Khơi dậy tình yêu dân tộc qua chương trình giáo dục về di sản
(Cadn.com.vn) - Huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) có 40 di tích lịch sử văn hóa, trong đó khu di tích Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1999. Từ năm học 2004-2005, huyện bắt tay vào thực hiện chương trình giáo dục về di sản địa phương. Phòng Giáo dục đã lên kế hoạch thực hiện triển khai đến tất cả các trường kèm theo một danh sách các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.
Trước đây, nhiều thầy cô và các em học sinh còn hết sức lạ lẫm, không biết những di tích như Lăng mộ Bà Thu Bồn, vụ thảm sát Vĩnh Trinh, Dinh Bà Chiêm Sơn..., nằm ngay trên địa bàn mình sinh sống, hoặc chỉ biết đến Mỹ Sơn. Với chương trình giáo dục về di sản địa phương, ngành Giáo dục Duy Xuyên đã thành công ngoài mong đợi với nhiều hiệu quả gặt hái được. Cung cấp một lượng kiến thức lớn về di sản địa phương nhưng có sự chọn lọc và nhiều hình thức mới mẻ, các em thích thú say mê như tìm thấy được ngay trên mảnh đất quê hương mình biết bao điều mới lạ.
Hằng năm, Phòng Giáo dục phối hợp với Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, Phòng VH-TT... tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di sản địa phương. Nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như thi thuyết trình, môi trường, tổ chức cắm trại, thi vẽ... đã thu hút tất cả các trường tham gia. Qua đó, có nhiều em học sinh cấp II, cấp III có thể thuyết trình lưu loát bằng tiếng Anh cho du khách quốc tế nghe về Mỹ Sơn, hoặc có em học sinh tiểu học vẽ “phác họa” về Mỹ Sơn hay những di tích khác hay nhận biết được di tích qua những hình ảnh minh họa... Không chỉ vậy, các trường còn tổ chức cho các em đi tham quan dã ngoại, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi tại các điểm di tích trong dịp hè, ngày lễ... Điều đó tạo ra sự quảng bá mạnh mẽ mỗi di tích và một nền tảng nhân văn sâu sắc từ nhận thức của thế hệ trẻ được xem là chủ nhân tương lai của những di sản.
Học ngoại khóa tại di tích Mỹ Sơn. |
Năm 2005, xuất phát từ chương trình “Di sản trong tay thế hệ trẻ” do Ủy ban UNESCO Việt Nam phát động, Phòng Giáo dục đã chủ động phối hợp với Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn biên soạn chương trình, tài liệu đưa vào giảng dạy. Bộ tài liệu “Giáo dục về Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn trong nhà trường phổ thông” đã được Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện nhất trí nội dung và Dự án Thanh niên tình nguyện bảo tồn di sản thế giới tại Mỹ Sơn tài trợ kinh phí in ấn. Tập tài liệu này không chỉ giới thiệu Mỹ Sơn mà còn khai thác và phát huy các giá trị truyền thống khác như đô thị cổ Hội An, cố đô Huế, vịnh Hạ Long, cồng chiêng Tây Nguyên... để làm giàu kiến thức cho các em về kho tàng di sản văn hóa dân tộc, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế.
Hằng năm, trong các hoạt động ngoài giờ, những bước chân của các em học sinh lại tìm về với những di tích lịch sử văn hóa địa phương, được tận mắt ngắm nhìn những giá trị văn hóa lịch sử mà bao thế hệ cha ông đã dày công vun đắp, và có cả sự đánh đổi bằng sự hy sinh xương máu. Qua nhiều lần tổ chức lễ hội “Quảng Nam - Hành trình Di sản” tại điểm đến Mỹ Sơn, nhiều du khách trong và ngoài nước đã rất bất ngờ và hài lòng với lực lượng hướng dẫn viên “không chuyên” là các em học sinh đã được giải cao trong các cuộc thi tìm hiểu, thuyết trình về Mỹ Sơn “tác nghiệp” khá thành thạo. Đó như là những quả ngọt đầu mùa được ươm mầm từ chương trình giáo dục di sản địa phương trong những năm qua. Ông Nguyễn Công Hường, Trưởng Ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn phấn khởi: "Tôi đánh giá cao hiệu quả chương trình này, nó đã góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của ông cha ta ngay trên mảnh đất quê hương, từ đó khơi gợi lòng tự hào và trách nhiệm của các em đối với di sản”.
Học sinh thu nhặt rác tại di tích Mỹ Sơn. |
Với chương trình giáo dục di sản địa phương tại Duy Xuyên, thông qua những tiết học chính khóa và ngoại khóa với nhiều hoạt động “mở”, tất cả các em học sinh của 15 trường THCS và 21 trường tiểu học trên toàn huyện đã được rèn luyện nhiều kỹ năng cần thiết như giao tiếp, hoạt động nhóm, bảo vệ môi trường, thực hành ngoại ngữ... Và quan trọng hơn hết là đã giáo dục ý thức bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa địa phương. Mỗi trường theo những điều kiện có thể đã nhận chăm sóc, bảo vệ di tích ngay trên địa bàn như Trường Tiểu học Duy Trinh (xã Duy Trinh) với di tích Dinh bà Chiêm Sơn, Trường Tiểu học Duy Sơn 2 (xã Duy Sơn) với Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu.... Riêng với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, có hai trường tại xã Duy Phú - nơi có di sản Mỹ Sơn - thay nhau “chăm sóc” là Trường THCS Nguyễn Chí Thanh và Trường Tiểu học Duy Phú. Các em đã có những hành động tích cực, trách nhiệm chung tay chăm sóc, bảo vệ như vệ sinh môi trường, chống sự xâm hại di tich, trồng cây, quét dọn...
Hiệu quả từ chương trình giáo dục di sản địa phương tại H. Duy Xuyên cho thấy cần nhân rộng mô hình này, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương nói riêng, văn hóa lịch sử dân tộc nói chung và giáo dục toàn diện cho học sinh trong thời kỳ hội nhập.
Mộng Thu