Khoảng 10 tỷ đồng hỗ trợ người chăn nuôi chịu thiệt hại do dịch tả

Thứ bảy, 08/06/2019 12:39

Tiêu hủy lợn mắc dịch tả tại xã Lộc Điền (H. Phú Lộc, TT-Huế).

Chỉ trong 5 ngày qua, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã lây lan thêm 14 xã trên địa bàn TT - Huế. Như vậy, tính đến ngày 7-6, loại dịch này đã xảy ra trên đàn lợn của 1.076 hộ chăn nuôi ở 303 thôn, 69 xã của 8/9 huyện, thị, thành phố. Chỉ có huyện miền núi Nam Đông vẫn chưa có dịch. Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là 4.054 con với tổng trọng lượng tiêu hủy là 214.829 kg. Ước tính thiệt hại hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy khoảng 10 tỷ đồng.

Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ lây lan trên diện rộng, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, TP Huế triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch khẩn cấp tại vùng có dịch cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình đàn lợn ở các vùng chưa phát dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Đến nay, Chi cục Thú y tỉnh đã cấp khoảng 30.029 lít hóa chất để các địa phương triển khai thực hiện ngay công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Hơn 250 tấn vôi được rải để tiêu độc tại các tuyến đường giao thông chính và các hố chôn hủy. Cùng với 2 chốt trên QL1A ở 2 đầu cửa ngõ Nam-Bắc của tỉnh, TT-Huế đã lập 61 chốt kiểm dịch tại các địa phương có dịch để kiểm soát, tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật. Ông Hồ Vang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ở các vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp (phạm vi 3 km xung quanh ổ dịch) đã tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ trại 1 lần/ngày trong 7 ngày đầu tiên và thực hiện 3 lần/ tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; tại vùng đệm (phạm vi 10 km xung quanh ổ dịch) tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng với tần suất 1 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng. Đội ngũ cán bộ thú y cơ sở cũng tăng cường giám sát tình hình sức khỏe đàn lợn tại các hộ nuôi trong khu vực...

Được biết, tổng đàn lợn hiện nay tại TT-Huế khoảng 159.850 con, với 19.096 hộ chăn nuôi, trong đó có khoảng 1.400 trang trại, gia trại chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho hay, DTLCP hoàn toàn không lây sang người. Vì vậy, người dân không nên hoang mang, không quay lưng với thịt lợn an toàn. Tuy nhiên, người dân cần nấu chín thịt lợn trước khi ăn, không tới tham quan khu chăn nuôi lợn, đặc biệt ở vùng dịch và bị ảnh hưởng, nếu phát hiện lợn chết thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Người dân nên sử dụng sản phẩm thịt lợn đã qua kiểm dịch thú y. Tại cuộc họp với Sở NN&PTNT, Sở Tài chính và Sở Công Thương trong ngày 6-6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị Sở NN&PTNT tiếp tục hướng dẫn cho các địa phương về thủ tục và phương pháp tiêu hủy lợn bị dịch theo đúng quy định, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và việc hỗ trợ thiệt hại cho các hộ chăn nuôi; rà soát để bổ sung các trạm, chốt kiểm soát và kiểm dịch bệnh cơ động tại các vùng dịch. Đặc biệt, chú ý việc kiểm soát dịch bệnh tại các trang trại chăn nuôi lợn lớn, đồng thời làm việc với chủ các trang trại để có hướng hỗ trợ.

H.LAN