Khơi thông sức dân

Thứ tư, 08/01/2014 10:17

(Cadn.com.vn) - Với mục tiêu “Phát huy vai trò Mặt trận, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng địa phương ngày càng văn minh, giàu đẹp”, sáng nay 8-1, UBMTTQVN xã Hòa Phước (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) khai mạc Đại hội lần thứ XI nhiệm kỳ 2014 - 2019. Đây là xã được chọn Đại hội điểm để rút kinh nghiệm cho các xã còn lại của Hòa Vang...

Tháng 3-2012, khi phong trào bê-tông hóa đường GTNT xây dựng nông thôn mới (NTM) được TP triển khai, UBND H. Hòa Vang đã chọn thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước) làm điểm mở rộng giao thông kiệt hẻm. Nhưng để có mặt bằng làm đường lại cần chính công sức của người dân, trong đó nhiều tuyến đường băng qua phần đất canh tác hoa màu bao đời nay của nhiều gia đình, dòng tộc. Ông Nguyễn Hiển, Trưởng ban công tác Mặt trận (MT) thôn bộc bạch: “Lúc đầu lo lắm, vì đó là tâm linh, là miếng cơm manh áo của bà con, trong khi thôn vẫn còn nhiều hộ nghèo, khó khăn. Vậy mà chẳng cần vận động nhiều, chỉ nghe về chủ trương, ý nghĩa của con đường, bà con đã hồ hởi đồng lòng hưởng ứng”.

Hưởng ứng mở rộng đường, các gia đình đều tình nguyện hiến đất, nhà ít cũng đến 30m2, nhiều khoảng 500m2. Gần 30 hộ dân trong thôn tự nguyện phá dỡ hàng rào đã được xây dựng kiên cố tốn phí hàng chục triệu đồng, chặt phá hàng trăm cây ăn quả có giá trị mà không đòi hỏi một quyền lợi nào. Ghi nhận hiệu quả ban đầu, ngoài việc thưởng nóng 50 triệu đồng cho thôn, ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện còn kêu gọi 117 thôn còn lại trên địa bàn học tập cách nghĩ và cách làm của người dân thôn Trà Kiểm để việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM tại mỗi địa phương được nhanh chóng và thuận lợi hơn... Đến nay, Hòa Phước đã đạt được 15/19 tiêu chí xã xây dựng NTM.

Phong trào hiến đất, mở đường ở thôn Trà Kiểm được huyện nhân điển hình
trong lộ trình xây dựng NTM.

Sau nhiều năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Hòa Phước đã đạt được những kết quả khả quan. Điều đáng nói là, nhân tố tạo nên thành công chính là sự tham gia tích cực của người dân. Các thôn Trà Kiểm, Cồn Mong, Tân Hạnh, Quá Giáng 1, Nhơn Thọ 1, Nhơn Thọ 2 là những địa phương giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa” 10 năm liền. Theo ông Lê Thanh Tân, Bí thư Chi bộ thôn Cồn Mong, chất lượng của phong trào thực sự phụ thuộc vào ý thức của người dân.

Minh chứng cho lời nói của ông Tân là 100% đường làng, ngõ xóm trong thôn đã được bê-tông hóa bằng kinh phí của Nhà nước và nhân dân. “Có được kết quả như hôm nay là do ý thức của người dân và tất nhiên không thể phủ nhận vai trò, công lao to lớn của hệ thống MT các cấp”, ông Tân khẳng định. Ích nước lợi nhà, bộ mặt nông thôn Hòa Phước đã có nhiều khởi sắc, những con đường “nắng bụi, mưa bùn” xưa, nay đã được thay bằng những con đường bê-tông vươn ra các cánh đồng rộng thênh thang, sạch đẹp...

UBMTTQ xã Hòa Phước vận động vật liệu, góp công sửa chữa nhà
cho bà Nguyễn Thị Lúa (thôn Giáng Nam 2) bị thiệt hại do bão số 11.

Được biết, hưởng ứng cuộc vận động xây dựng NTM, nhiệm kỳ qua, UBMTTQ xã Hòa Phước đã vận động Quỹ Vì người nghèo gần 220 triệu đồng, cùng với nguồn hỗ trợ của các cấp, các tổ chức từ thiện, địa phương đã xây mới 22 ngôi nhà đại đoàn kết và 65 công trình vệ sinh cho hộ nghèo, hỗ trợ sinh kế giúp 426 hộ nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, hỗ trợ đồ dùng học tập, áo quần cho học sinh các gia đình khó khăn...

Các tộc họ cũng đã góp phần xây dựng hiệu quả cuộc vận động, nhiều tộc họ vận động con cháu xa quê đóng góp xây dựng Quỹ Khuyến học - khuyến tài, không để con cháu trong độ tuổi đến lớp bỏ học; đề ra quy ước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng bằng cách tạo điều kiện cho con cháu chuyển đổi ngành nghề phù hợp với quá trình đô thị hóa. Bên cạnh đó, các hoạt động lễ hội đình làng và các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng Làng văn hóa, Gia đình văn hóa trên khắp các lĩnh vực, từ phát triển KT-XH, các mô hình tự quản về ANTT đến xây dựng nếp sống văn minh đô thị trong việc cưới, việc tang... đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần tạo ra một diện mạo mới đầy tính nhân văn và sâu sắc.

Theo ông Nguyễn Bút, Chủ tịch UBMTTQ xã Hòa Phước, có thể thấy vai trò của MT tại cơ sở là rất quan trọng, ngoài việc khơi thông sức dân thì việc làm cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân cần phải được những người làm công tác MT quán triệt đầy đủ; thông qua việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để phản ánh kịp thời với cấp ủy, chính quyền để ban hành những quy định sao cho phù hợp; đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với từng nếp sống, nếp nghĩ của người dân địa phương. Có như vậy việc phát huy sức mạnh của nhân dân mới đạt hiệu quả như lời Bác dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

An Dương