Trung Quốc với bài toán Hồng Kông

Thứ tư, 01/10/2014 09:04

(Cadn.com.vn) - Làn sóng biểu tình đòi dân chủ toàn diện ở Hồng Kông đang đẩy giới lãnh đạo Trung Quốc vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Bài toán gai góc đang chễm trệ trên bàn chính trị Trung Quốc khi người biểu tình ở Hồng Kông tuyên bố sẽ mở cuộc chiến lâu dài sau một ngày tạm lắng.

Ngày 30-9, hàng chục ngàn người biểu tình tiếp tục mở rộng phong tỏa đường phố trung tâm Hồng Kông, dự trữ vật tư, thiết lập rào chắn tạm thời. Nhưng đường phố Hồng Kông hiện vẫn tương đối yên tĩnh, thậm chí ở những nơi trung tâm. Người dân chỉ ngồi yên, không quá khích, như đang chờ “cơ hội leo thang” vào hôm nay (1-10) khi Trung Quốc kỷ niệm ngày quốc khánh.

Chiến dịch “Chiếm Trung tâm” đang thực sự làm tê liệt Hồng Kông - trung tâm tài chính sầm uất của thế giới. Một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp, bao gồm cả các nhà bán lẻ cao cấp tại khu mua sắm Causeway Bay Mecca. Thị trường tài chính Hồng Kông liên tục nhảy múa. Cổ phiếu Hồng Kông giảm 1,5% hôm 30-9. Cho đến nay, 37 chi nhánh hoặc văn phòng của 21 ngân hàng khác nhau tạm thời đóng cửa vì biểu tình.

Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là thách thức chính trị đặt lên vai giới chức Bắc Kinh. Tình trạng bất ổn ở Hồng Kông đẩy Chủ tịch Tập Cận Bình - nhà lãnh đạo nổi tiếng quyền lực và mạnh mẽ - vào thế tiến thoái lưỡng nan. Bắc Kinh tất nhiên không thể mạnh mẽ trấn áp biểu tình, không muốn đổ máu. Nhưng nếu để yên thì hậu quả sẽ như thế nào? Các nhà chức trách Trung Quốc lo ngại biểu tình sẽ lan sang đại lục theo hiệu ứng domino.

Người biểu tình cắm trại tại trung tâm Hồng Kông hôm 30-9. Ảnh: Reuters

“Có thể, ông Tập sẽ triển khai nhiều lực lượng khi cần thiết để đảm bảo ổn định”, nhà phân tích họ Zhang Lifan cho biết. Tại Hồng Kồng, Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh bác tin Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ can thiệp để dẹp yên biểu tình.

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 30-9, ông Lương khẳng định, cảnh sát Hồng Kông tự tin có thể xử lý các vấn đề và không cần nhờ đến PLA. Ông Lương trấn an người dân không nên nghe theo  các tin đồn, bày tỏ mong muốn người dân ủng hộ và phối hợp toàn diện với cảnh sát.

“Cho đến nay, tình hình ở Hồng Kông không vượt mức cần PLA can thiệp”, ông Steve Tsang, thành viên cao cấp tại Viện Chính sách Trung Quốc ở Nottingham, nhận định. Theo ông, quyết định rút cảnh sát chống bạo động của chính quyền Hồng Kông là đúng đắn, để không dẫn biểu tình đến quỹ đạo nguy hiểm hơn.

Giới quan sát cho rằng, Bắc Kinh sẽ cân nhắc việc sử dụng vũ lực, nếu cần thiết, để phá vỡ đám đông song đó chỉ là phương án cuối cùng. Willy Lam, nhà phân tích tại Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông cho rằng: “Có thể cảnh sát Hồng Kông được trao thêm quyền lực để sử dụng vòi rồng, hơi cay, hoặc đạn cao su... để giải tán đám đông”. Phản ứng chính thức của chính phủ Trung Quốc cho đến nay là tuyên bố lên án biểu tình bất hợp pháp và ủng hộ cách giải quyết vấn đề của chính quyền Hồng Kông.

Nhưng nhiều người cho rằng, các cuộc biểu tình phản ánh sự vỡ mộng của người dân Hồng Kông kể từ khi về với Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ - những người cảm thấy Bắc Kinh không giữ lời hứa “một quốc gia, hai chế độ” - được sắp xếp sau cuộc đàm phán giữa Anh và Trung Quốc năm 1997. Bắc Kinh hồi tháng trước bác yêu cầu để người dân Hồng Kông tự do lựa chọn lãnh đạo kế tiếp trong cuộc bầu cử năm 2017, động thái làm dấy lên biểu tình.

Nhưng Quốc hội Trung Quốc chắc chắn sẽ không vì sức ép biểu tình mà thay đổi quyết định.

Khả Anh