước còn khá “dồi dào”. “Cả làng dùng chung một giếng nước uống, nên phải tập trung xách từng gàu từ 5 giờ sáng đựng trong can nhựa. Nếu đi trễ sẽ không đủ nước uống, vì phải đợi đến chiều tối nước mạch trong giếng mới hồi lại, nhưng cũng chỉ sâu khoảng 40cm”, chị La O Thị Dung, ở Khu TĐC Suối Cối 2, rầu rĩ.

Có mặt tại Khu TĐC Suối Cối 2 vào khoảng 16 giờ chiều 26-5, nhưng cái nắng hè vẫn còn gay gắt, chúng tôi tận mắt chứng kiến thực trạng khan hiếm nước uống tại đây. Thật cám cảnh khi nhìn những đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi phải tranh thủ “gồng mình” trong tình trạng quá sức, kéo từng gàu nước cạn đổ vào can nhỏ mang về khi cha mẹ đi làm rẫy. Trong khi đó, 4 giếng đào khác nằm “chỏng chơ” không một bóng người.

Theo nhiều người dân, những ngày tới nếu trời không mưa, thì những giọt nước cuối cùng dưới “độc giếng” kia cũng tan biến. Điều này đồng nghĩa, họ phải buộc phải quay lại sử dụng nguồn nước giếng nhiễm phèn hoặc đào hố bên bờ suối để chắt lọc nước về uống. Và hậu quả, dịch bệnh xảy ra là điều khó tránh khỏi, nhất là dịch tả, căn bệnh thường nảy sinh vào mùa hè.

Nguyễn Nam