Khi người Cơ Tu làm du lịch
Bao đời nay, người Cơ Tu ở Hòa Bắc, Hòa Vang, TP Đà Nẵng chỉ biết làm ruộng, rẫy, chăn nuôi, trồng rừng… Còn dịp xuân mới Kỷ Hợi vừa qua, du khách trong và ngoài nước tìm đến ngôi làng nhỏ của cộng đồng bà con Cơ Tu nơi thượng nguồn sông Cu Đê… là chuyện lạ hoàn toàn bởi, họ đã biết làm du lịch để vươn lên thoát nghèo. Người đi tiên phong trong việc làm du lịch của người Cơ Tu ở Hòa Bắc là anh Đinh Văn Như-Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Giàn Bí. Gặp chúng tôi ngày đầu xuân, anh Như kể: thực ra mô hình du lịch sinh thái cộng đồng đã được UBND H. Hòa Vang, xã Hòa Bắc xây dựng từ cuối năm 2017 và được triển khai tại 2 thôn đồng bào Cơ Tu tại Tà Lang và Giàn Bí. Mô hình du lịch sinh thái này cũng nhằm mục đích phục hồi những nét văn hóa Cơ Tu đặc sắc ở Hòa Bắc đang dần mai một, như nghề dệt thổ cẩm, đan lát…phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt với các sản phẩm thực phẩm sạch, rau sạch vừa để bà con Cơ Tu phát triển kinh tế vườn rừng sẵn có tại địa phương, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên rừng, vừa phục vụ cho mô hình du lịch sinh thái. Mục đích của mô hình như thế thật phù hợp với điều kiện, tập quán sinh hoạt, canh tác sản xuất của bà con Cơ Tu. Tuy nhiên, khi bắt tay vào công việc tưởng dễ nhưng rất khó vì lâu nay nay bà con Cơ Tu ở Hòa Bắc đã mai một nhiều bản sắc văn hóa của đồng bào mình. Được sự hỗ trợ của chính quyền và các ban ngành huyện, xã, của tổ chức GAF (Quỹ môi trường toàn cầu), anh Như cùng các cán bộ trong thôn đến từng hộ dân vận động, tuyên truyền…Đầu tiên là vận động người dân triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng rau sạch. Nhiều diện tích ruộng, rẫy trước đây bỏ hoang, hoặc sản xuất không hiệu quả đã được quy hoạch lại để tập trung chăn nuôi heo, gà, trồng các loại rau phù hợp với thổ nhưỡng và lối canh tác của đồng bào Cơ Tu. Đến giữa năm 2018, đã có nhiều hộ tham gia hưởng ứng, phát triển mô hình trang trại, chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả cao như hộ ông Đinh Văn Hưng ở thôn Tà Lang phát triển nuôi giống heo đen. Nhiều hộ đã có vườn rau sạch, đủ cung cấp, sinh hoạt hàng ngày… 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí đã hình thành hẳn một Tổ Hợp tác du lịch cộng đồng do chính anh Như là Tổ trưởng. Tổ Hợp tác có 5 nhóm gồm tổ ẩm thực 10 thành viên, tổ cồng chiêng 30 thành viên, tổ dệt thổ cẩm 20 phụ nữ, tổ đưa khách đi tham quan, thuyết minh viên 3 thành viên. Ngoài ra ra còn có nhóm hát lý giúp khách du lịch giao lưu với người dân, già làng, tìm hiểu các phong tục tập quán đồng bào Cơ Tu… Cùng với việc thành lập Tổ Hợp tác du lịch, UBND huyện còn hỗ trợ cho Tổ hợp tác đi giao lưu, mời các già làng, nghệ nhân Cơ Tu từ các địa phương Đông Giang, Tây Giang ở Quảng Nam về tổ chức cho bà con Cơ Tu ở Hòa Bắc ôn lại các nghề như dệt thổ cẩm, đan lát, múa cồng chiêng, tung tung da dá, chế biến các món ăn Cơ Tu… Cuối năm 2018, Tổ Hợp tác du lịch sinh thái Cơ Tu ở Hòa Bắc đi vào hoạt động, chỉ trong thời gian ngắn đã đón hơn 500 lượt du khách trong và ngoài nước đến Tà Lang, Giàn Bí. Anh Như cho biết, hiện nay nơi lưu trú của du khách đang triển khai xây dựng nên chỉ đón được khách tham quan du lịch trong ngày nhưng Tổ đã sắp xếp tạm thời cho khách nghỉ ngơi ngay tại gia đình anh Như, xếp lịch đi tham quan sông suối, rừng, xem biểu diễn cồng chiêng, tìm hiểu dệt thổ cẩm, đan lát, thưởng thức các món ăn Cơ Tu… Theo anh Như, năm 2019 này còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Hòa Bắc đã tạo được việc làm cho nhiều người dân Cơ Tu tại đây, giúp bà con nâng cao ý thức bảo vệ giữ gìn môi trường sinh thái, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống… bước đầu đã có những thành công. Mô hình này đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của chính quyền thành phố và các ban ngành.
HỒNG THANH