Khi Hồng Kông “quay lưng”

Thứ năm, 02/10/2014 07:49

(Cadn.com.vn) - Trung tâm Hồng Kông hiện đang bước vào ngày căng thẳng thứ 4 liên tiếp khi người biểu tình vẫn thách chức chính quyền ngay trong lễ kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc (1-10).

Ngay khi bình minh 1-10 - ngày Quốc khánh Trung Quốc - ló dạng, dòng người biểu tình đông đúc, ước tính hơn 100.000 người, kéo xuống các đường phố trung tâm Hồng Kông. Cảnh hỗn loạn phá tan không khí trang nghiêm của lễ kỷ niệm Quốc khánh tại Hồng Kông.

Biểu tình bùng nổ ngày Quốc khánh

Những người biểu tình, vốn tức giận khi Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh từ chối gặp mặt, mở rộng các cuộc biểu tình trong ngày 1-10.

Người biểu tình dựng trại quanh khu vực “bất khả xâm phạm” - Quảng trường Golden Bauhinia khi ông Lương đến đây tham dự lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông hát vang bài quốc ca khi cờ Trung Quốc và Hồng Kông kéo lên cao nhưng người biểu tình quay lưng lại.

Trong bài phát biểu mừng Quốc khánh, ông Lương bảo vệ quyết định cải cách bầu cử của Trung Quốc: “Có quyền bỏ phiếu phổ thông vẫn tốt hơn nếu không có”. Sau lễ thượng cờ, ông Lương và giới chức Hồng Kông uống rượu sâm banh trong tiếng la ó phản đối của người biểu tình.

Đám đông biểu tình, một số dùng mặt nạ phòng độc kêu gào: “Chúng tôi muốn quyền bầu cử phổ thông”. “Đó là ngày Quốc khánh của Trung Quốc, chứ không phải của Hồng Kông”, người biểu tình Ivan Châu, 26 tuổi, nói với Time. Khi trường học và văn phòng đóng cửa vào ngày nghỉ lễ, người biểu tình xuống đường ngày càng đông. Nhiều tuyến đường bị phong tỏa khi người biểu tình chặn con đường vào trung tâm thương mại và các khu mua sắm ở Causeway Bay và Mong Kok.

Người biểu tình chiếm trung tâm Hồng Kông hôm 1-10. Ảnh: Reuters

Điều gì tiếp theo?

Điều gì xảy ra tiếp theo tại Hồng Kông có thể phụ thuộc vào câu trả lời cho 2 câu hỏi quan trọng: Liệu Bắc Mỹ, các ngân hàng Châu Âu và các tổ chức tài chính khác có gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường Trung Quốc? Và liệu giới chức Bắc Kinh có nghĩ rằng, đàn áp biểu tình là giải pháp khả thi?

Kể từ khi Hồng Kông về với Trung Quốc năm 1997 và tồn tại theo cơ chế “một quốc gia, hai chế độ”. Nhiều thập kỷ trước, khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tuyên bố, “làm giàu là vinh quang” và tạo ra các khu kinh tế đặc biệt ở những nơi như Thâm Quyến, Hồng Kông đã là trung tâm tài chính của khu vực.

Khi Bắc Kinh mở cửa trong những năm 1980 và bắt đầu bùng nổ vào những năm 1990, Hồng Kông là cửa ngõ quan trọng hướng đến Trung Quốc. Một hệ thống pháp luật ổn định, chặt chẽ và rõ ràng giúp Hồng Kông có được thành công này.

Các ngân hàng, hy vọng sẽ nắm bắt nhiều thị phần hơn trong các doanh nghiệp đang phát triển của Trung Quốc, nỗ lực xây dựng đội ngũ nhân viên tại Hồng Kông. Vai trò này giúp Hồng Kông sống sót qua hàng loạt cuộc khủng hoảng sau đó, từ biểu tình đến dịch SARS hoành hành.

Trong khi hầu hết các ngân hàng toàn cầu đều hiện diện ở Trung Quốc, nhưng khi nói đến thị trường vốn, Hồng Kông vẫn là nơi cư trú vững chắc. Rõ ràng, Hồng Kông vẫn còn rất quan trọng đối với Trung Quốc, vì nhiều lý do.

Nhưng nay, người biểu tình dân chủ đang đe dọa lấy đi tất cả của Trung Quốc, ít nhất là trong con mắt của một số nhà quan sát và nhà đầu tư. Biểu tình khiến Hồng Kông mất điểm tín dụng Fitch. Một bài báo của Bloomberg News, đề cập đến sụt giảm trong thị trường chứng khoán và “một sự suy giảm trong ngắn hạn triển vọng kinh tế”.

Nhưng không vì thế mà Bắc Kinh sẽ đàn áp biểu tình bởi họ vẫn rất cần Hồng Kông.

Khả Anh