Kho khí tài khủng rơi vào tay Taliban, Mỹ lo lắng mất mặt tính kế tiêu hủy

Thứ sáu, 20/08/2021 18:28

Taliban được cho là đang kiểm soát hơn 2.000 xe bọc thép, 40 máy bay trong đó có cả UH-60 Black Hawks - trực thăng tấn công trinh sát và máy bay không người lái quân sự ScanEagle của Mỹ, khiến Washington đang phải lên phương án không kích phá hủy chúng.

Các xe quân sự Mỹ bàn giao cho Quân đội Afghanistan tháng 2-2021.  Ảnh: Reuters

Taliban tịch thu từ quân đội Afghanisan

Nhiều hình ảnh trên mạng xã hội gần đây cho thấy các tay súng Taliban diễu hành trên xe thiết giáp do Mỹ chế tạo, sử dụng vũ khí trang bị và quân phục do Mỹ sản xuất, trèo lên trực thăng Black Hawk được Mỹ chuyển giao cho quân đội Afghanistan. Đây được coi là những hình ảnh làm Nhà Trắng mất mặt, cũng như gây nhiều chỉ trích về cách xử lý của chính quyền Tổng thống Joe Biden với tình hình Afghanistan.

Quan chức Mỹ giấu tên thừa nhận chưa có thống kê cụ thể về số vũ khí Mỹ rơi vào tay Taliban, nhưng tiết lộ lực lượng này đã kiểm soát hơn 2.000 xe thiết giáp, chủ yếu là xe đa dụng Humvee và xe kháng mìn MRAP, 40 máy bay các loại, bao gồm cả trực thăng UH-60 Black Hawk, trực thăng vũ trang hạng nhẹ MD-530 và trinh sát cơ không người lái ScanEagle. "Những thứ chưa bị phá hủy đều thuộc về Taliban", quan chức này cho hay.

Theo AFP, hầu hết số vũ khí này được Taliban tịch thu từ quân đội Afghanistan, lực lượng đã nhanh chóng đầu hàng dù được Mỹ đổ hàng chục tỷ USD trang bị, huấn luyện suốt 20 năm qua. quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ cảnh báo những khí tài trên có thể được dùng để tấn công dân thường hoặc rơi vào tay các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, thậm chí được chuyển giao cho các đối thủ của Mỹ như Nga và Trung Quốc.

Mỹ tính không kích tiêu hủy toàn bộ vũ khí?

Trước những lo ngại này, quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Lầu Năm Góc đang xem xét khả năng tung đòn không kích nhằm vào khí tài lớn như trực thăng lọt vào tay Taliban.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại hành động quân sự đó sẽ gây thù với Taliban và cản trở chiến dịch sơ tán của Washington tại Kabul. Các quan chức Mỹ từng dự đoán quân chính phủ Afghanistan có thể cầm cự trong vài tháng sau khi Washington rút lực lượng. Tuy nhiên, đội quân thường trực hơn 180.000 người lại sụp đổ chỉ trong vài tuần, dù có ưu thế về kinh nghiệm, quân số, kinh phí và trang bị. Taliban tiến vào thủ đô Kabul tối 15-8 mà không gặp sự kháng cự nào từ lực lượng chính phủ và nắm quyền lực tại Afghanistan.

Tại cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 17-8, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: “Chúng tôi chưa có bức tranh toàn cảnh về toàn bộ trang bị khí tài đã mất. Tuy nhiên, chắc chắn một lượng lớn trong số đó đã rơi vào tay Taliban. Chúng tôi cảm thấy họ sẽ không sẵn sàng bàn giao số vũ khí đó cho lực lượng Mỹ tại sân bay”.

Trong khi đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby chưa có câu trả lời rõ ràng về phương án giải quyết. "Rõ ràng chúng tôi không muốn thấy khí tài của mình trong tay những lực lượng hành động đi ngược lại lợi ích của Mỹ hoặc người dân Afghanistan. Có nhiều lựa chọn chính sách có thể được áp dụng, bao gồm cả phá hủy chúng", ông nói.

Các tay súng Taliban cạnh xe MRAP trên đường phố Kabul hôm 17-8.   Ảnh: AFP

Mối lo Taliban chuyển giao vũ khí cho Trung Quốc

Dù có nhiều lo ngại về việc Taliban có thể sử dụng các loại máy bay, trực thăng mà Mỹ cung cấp cho Afghanistan, nhưng các loại máy bay đòi hỏi phải được bảo dưỡng thường xuyên và sẽ rất khó có thể bay nếu phi công không được đào tạo chuyên sâu.

Một số chuyên gia cho rằng những khí tài này không giúp được nhiều cho Taliban. "Các vũ khí nguy hiểm nhất mà Taliban thu được là pháo mặt đất D-30 cỡ nòng 122 mm do Liên Xô sản xuất và khí tài của không quân Afghanistan. Chưa rõ họ có khả năng sử dụng toàn bộ máy bay đã thu được hay không, nhưng Taliban cho thấy họ thừa sức dùng pháo D-30", Jonathan Schroden, giám đốc Chương trình Đối phó Các mối đe dọa và Thách thức ở tổ chức tư vấn an ninh CNA tại Mỹ, nhận xét.

Tuy nhiên, hiện có nhiều lo ngại về một số vũ khí và thiết bị dễ sử dụng hơn, như kính nhìn ban đêm. Kể từ năm 2003, Mỹ đã cung cấp cho lực lượng Afghanistan ít nhất 600.000 vũ khí bộ binh trong đó có súng trường tấn công M16, 162.000 thiết bị liên lạc và 16.000 kính nhìn ban đêm. “Khả năng hoạt động vào ban đêm là một yếu tố thay đổi cuộc chơi thực sự”, một quan chức giấu tên nói với Reuters.

Tướng nghỉ hưu Votel và các quan chức khác cho rằng, những vũ khí cỡ nhỏ mà Taliban thu được như súng máy, súng cối, cũng như các loại pháo, súng đại liên, có thể mang lại lợi thế cho Taliban trước bất cứ sự kháng cự nào ở các thành trì chống Taliban như Thung lũng Panjshir ở Đông Bắc Kabul.

Giới chức Mỹ cho biết có thể dự đoán được việc Taliban sẽ sử sụng số vũ khí này, nhưng còn quá sớm để nói những gì họ dự định làm những gì - bao gồm cả việc có thể chia sẻ thiết bị với các quốc gia đối thủ như Trung Quốc.

Mối lo ngại hơn đặt ra nữa theo chuyên gia Andrew Small, về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Quỹ Marshall Đức tại Mỹ, cho biết Taliban có thể cho phép Bắc Kinh quyền tiếp cận các loại vũ khí Mỹ mà lực lượng này kiểm soát.

KHẢ ANH