Khát vọng biên cương (Kỳ cuối: Vùng biên khoác áo mới)
Năm 2003, khi H. Tây Giang (Quảng Nam) mới tái lập, tôi và Nhà báo Văn Hiếu, bây giờ là Phó Ban Thư ký - Biên tập Báo Công an TP Đà Nẵng rủ nhau lên Tây Giang. Hơn một ngày lội bộ, vượt rừng, chúng tôi mới lên tới Công an huyện, đóng tạm tại Trung tâm xã Lăng, trong tình trạng người ngợm bê bết bùn đất, trước con mắt ngạc nhiên của mọi người. Ba năm sau, Nhà báo Công Khanh - Báo Công an TP Đà Nẵng, Nhà báo Nam Cường - bây giờ là Trưởng Văn phòng đại diện Báo điện tử Dân Việt tại miền Trung, Nhà báo Ngọc Thi - Báo Công an nhân dân lại có chuyến công tác kỷ lục, 15 ngày đi bộ cùng các cán bộ H. Tây Giang lên vùng biên giới. Sau chuyến đi này, các nhà báo được UBND huyện tặng Giấy khen, đây là chuyện hình như chưa có tiền lệ trong nghề làm báo ở Việt Nam. Nhắc lại chuyện này để thấy Tây Giang hơn 10 năm trước gian khó thế nào...
Trung tâm xã A Xan, H. Tây Giang trở thành danh thắng cấp tỉnh trên vùng biên giới Việt-Lào. |
Đổi thay nhờ sự quyết tâm
Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6-2010, theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7, ngày 5-8-2008, gồm 19 tiêu chí, trong đó tiêu chí vùng nông thôn phải có điện, đường, trường, trạm là những tiêu chí quan trọng hàng đầu. Vậy nhưng, tại thời điểm ấy, Tây Giang mới chỉ có chưa đầy 20 km đường giao thông hoàn chỉnh, gần 70 thôn bản, trên 11 xã của huyện hoàn toàn không có đường giao thông, hoặc chỉ có thể đi lại được trong mùa nắng. Để xây dựng nông thôn mới, phải bắt đầu từ đâu, đó là câu hỏi đặt ra đối với Đảng bộ và chính quyền huyện?. Không có đường giao thông thì không thể làm được bất cứ vấn đề gì cả, không thể kéo điện, không thể xây dựng trường học, không thể xây trạm y tế, không thể phát triển kinh tế ổn định đời sống cho nhân dân…
Đã có một thời, cán bộ và nhân dân Tây Giang cũng như nhiều vùng miền núi biên giới ở Quảng Nam nói, đây là vùng đất chỉ dành cho bộ đội biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới cùng các thầy cô giáo cắm bản, còn các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội khác đều chỉ là con số “0”. Thực tại ấy nghe vô cùng xót xa. Ông BLing-Mia - Chủ tịch UBND H. Tây Giang cho biết, huyện đã quyết tâm, phải khẩn trương giải quyết ngay vấn đề giao thông cho người dân. Từ các nguồn kinh phí chương trình 135, 30a, ngân sách Trung ương, chương trình Nông thôn mới, huyện tập trung mở đường tới tận từng thôn bản.
Trải qua hàng chục năm chiến tranh, rồi thiên tai hoành hành, nhiều làng Cơ Tu sống tản mát, chênh vênh, cheo leo bên những sườn núi, khe suối, làm cho cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Cùng với việc làm đường, huyện xác định, phải sắp xếp dân cư tập trung gắn với sản xuất nông, lâm nghiệp ổn định. Với phương châm: “An cư mới lạc nghiệp, nơi nào có ruộng, nơi đó có dân cư, không bỏ trống biên giới”. Hôm tôi lên Tây Giang đầu xuân năm 2020 này, đều nghe cán bộ và nhân dân Tây Giang tự hào: “Tây Giang đã làm nên những kỳ tích…”. Nếu như năm 2003, không có một mét đường giao thông, nay đã có gần 500 km đường giao thông đến tận từng khu dân của 63 thôn toàn huyện. Hiện chỉ còn một thôn Aunr của xã A Vương, do nằm giữa vùng lõi Khu bảo tồn Sao la, giáp ranh với Khu bảo tồn thiên nhiên Bạch Mã của Thừa Thiên Huế và Bà Nà của Đà Nẵng chưa mở được đường tới thôn do còn vướng một số vấn đề về thủ tục. 100% khu dân cư được xây dựng trên những mặt bằng ổn định, tránh được thiên tai bão lũ, đoạn tuyệt hẳn với đời sống du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy, có điện, nước sinh hoạt, có trường học, trạm y tế… Bản sắc văn hóa làng được khôi phục, bảo tồn và phát huy. Tây Giang đã có 2 xã A Nông và xã Lăng là những xã đầu tiên của 9 huyện miền núi Quảng Nam được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu hết năm 2020, sẽ có thêm 5 xã nữa đạt chuẩn nông thôn mới, 7 ngôi làng đạt tiêu chuẩn Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, nằm trong danh sách điểm của tỉnh Quảng Nam.
