Khi sinh viên... nhậu!
(Cadn.com.vn) - Khi người thường bia rượu sa đà, đã nảy sinh nhiều hệ quả về sức khỏe, tham gia giao thông, hạnh phúc gia đình. Song khi sinh viên mê nhậu, tác động của những cuộc trà dư tửu hậu không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy vô tiền khoáng hậu khác. Bài viết dưới đây lả một góc nhìn từ chính giới sinh viên, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của những cuộc nhậu như vậy.
Các quán nhậu tại dọc đường Nguyễn Tất Thành là nơi các sinh viên thường xuyên lui tới nhậu. |
Muôn kiểu nhậu sinh viên
Cứ từ 18 giờ, trước cổng chợ Hòa Khánh (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) hay dọc theo đường biển Nguyễn Tất Thành lại rôm rả tiếng cười nói, tiếng hò zô, tiếng cụng ly vang lên chát chúa. Trong số khách nhậu có không ít gương mặt nam sinh viên, bởi đây là các điểm nhậu quen thuộc của sinh viên Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng. Nhiều bàn, còn có cả bóng dáng nữ sinh viên, cũng hò hét tham gia nhiệt tình. Khoảng 5-6 sinh viên ngồi quanh một chiếc bàn cùng ít mồi, vài chai rượu hoặc két bia... là cuộc vui có thể bắt đầu trong âm thanh "hết luôn nha", "trăm phần trăm", "uống cho thầy sợ luôn"... theo đúng kiểu sinh viên.
Ngoài quán xá, nhiều sinh viên còn tụ tập ngay tại phòng trọ tổ chức nhậu, nhất là mỗi khi có thành viên nào đó trong phòng, trong lớp vừa về quê, được "tiếp ngân sách" hay mang vài ba chú gà, dăm lít rượu đặc sản quê hương. Ngồi quanh chiếu nhậu, mặt phừng phừng, tai đỏ tía hò hét cụng ly... khiến xóm giềng tặc lưỡi, lắc đầu. Đối với các bợm nhậu sinh viên thì vào giờ nào cũng có thể nhậu được nhưng thời gian nhậu chủ yếu là buổi tối.
Quốc Hưng một sinh viên Trường ĐH Sư phạm nói: "Ở xóm mình cứ tuần ba bữa bọn mình lại tổ chức nhậu. Mà có khi cả tuần ngày nào cũng nhậu. Lý do hử? Thiếu chi". Hưng liệt kê: gặp chuyện buồn, mới nhận được viện trợ của gia đình, mới mua điện thoại, máy tính hay ra mắt người yêu... Hoàng Long, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế- Kế hoạch nói: "Đi nhậu để xả stress sau những giờ học tập trên giảng đường. Học tập bây giờ mệt lắm , phải nhậu để mai còn có tinh thần học tiếp".
Một số sinh viên vì cả nể từ chối không được các anh chị khóa trên buộc phải ngồi vào chiếu nhậu. Những cuộc chén tạc chén thù của sinh viên nếu ở ngoài quán thì thường phải qua 24 giờ mới kết thúc còn ở phòng trọ thì phải kéo dài đến 2-3 giờ sáng. Không chỉ nhậu một chầu, chuyện nhậu xong đi tăng hai tăng ba là chuyện bình thường. Tại Đà Nẵng, sinh viên muốn có một chầu nhậu chay với mồi là hoa quả như ổi, cóc, xoài cần một người 20 nghìn đồng còn nếu muốn sang hơn chút nữa với mồi nhậu là cút nướng, chân gà nướng hay thịt cầy thì mỗi người chỉ cần 50 - 70 ngàn "hợp tác xã" là đã có một bữa nhậu no say.
Sau những cuộc nhậu
Rượu vào lời ra, không ít cuộc hỗn chiến giữa các bàn nhậu trong quán, hay kể cả bạn nhậu với nhau chỉ vì một lời trách móc, cái nhìn đểu nhau... mà hậu quả ít cũng sứt đầu mẻ trán, còn nặng thì có người phải bỏ mạng. Không chỉ vậy, sau những cuộc nhậu một số sinh viên chất ba, bốn lên xe máy không đội mũ bảo hiểm đi lạng lách đánh võng nguy hiểm cho chính bản thân và những người đi đường. Một nữ sinh viên Trường ĐH Bách khoa kể: "Có hôm vừa đi học ngoại ngữ về gặp một đám nam sinh viên đi nhậu về say xỉn đi xe máy đánh võng qua người, có những hành động không đứng đắn và buông những lời lẽ thiếu văn hóa, mình bức xúc lắm nhưng không làm gì được".
Đó là chưa kể những cuộc nhậu tại phòng trọ kéo dài đến 2-3 giờ sáng ảnh hưởng tới sức khỏe, học tập sa sút. Lâm, sinh viên Trường Cao dẳng Giao thông- Vận tải 2 cho biết, với phương châm đã nhậu là phải say cho nên "sau mỗi bữa nhậu là sáng hôm sau mình không dậy nổi để đi học nữa". Không chỉ bản thân những bợm nhậu sinh viên bị ảnh hưởng mà còn ảnh hưởng đến những người cùng trọ học và hàng xóm xung quanh. Hương, sinh viên ĐH Sư phạm ca thán "Mấy anh trong xóm nhậu nhẹt ồn ào hú hét ầm ĩ thậm chí say rồi là ói, mửa lung tung khiến em không thể nào tập trung học được".
Hầu hết các sinh viên hàng tháng đều phải nhận trợ cấp từ gia đình chưa có tự chủ về tài chính bởi vậy tình trạng nhậu nhẹt liên tục khiến nhiều sinh viên lâm vào tình trạng "cháy túi", nợ nần từ đó dễ sa vào tệ nạn trộm cắp hoặc nợ quán cả khóa học. Hoặc tình trạng nữ sinh viên tham gia "cho vui", sau đâm nghiện, chuyển sang "nhậu thuê", "hầu chuyện" thực khách ở các quán.
Tóm lại, khi sinh viên nhậu, những hệ lụy kéo theo không chỉ ảnh hưởng riêng bản thân họ, mà tác động không nhỏ đến túi tiền, niềm hy vọng của bố mẹ; sự gửi gắm của thầy cô, bạn bè; không khí yên tĩnh của những xóm trọ; không gian học tập của đồng liêu và vô số chuyện trật tự xã hội khác. Đã đành sau mỗi giờ học tập căng thẳng, sinh viên cũng cần phải có thú vui để giải trí, xả stress, tuy nhiên giải trí cũng phải lành mạnh, không nên quá sa đà vào các cuộc nhậu thâu đêm bằng những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, lo toan và niềm hy vọng của gia đình nơi quê nhà...
Nguyệt Lê