Khẩu chiến Mỹ - Triều, đi về đâu?
Những tuyên bố cảnh báo chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên đang đẩy không khí trên bán đảo Triều Tiên nóng lên từng giờ. Một kịch bản chiến tranh đã được nhiều người nói đến. Tình thế này buộc Trung Quốc phải lên tiếng, hối thúc Mỹ -Triều cần “thận trọng” với ngôn từ và hành động.
Người dân Hàn Quốc theo dõi chặt chẽ các hoạt động thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Đảo Guam nhỏ bé ở Thái Bình Dương trong những ngày qua bất ngờ trở thành tâm điểm trên sân khấu địa chính trị thế giới. Bởi lẽ, những tuyên bố của Bình Nhưỡng về việc đang xem xét một cuộc tấn công tên lửa nhằm vào đảo Guam của Mỹ, cùng với lời cảnh báo “sặc mùi chiến tranh” của Tổng thống Trump đang gây ra mối lo ngại về xung đột có thể xảy ra.
TÂM ĐIỂM ĐẢO GUAM
Theo Đài National Public Radio của Mỹ, bất chấp những đe dọa sẽ biến Guam thành “biển lửa” của Triều Tiên, cuộc sống trên đảo Guam những ngày qua vẫn diễn ra bình thường.
Theo giới quan sát, dường như người dân Guam đã quá quen với những lời đe dọa chiến tranh như thế này từ Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Tân Hoa Xã ngày 11-8 dẫn kết quả thăm dò dư luận của truyền thông địa phương cho biết, gần một nửa số người dân Guam “rất quan ngại” về việc Triều Tiên có thể tấn công tên lửa giữa lúc những tranh cãi nảy lửa giữa Washington và Bình Nhưỡng. Cuộc thăm dò dư luận trực tuyến diễn ra tối 10-8 do trang Pacific Daily News thực hiện qua tài khoản Twitter chính thức. Các độc giả được lựa chọn một trong 3 mức để đánh giá thái độ trước vấn đề trên, đó là rất quan ngại, quan ngại và không quan ngại.
Tất nhiên, thăm dò này không thể cho thấy hết thực tế tình hình trên đảo Guam nhưng cũng phần nào phản ứng đúng tâm trạng của người dân “nơi đầu sóng ngọn gió” này.
CHỈ LÀ PHƯƠNG ÁN CUỐI CÙNG?
Trên thực tế, nhiều người đang rất lo ngại về nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa Mỹ và Triều, nhất là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11-8 gia tăng những lời cảnh báo của ông đối với Triều Tiên, nhấn mạnh đe dọa trút “lửa thịnh nộ” lên Bình Nhưỡng có thể “chưa đủ cứng rắn”.
Phát biểu với báo giới bên cạnh Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, phản ứng trước việc Triều Tiên coi những cảnh báo mạnh mẽ của ông là “vô nghĩa”, ông Trump tuyên bố: “Có thể điều đó là chưa đủ cứng rắn”. Ông cũng cảnh báo Triều Tiên rằng, nước này cần phải “rất, rất lo sợ” nếu nghĩ đến việc tấn công Mỹ.
Tuy nhiên, một cuộc chiến tranh tàn phá Triều Tiên gần như là phương sách cuối cùng của Mỹ. Và các nhà phân tích nhận định, hiện nay không có dấu hiệu cho thấy, Washington không hề có kế hoạch tấn công trước. Xem ra, Mỹ chỉ tính đến kế hoạch hành động quân sự dự phòng trong trường hợp bị Triều Tiên tấn công trước. Bởi theo như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cảnh báo, cuộc chiến tranh với Triều Tiên sẽ “rất thảm khốc” và nhấn mạnh, các nỗ lực ngoại giao sẽ mang lại kết quả. Phát biểu tại một sự kiện ở California, ông chủ Lầu Năm Góc nêu rõ: “Nỗ lực của Mỹ được dẫn dắt theo phương diện ngoại giao, sẽ đạt được những kết quả ngoại giao và hiện tôi muốn duy trì theo phương hướng đó”.
Hai cựu quan chức Mỹ cũng nói với CNN rằng, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy hoạt động phóng tên lửa sắp xảy ra từ Bình Nhưỡng.
HẬU QUẢ THẢM KHỐC
Mỹ chắc chắn sẽ sử dụng quân đội để đối phó với bất kỳ cuộc tấn công nào của Triều Tiên chống lại các mục tiêu của Washington hay đồng minh.
Đối đầu với các tên lửa phòng thủ đất đối không tương đối khủng khiếp của Triều Tiên, các máy bay ném bom F-22, F-35 và B-2 của Mỹ có thể sẽ dẫn đầu chiến dịch trên không chung với sự trợ giúp của F-15 và F-16 của Hàn Quốc. Máy bay không người lái cũng có thể được sử dụng để hạn chế rủi ro cho phi công. Lầu Năm Góc cũng có khả năng sẽ đưa thêm máy bay đến khu vực này trong trường hợp sắp xảy ra một cuộc tấn công. Không quân từ đảo Guam cũng sẽ tham chiến. Trong trường hợp Mỹ bị Triều Tiên tấn công, Australia cũng đã tuyên bố sẽ vào cuộc để trợ giúp Washington vì cam kết đồng minh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc xảy ra một cuộc tấn công phòng thủ toàn diện sẽ là cuộc chiến phức tạp và đầy rủi ro. Theo các nhà phân tích, nếu Tổng thống Trump có kế hoạch cho một cuộc tấn công quân sự, việc chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch này sẽ kéo dài hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng. Thách thức đầu tiên là phải đảm bảo Nhật Bản và Hàn Quốc được tích hợp hoàn toàn vào bất cứ kế hoạch hành động quân sự nào. Mỹ ít nhất cũng cần thông báo cho Trung Quốc về bất kỳ vụ tấn công tiềm tàng nào - đặt họ vào vị trí mà họ biết sẽ hành động như thế nào.
Ông Mark Hertling, cựu Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ cho rằng, hàng chục ngàn người Mỹ, đa số là gia đình các quân nhân, trước tiên sẽ cần phải sơ tán khỏi Hàn Quốc. Mỹ cũng có thể sử dụng các cuộc tấn công không gian mạng để phá vỡ các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng - mặc dù các chuyên gia cho rằng, việc này sẽ chỉ có khả năng trì hoãn chứ không ngăn cản họ. Mỹ cần phải đảm bảo có đủ bom, tên lửa và máy bay chiến đấu điện tử để phá hủy hoặc vô hiệu hóa hệ thống phòng không của Triều Tiên trước khi triển khai các máy bay ném bom hạng nặng, có khả năng là B-1 đóng tại Guam.
Rõ ràng, nếu chiến tranh Mỹ-Triều xảy ra, đó sẽ là tình huống “không ai chiến thắng”. Bởi sau đó, cho dù bên nào giành chiến thắng, hậu quả đều rất thảm khốc cho cả hai bên. Và nhiều người đang hy vọng, tất cả chỉ dừng lại ở những lời cảnh báo qua lại và rồi các bên sẽ tìm được giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng lần này.
KHẢ ANH