Vươn mình, khởi sắc
Ông BLing Mia cho biết, dịch vụ-du lịch là hai ngành kinh tế mới, đã có bước phát triển mạnh mẽ ở Tây Giang. Các hoạt động kinh doanh thương mại ngày càng phong phú, mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển rộng khắp tới từng thôn bản. Du lịch từng bước hình thành, đã có nhiều sản phẩm đặc trưng như, làng sinh thái di sản pơ mu, làng truyền thống Cơ Tu, khu nghỉ dưỡng đỉnh núi Quế, thác Rcung… du lịch cộng đồng ở một số thôn bản. Đến nay đã có hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến Tây Giang, khẳng định tiềm năng du lịch đang phát triển trong những năm tới.
Nếu như năm 2003, nhiều xã ở Tây Giang trắng trường, trắng lớp, đến nay toàn huyện đã có 24 trường học, 5 trường đạt chuẩn quốc gia với tổng số hơn 5.500 học sinh từ mầm non đến THPT. Y tế được quan tâm đặc biệt, 100% các thôn có cơ sở y tế hoạt động, bệnh viện huyện là vệ tinh Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Chất lượng khám chữa bệnh tiến bộ, đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị. Từ công tác tuyên truyền, nhận thức về phòng bệnh, vệ sinh, môi trường trong nhân dân ngày một nâng cao. Sự nghiệp văn hóa thông tin , thể thao ngày càng phát triển, các hoạt động đi vào nền nếp, đúng pháp luật, đa dạng, phong phú về chất lượng và nội dung. Nhờ việc phát triển đồng bộ trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, thông qua các chương trình phát triển kinh tế xã hội như 135, 30a… Nếu như năm 2003, tỷ lệ hộ nghèo ở Tây giang là gần 90%, đến nay đã giảm xuống còn dưới 40%, được cộng đồng ghi nhận và đánh giá cao, chất lượng đời sống nhân dân nâng cao rõ rệt. Trên 11 xã của huyện, đã quy hoạch thành các vùng kinh tế trọng điểm rõ nét như, 6 xã vùng thấp phát triển về cây công nghiệp như cao su, lúa nước, chăn nuôi, 4 xã vùng cao biên giới phát triển về cây lúa nước, cây dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, đẳng sâm, ba kích… cây ăn quả chất lượng cao như, cam, bưởi… trở thành các sản phẩm đặc trưng theo chương trình OCOP.
Tình hình ANCT, ANBG, TTATXH luôn được giữ vững, phong trào TDBVANTQ được phát triển mạnh mẽ. Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, đảng viên Tây Giang luôn giữ vững kỷ cương, kỷ luật, tận tụy với nhiệm vụ, công việc, với tiêu chí “cán bộ Tây Giang phải gần dân, hiểu dân và thương dân”, để làm phương châm, mục tiêu cho mỗi cán bộ thực hiện. Công tác đối ngoại nhân dân được tăng cường với H. Kà Lừm và Đắc Chưng nước bạn Lào, xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị.
Những năm qua, Tây Giang lấy truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước làm điểm tựa cốt yếu, lấy con người và tài nguyên rừng làm nguồn lực chủ đạo để xây dựng và phát triển, từng bước thoát khỏi cảnh nghèo, trở thành vùng đất giàu có, tươi đẹp như khát vọng của muôn đời ông cha mơ ước. Tây Giang đang vươn mình, khởi sắc.
Hồng Thanh