Khơi thông Cổ Cò, tạo đà bứt phá

Thứ bảy, 09/01/2021 12:26

Chiều 8-1, tại Khu đô thị Casamia Hội An (Quảng Nam), Tạp chí Nhà đầu tư với sự phối hợp của UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo "Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam và Đà Nẵng". Hội thảo có sự tham dự của ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, sở, ban, ngành của 2 địa phương và hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bất động sản, phát triển đô thị.

Lãnh đạo hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng cùng các chuyên gia tính giải pháp khơi thông sông Cổ Cò.

Bắt tay hợp tác

Dự án khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò bắt đầu chuyển động từ năm 2003, khi Công ty Tư vấn giao thông đường thủy (thuộc Tổng Cty Tư vấn thiết kế, Bộ GTVT) tổ chức khảo sát và lập dự án sau khi chính quyền hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng ngồi lại tìm giải pháp tháo gỡ cho con sông này. Tuy nhiên, đến tận năm 2019, hai địa phương này mới chính thức "bắt tay" nhau triển khai dự án khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò. Khi hai tỉnh, thành Quảng Nam và TP Đà Nẵng cùng nhau khơi thông dòng sông Cổ Cò dài 25 km (trong đó đoạn chảy qua tỉnh Quảng Nam dài 19,7 km) không chỉ sẽ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu sắc. Nhiều chuyên gia nhận định khơi thông sông Cổ Cò sẽ mang lại nhiều tiềm năng về tự nhiên, kinh tế - xã hội cho 2 địa phương.

Tại hội thảo, các chuyên gia báo cáo tham luận về "Rà soát, khớp nối, định hướng quy hoạch cảnh quan ven sông Cổ Cò", "Khơi thông sông Cổ Cò - Gặt hái từ giá trị đất đai tăng thêm", "Cơ hội và tiềm năng phát triển: Khu đô thị mới sông Cổ Cò thời đại", "Bất động sản ven sông - Điểm sáng trên thị trường bất động sản 2021". Trong phần thảo luận mở cùng với các chuyên gia, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho hay, nhằm đẩy nhanh việc khơi thông sông Cổ Cò, hai địa phương đã thành lập Ban điều phối phát triển sông Cổ Cò do lãnh đạo hai địa phương và các ngành liên quan tham gia. Từ đó, lãnh đạo hai địa phương sẽ cùng nhau thảo luận, khớp nối điều chỉnh những bất cập về hạ tầng, kiến trúc dọc tuyến sông nhằm tạo giá trị bền vững, lưu giữ tài sản vô giá cho thế hệ mai sau. Quảng Nam sẽ phê duyệt kiến trúc cảnh quan sông Cổ Cò trước Tết Nguyên đán, đồng thời điều chỉnh quy hoạch các công trình kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông Cổ Cò. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đoạn sông qua địa bàn Quảng Nam 19,7km. Chương trình biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giúp 850 tỷ đồng, còn lại tỉnh Quảng Nam sẽ vay thêm 381 tỷ đồng để thực hiện dự án. Các nguồn kinh phí sẽ được tỉnh Quảng Nam từng bước đầu tư các công trình thiết yếu, chú trọng xây dựng cầu, hạ tầng giao thông dọc sông, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn...

Việc khơi thông sông Cổ Cò sẽ tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội của hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng.

Thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội

Ông Phùng Phú Phong - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng khẳng định, việc khơi thông sông Cổ Cò sẽ là nguồn cộng hưởng, hỗ trợ cho TP Đà Nẵng phát triển. Nhất là trong thời điểm quỹ đất TP Đà Nẵng đã hết, khi khơi thông sông Cổ Cò sẽ thúc đẩy triển khai các loại hình du lịch, tái đầu tư sử dụng quỹ đất, mở các loại hình du lịch đô thị. Còn ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Bộ phận R&D Công ty DKRA Vietnam phân tích, sông Cổ Cò là sự kết nối các khu dân cư hiện hữu, các dự án đã và đang hình thành sẽ tạo nên vùng đệm giữa hai TP Đà Nẵng và Hội An. Khi các dự án bất động sản khu vực này có sự sôi động phát triển sẽ kích thích thị trường bất động sản của cả Đà Nẵng - Quảng Nam hồi phục trở lại sau giai đoạn ngủ đông 2019-2020. Việc khơi thông sông Cổ Cò sẽ phát triển đa dạng các hình thức du lịch trong đó có du lịch trên sông, kết nối văn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống... của các địa phương dọc theo dòng sông từ đó kéo theo sự phát triển của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng...

Đánh giá tầm quan trọng việc khơi thông sông Cổ Cò, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, khơi thông sông Cổ Cò sẽ kết nối hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam. Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong khi đó Hội An là một đô thị cổ. Dự án hoàn thành sẽ kết nối 2 địa phương, hỗ trợ nhau trong việc phát triển du lịch đường sông, đồng thời mở rộng hoạt động thông thương vận chuyển hàng hóa, đi lại, giảm tải cho đường bộ. Dự án hoàn thành sẽ tăng cường khả năng thoát lũ khu vực phía Đông của TX Điện Bàn. Dự án khơi thông sông Cổ Cò hoàn thành sẽ là "bàn đạp" cho sự phát triển đô thị và du lịch ở 2 địa phương, tác động tích cực đến các khu vực lân cận khu đô thị TX Điện Bàn và các dự án du lịch ven biển Điện Bàn, Hội An, Đà Nẵng "Dự án khơi thông sông Cổ Cò sẽ là sợi dây kết nối 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng trong phát triển đa dạng các hình thức đô thị, du lịch, nhất là phát triển loại hình du lịch trên sông, kết nối văn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống...", ông Thanh nhấn mạnh.

LÊ VƯƠNG