Khơi dậy hình tượng Nghê - linh vật đặc trưng trong văn hóa Việt Nam...

Thứ năm, 16/08/2018 11:42

Nét giống sư tử, kỳ lân nhưng thân giống chó... đó là Nghê, một biểu tượng văn hóa Việt phổ biến ở phía Bắc từ ngàn năm qua có niên đại từ thời nhà Lý đến các triều đại kế cận như Trần, Lê, Nguyễn...  Linh vật Nghê xuất hiện trong trang trí ở các đền miếu, lăng tẩm với nhiều chất liệu, gỗ, đá, đồng và sứ.  Qua các triều đại, hình ảnh nghê thường có mặt ở khu vực phía Bắc...  Và lần đầu tiên một Triển lãm Linh vật Nghê Việt với hơn 200 tác phẩm được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vào chiều ngày 15-8 với sự tham dự của bà Đặng Thị Bích Liên-Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch và ông Đặng Việt Dũng- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng…

Quang cảnh lễ cắt băng khai mạc triển lãm.

Có thể thấy rằng, biểu tượng linh vật Nghê đã tồn tại hàng nghìn năm qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng Nghê luôn có mặt và phát triển trong nền văn hóa Việt.  Hình ảnh của Nghê xuất hiện từ rất lâu, được khắc trên bia đá, vẽ trên đồ thờ, được chạm, trổ trên các kiến trúc, được tô, đắp, nằm chầu trước cổng... Nghê xuất hiện khá nhiều trong không gian tôn giáo, tín ngưỡng như chùa, đình, đền, miếu, trong cung điện, lăng tẩm... và đã trở thành linh vật biểu tượng đặc trưng của văn hóa Việt Nam.

Trải qua thời gian dài với nhiều thăng trầm, biến đổi, theo đó linh vật Nghê  đang dần bị lãng quên và bị thay thế bằng những linh vật mang biểu tượng không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Nguy hại hơn, đó là việc những linh vật mang biểu tượng văn hóa nước ngoài lại được sao chép, nhân rộng, có mặt khắp nơi ở cơ quan, công sở đến di tích, từ tư gia đến nơi công cộng. Trong  mấy chục năm qua, biểu tượng, linh vật của nước ngoài bị nhiều người trong chúng ta nhầm lẫn tưởng đó là linh vật của người Việt... Trước thực trạng trên, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngày 8-8-2014, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VH-TT & DL) đã ban hành CV số 2662/BVHTTDL về việc không sử dụng sản phẩm, biểu tượng, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Mới đây, ngày 3-4-2018, Bộ VH-TT & DL tiếp tục có Công văn 1313/BVHTTDL về việc "tượng, biểu tượng đặt tại cơ quan, đơn vị, khu du lịch, địa điểm công cộng có nội dung và hình thức không phù hợp với văn hóa Việt Nam".  Đồng hành với thực hiện Luật Di sản Văn hóa và Nghị định số 113/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động Mỹ thuật, 4 năm qua bằng nhiều hình thức khác nhau, Bộ VH-TT & DL, UBND, Sở VH-TT & DL các tỉnh, thành phố cùng các cơ quan truyền thông đã thực hiện tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng làm lành mạnh hóa môi trường thẩm mỹ, phát huy giá trị các di sản Văn hóa...

Ngày 15-8, phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đặng Thị Bích Liên-Thứ trưởng Bộ VH-TT & DL và được biết, thời gian qua, ngoài công tác tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sử dụng biểu tượng, linh vật, đồ thờ trong các di tích theo Luật Di sản, Bộ VH-TT & DL đã cùng các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở thờ tự, cơ quan, công sở  không sử dụng tượng, biểu tượng, linh vật không phù hợp với văn hóa Việt Nam; đã phối hợp tổ chức 3 cuộc triển lãm nhằm giới thiệu, giúp công chúng nhận diện được rõ ràng về biểu tượng, linh vật Việt Nam.  Tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Di sản và Nghị định 113 của Chính phủ, Bộ VH-TT & DL chọn TP Đà Nẵng là địa điểm đầu tiên Triển lãm Tư liệu biểu tượng về linh vật Nghê Việt. Với mục đích tuyên truyền phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền  thống quý báu của dân tộc, Triển lãm do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm phối hợp với  Sở VH & TT TP Đà Nẵng khai mạc vào chiều ngày 15-8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.  Triển lãm trưng bày hơn 200 hình ảnh, tư liệu về linh vật Nghê chọn lọc, kèm theo nội dung diễn giải giới thiệu về nguồn gốc, đặc điểm tạo hình; phân loại linh vật Nghê Việt. So sánh linh vật Nghê Việt Nam với linh vật một số quốc gia khác, Nghê chốn chùa chiền;  Nghê chốn cung vua, phủ chúa; Nghê chốn lăng tẩm, đền miếu và Nghê chốn đình làng, trong cộng đồng dân cư... Triển lãm giới thiệu đến công chúng những hình ảnh hết sức phong phú, đa dạng của Nghê đã đi vào cuộc sống của người Việt. Qua các tư liệu, hiện vật trưng bày, ta thấy được sự phong phú của linh vật Nghê trong văn hóa Việt; sự tương đồng và khác biệt với linh vật các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt thấy được sự tài hoa của cha ông ta trong việc sáng tạo ra các tác phẩm linh vật Nghê phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ VH-TT & DL Đặng Thị Bích Liên (người ngoài cùng bên phải) đang giới thiệu linh vật Nghê với ông Đặng Việt Dũng-Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPĐN.

Tiến sĩ Đặng Thị Bích Liên cho biết, chọn triển lãm tại Đà Nẵng vì Đà Nẵng là điểm đến không thể thiếu của khách du lịch trong và ngoài nước, là TP có Làng đá Mỹ nghệ Non Nước với nhiều nghệ nhân điêu khắc tài hoa. Đây chính là cầu nối đưa sản phẩm văn hóa Việt ra thế giới, đặc biệt, thông qua các sản phẩm điêu khắc của làng đá Non Nước để tuyên truyền bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Triển lãm sẽ là kênh thông tin chính thống để các nghệ nhân tiếp xúc với các tư liệu, hình ảnh, bản vẽ, chú giải về nguồn gốc, đặc điểm các linh vật Nghê; qua đó sáng tạo ra các sản phẩm tượng linh vật Nghê Việt mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Tại triển lãm, BTC đã tặng sách ảnh linh vật Nghê cho 25 nghệ nhân của Làng đá Non Nước và làng Mỹ nghệ Hội An...

Tiến sĩ Đặng Thị Bích Liên khẳng định: "Chúng ta hãy tin tưởng rằng Nghê sẽ sớm có chỗ đứng trong cuộc sống đương đại và những sản phẩm ứng dụng hình tượng Nghê sẽ ngày càng nhiều. Trong tương lai gần, Nghê sẽ có vị trí trong đời sống người dân và các làng nghề trên cả nước đã và đang xúc tiến làm Nghê sau một thời gian dài làm sư tử Tàu, tì hưu...  Làng đá mỹ nghệ ở Đà Nẵng và các làng nghề trên cả nước, các nhà thiết kế, nghệ sĩ... sẽ góp phần đưa hình ảnh của linh vật Nghê trở về vị trí vốn có của nó, là linh vật đặc trưng trong không gian tín ngưỡng và văn hóa Việt Nam".

HIỀN MINH