Khi lòng dân đồng thuận

Thứ năm, 08/07/2021 17:00

Tự nguyện hiến đất, chặt bỏ cây cối để xây dựng kè chống sạt lở là việc làm ý nghĩa mà người dân thôn La Châu (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) ở vùng hạ lưu sông Yên đang nỗ lực thực hiện.

Công trình kè chống sạt lở ven sông Yên (đoạn qua thôn La Châu) đang đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trước mùa mưa bão.

“Hàng năm lũ về đã làm sạt lở nhiều đoạn ven bờ sông Yên. Nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân, trong đó đoạn qua thôn La Châu có nhiều điểm sạt lở rất nghiêm trọng. Nếu xảy ra lũ ống, lũ quét thì phải có công trình kiên cố mới chống đỡ được. Nếu không có công trình kiên cố chống sạt lở thì khó bảo vệ được diện tích đất sản xuất cũng như nhà ở, tài sản của nhân dân”, cụ Đinh Ngọc Lại (90 tuổi) chia sẻ.

Những ngày này, nhìn đoạn bờ kè kiên cố đang dần hình thành ven bờ sông Yên, người dân La Châu ai ai cũng phấn khởi, kỳ vọng: “Mùa mưa lũ năm nay họ sẽ có những ngày ăn ngon, ngủ yên, không còn lo toan khi nước sông lũ đổ về”. Để có đủ mặt bằng thi công dự án kè chống sạt lở và mở đường công vụ trên bờ kè rộng 3,5m, 53 hộ dân liên quan đã tự nguyện hiến 21.064m2 đất sản xuất và đốn hạ 13.286 cây tre lớn nhỏ. Các hộ dân hiến đất vườn để làm công trình mà không hề so đo, tính toán thiệt hơn; trong đó, hộ ông Đặng Văn Lực hiến nhiều nhất với 800m2 đất… Theo bà Phạm Thị Hìu (75 tuổi), La Châu là vùng thấp lụt, mỗi khi nước sông Yên dâng cao tràn bờ thì ruộng đồng, đường sá nơi đây đều ngập chìm trong biển nước. Khi thấy cán bộ đến vận động nhân dân hiến đất xây dựng kè, bà đã không ngần ngại hiến 500m2 đất vườn ven sông, nơi trồng hơn 600 cây tre, mỗi năm mang lại nguồn thu cho gia đình bà thêm 3,5 - 4 triệu đồng. “Có kè rồi, không phải lo lũ lụt tàn phá. Trước đây, cứ 2-3 năm gia đình tôi phải tốn tiền để gia cố lại hàng đê bao giữ đất. Mỗi mùa lũ lụt thì phập phồng trắng đêm, canh chừng mực nước. Giờ có kè rồi sẽ an toàn hơn, ngủ ngon hơn, không còn lo sơ tán nữa”, bà Hìu phấn khởi trải lòng.

Trước đó, cũng có ý kiến cho rằng, bao đời nay khu vực này sống chung với tình trạng sạt lở nhưng vẫn an toàn. Vì thế, việc xây kè là không cần thiết, còn làm mất cây cối và đất sản xuất của người dân. Tuy nhiên, theo đại đa số người dân La Châu, sự cấp thiết cần phải có kè chống sạt lở bờ sông để không chỉ bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân mà còn tạo cảnh quan môi trường thông thoáng, phục vụ dân sinh, gìn giữ bền vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. “Ban đầu khi họp dân triển khai chủ trương xây bờ kè cũng có nhiều ý kiến băn khoăn. Việc hiến đất thì dân nhanh chóng ủng hộ, song số lượng tre trồng lâu năm phải phá bỏ để làm kè là rất nhiều. Nắm bắt tâm tư này, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc, đề xuất hỗ trợ bà con một phần kinh phí để tự chặt phá tre; đồng thời làm tốt Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, giải quyết ngay những vấn đề vướng mắc nhân dân nêu một cách có lý, có tình. Khi lòng dân đồng thuận thì việc giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công không còn là việc khó”, Trưởng thôn La Châu Trà Văn Đức cho biết.

Được biết, dự án kè chống sạt lở ven sông Yên (đoạn qua thôn La Châu) do  BQL Dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư có chiều dài 980m với tổng kinh phí 13,6 tỷ đồng, trong đó tiền hỗ trợ đất vườn, cây cối hơn 1,3 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong vòng 3 tháng… Để công trình thi công được nhanh chóng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các hội đoàn thể đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng, giải thích cho người dân hiểu rõ họ được hưởng quyền lợi thiết thực khi xây dựng các công trình. “Đến nay, tuy chưa nhận được tiền hỗ trợ nhưng người dân ở tuyến bờ kè đi qua đã giải phóng xong mặt bằng, tích cực bàn giao và tạo thuận lợi cho đơn vị thi công”, ông Đức nhấn mạnh.

Có thể nói, công trình xây dựng kè, chống xói lở ven bờ sông Yên đang được TP triển khai quyết liệt và đã thu được nhiều thành công trong công tác vận động giải tỏa, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Thời gian đến, dự án kiên cố hóa bờ kè sông Yên sẽ tiếp tục trên một số đoạn, tuyến ở xã Hòa Tiến (H. Hòa Vang) nên vẫn cần người dân hiến đất để tiến hành thi công xây dựng công trình.

VY HẬU