Khô hạn ở Quảng Nam: Ruộng đồng nứt nẻ

Thứ ba, 17/06/2014 10:29

(Cadn.com.vn) - Nắng hạn kéo dài, ruộng khô nứt nẻ, nhiều diện tích lúa hè thu ở Quảng Nam phải chuyển đổi sang trồng màu hoặc bỏ hoang. Ngay cả những diện tích sản xuất lúa gần công trình đại thủy nông Phú Ninh cũng chưa có nước để gieo sạ.

Trễ hạn gieo sạ theo lịch thời vụ hơn tuần qua, nhưng cánh đồng rộng 5 ha tại Đồng Chùa, khối phố Đông Yên (P. Hòa Thuận, TP Tam Kỳ) chỉ mới có nước nhỏ giọt, nhiều người dân không an tâm gieo sạ lúa. Ông Nguyễn Phước, trú ở khối phố Đông Yên chống cuốc than thở: "Nắng nóng liên tục, nước thủy lợi bữa có bữa không thì bà con đâu yên tâm xuống giống. Có sạ rồi mà không có nước cũng nứt đất, lúa chết non, bà con chắc bỏ giống hoặc bỏ ruộng". Không riêng gì Đồng Chùa, 15 ha đất sản xuất dùng nguồn nước Phú Ninh ở P. Hòa Thuận dù rất gần nguồn nhưng vẫn chưa thể sạ cấy. Địa phương đã chủ động dựng 4 trạm bơm dã chiến cho các cánh đồng ở Đông An, Đông Tuần, Trà Cai, nhưng cũng khó giải quyết hết diện tích.

Khô hạn kéo dài trên diện rộng làm cho người dân ở các địa phương Quảng Nam nhấp nhỏm không yên. Ngoài những diện tích còn bỏ hoang vì thiếu nước, nhiều cánh đồng đã gieo sạ cũng đã bị nứt nẻ, cây lúa khô héo, có nguy cơ mất mùa. Vụ hè thu này, H. Nông Sơn có gần 1.200ha diện tích lúa, nhưng chỉ đưa vào gieo sạ 975ha, diện tích còn lại phần lớn là bỏ hoang và một phần chuyển sang trồng cây màu. Đáng lo là 150 ha diện tích lúa chủ động nước cũng có nguy cơ bị hạn, nhất là ở các xã Phước Ninh, Quế Lộc, Quế Ninh và Quế Trung.



Hàng trăm héc-ta lúa hè thu ở Quảng Nam đang bị bỏ hoang do thiếu nước.

Thông tin từ Phòng NN&PTNT H. Quế Sơn cũng cho biết, hàng loạt hồ chứa và đập dâng cạn kiệt nước nên hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 300 ha lúa hè thu đang trong giai đoạn mạ non bị khô hạn nghiêm trọng. Số diện tích lúa này tập trung nhiều nhất tại các xã Phú Thọ, Quế Hiệp, Quế Long, Quế Phong. Tại xã Quế Châu vẫn còn 160 sào đất canh tác lúa chính vụ chưa thể tiến hành đổ ải, gieo sạ. Trên địa bàn H. Núi Thành còn hơn 1.000/3.600 ha lúa hè thu đang tận dụng mọi nguồn nước để sản xuất, nhưng hiện tại các hồ chứa Hố Mây, Đồng Nhơn, Hố Trầu và các đập dâng miền núi ở Tam Sơn, Tam Trà, Tam Thạnh thiếu nước nên có khả năng có từ 200-300 ha không sản xuất được. Ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT H. Núi Thành cho biết: "Vụ này toàn huyện sạ cấy 3.600ha lúa. Chúng tôi đang đề nghị các công ty khai thác công trình thủy lợi và ban quản lý hồ đập kết hợp với các địa phương điều tiết nguồn nước hợp lý phục vụ kịp thời cho sản xuất vụ hè thu".

Báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Nam cho thấy, nắng hạn kéo dài nhiều tháng qua khiến mực nước của hầu hết 73 hồ chứa trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Trong đó, có 17 hồ chứa thủy lợi mực nước thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 1 đến 2,5 mét, lượng nước thiếu hụt ước khoảng 78 triệu khối. Đáng chú ý, đại công trình thủy nông Phú Ninh lượng nước chỉ ở cao trình 27,4 mét, thấp nhất trong hơn 30 năm qua. Các địa phương vùng tây H. Thăng Bình, TP Tam Kỳ và khu vực cuối kênh Phú Ninh thiếu nước nghiêm trọng. Trong khi đó, dòng chảy của các sông trên địa bàn cũng bị cạn kiệt khiến cho việc lắp đặt các trạm bơm dã chiến không phát huy tác dụng. Hơn 300 trạm bơm được lắp đặt ở nhiều địa phương nhưng chỉ đủ tưới cho số ít diện tích.

Trước thực tế phải đối mặt nguy cơ thiếu nước sản xuất nghiêm trọng, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai các biện pháp cấp bách chống hạn cho cây trồng. Ông Bùi Bảo Nguyên, Chủ tịch UBND xã Tam Lộc, H. Phú Ninh tính toán: "Toàn xã gieo sạ 242/302 ha lúa và hoa màu vụ hè thu. Do thiếu nước sản xuất nên vẫn còn gần 60 ha diện tích đất chưa thể sạ lúa, địa phương tích cực vận động người dân chuyển sang trồng một số loại cây trồng cạn có sức chịu hạn tốt như bắp lai, đậu phụng, sắn... Bên cạnh việc tăng cường điều tiết nước cho nhân dân gieo sạ, địa phương cần có thêm nguồn kinh phí đầu tư kênh, hồ đập, nạo vét kênh mương để chủ động nước tưới trong những năm tới".

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Danh, Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam, H. Thăng Bình phân tích: "Nếu không sạ được thì tìm giải pháp cho cây trồng khác cũng rất khó, vì làm bất cứ cây trồng gì cũng cần phải có nước, còn không có nước thì không thể chuyển đổi một cây trồng nào, kể cả cây mè là cây chịu hạn nhất nhưng nguồn nước không về thì cũng không gieo được". Còn ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó trưởng Phòng NN&PTNT H. Thăng Bình thừa nhận tình thế khó khăn do khô hạn: "Chúng tôi cũng đã khoanh vùng những vùng có thể chuyển đổi được chúng tôi mới chuyển đổi còn không chuyển đổi được thì bắt buộc phải bỏ hoang".

Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh Quảng Nam gieo sạ 44.000 ha lúa. Ngành chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp tích cực để cứu lúa, đồng thời cũng đang tính đến việc chuyển đổi diện tích lúa không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây trồng cạn. Tuy nhiên, nguy cơ hơn 4.000 ha đất sản xuất bị bỏ hoang là điều khó tránh khỏi. Và, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thì không những hơn 4.000 ha lúa hè thu ở Quảng Nam bỏ hoang mà còn hàng trăm héc-ta hoa màu cũng sẽ thất thu.

Bài, ảnh: Th. Hà


Theo Sở NN&PTNT Phú Yên, dự báo toàn tỉnh sẽ có khoảng 10.000ha đất sản xuất lúa hè thu trên địa bàn thiếu nước tưới. Sở này đang khuyến cáo bà con nông dân nên chuyển đổi khoảng 1.000 ha đất lúa ở vùng cao, xa hệ thống tưới sang trồng một số loại cây trồng khác để đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Nguyễn Nam