Không để những vấn đề bức xúc, nổi cộm kéo dài
Gỡ khó giá thuê đất ven biển
Hiện nay TP Đà Nẵng đang xử lý các kiến nghị của DN về giá thuê đất thực hiện các dự án ven biển áp dụng theo chu kỳ mới quá cao, vượt hơn 400%, khiến DN khó kham nổi. Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Phan Thị Tuyết Nhung cho biết, hướng xử lý của TP hiện nay là phù hợp. Cụ thể, TP sẽ xem xét lại tỷ lệ % đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh so với đất ở; xem xét lại hệ số tỷ lệ điều chỉnh giá đất có tính toán đến hệ số sử dụng đất bình quân để giải quyết câu chuyện các dự án có mật độ xây dựng thấp; xem xét, tính toán lại yếu tố phân vệt thấp hơn hiện hành. Theo bà Nhung, xử lý 3 vấn đề này sẽ giải được bài toán gỡ khó cho DN thuê đất ven biển. Tuy nhiên, việc này mới tính áp dụng cho các dự án trong chu kỳ áp dụng giá thuê đất mới, chứ chưa áp dụng cho các dự án đã rơi vào chu kỳ ổn định 5 năm cũ. Cụ thể, các dự án này đã áp mức giá chu kỳ cũ được 1-2 năm, mức giá cũng rất cao. Hiện nay họ tiếp tục chịu mức giá đó cho đến hết chu kỳ còn tới 3-4 năm nữa, cũng rất khó khăn. Do vậy, bà Nhung đề nghị cần xem xét, mở rộng đối tượng, nghiên cứu kỹ pháp lý để giải quyết cho những DN này. Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết cũng cho biết, TP đang tính toán lại mức giá thuê đất kinh doanh ven biển, tinh thần là điều chỉnh về tỷ lệ % giá đất kinh doanh so với giá đất ở, hệ số sử dụng, phân vệt… TP sẽ hỗ trợ tối đa tới mức có thể, để vừa đảm bảo quy định pháp luật vừa hài hòa lợi ích của DN, trong điều kiện hiện nay.
Cần làm rõ kết quả xử lý môi trường
Từ năm 2018 HĐND TPĐà Nẵng đã ra Nghị quyết số 204 về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Qua 5 năm thực hiện, ông Nguyễn Hà Nam- Chánh văn phòng UBND TPĐà Nẵng cho biết đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, đã triển khai các trạm trung chuyển rác, các dự án xử lý nước rỉ rác tại Khánh Sơn, thực hiện các thủ tục kêu gọi đầu tư 2 nhà máy xử lý rác tại Khánh Sơn tổng công suất 1650 tấn/ngày đêm… Các hoạt động thu gom, xử lý, phân loại rác tại nguồn… có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Tiến- Trưởng Ban Đô thị cho rằng phải làm rõ kết quả cụ thể của từng mục tiêu trong Nghị quyết đề ra để chỉ rõ các tồn tại, có giải pháp phù hợp. Chẳng hạn mục tiêu tới 2025 thì thu gom xử lý hợp vệ sinh đạt 95%, tái chế đạt 15%, tất cả các phường xã phải thực hiện phân loại rác tại nhà… Tương tự, tiêu chí dừng chôn lấp rác vào năm 2020 nhưng đến nay và kể năm sau cũng chưa thực hiện được.
Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, nghị quyết đã qua 5 năm thực hiện phải đánh giá chi tiết 8 mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, cần sơ kết, cập nhật những nội dung mới của luật bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2022, từ đó rà soát để điều chỉnh, bổ sung nghị quyết này. Cũng theo Chủ tịch HĐND TP, phải đánh giá hiệu quả các trạm trung chuyển rác, nhất là các trạm Sơn Trà, Lê Thanh Nghị, đồng thời tính toán kỹ có xây dựng trạm mới Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn hay không. “Kể cả câu chuyện hiệu quả hoạt động của Công ty môi trường Đô thị, có khi trạm trung chuyển rất đẹp, rất sạch, không có mùi hôi. Nhưng chỉ chuyện xe chở rác đến trạm đổ rác, nước chảy ra đường, khiến dân bức xúc, kiến nghị”, Chủ tịch HĐND TP nói.
8 dự án trượt cam kết
Trong năm 2023 Đà Nẵng cam kết hoàn thành 38 công trình, dự án đầu tư công, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 16 dự án hoàn thành và cơ bản hoàn thành. Bà Trần Thị Thanh Tâm- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến hết năm nay, TP sẽ nỗ lực hoàn thành thêm 14 dự án, còn 8 dự án không thể hoàn thành như cam kết. Trong số 8 dự án này có 3 dự án được bố trí vốn trung ương, hiện đã giải ngân xong phần vốn này, nên sẽ không bị rút về khi chậm tiến độ. Cũng theo bà Tâm, hầu hết các dự án trễ cam kết do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, khó khăn nhất hiện nay là trục I Tây Bắc vì còn 200 hồ sơ chưa giải tỏa xong. Với Công viên phần mềm số 2, nếu được Chính phủ thông qua vào tháng 11 tới, bà Tâm cho biết sẽ triển khai ngay gói mua sắm 187 tỷ đồng và dự kiến cuối tháng 6-2024 có thể đưa dự án vào vận hành. Ngoài ra 5 dự án chậm trễ sẽ hoàn thành trong năm 2024, riêng đường Lê Trọng Tấn nối dài sẽ hoàn thành trong năm 2025.
Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu phải có tiến độ cụ thể cho các dự án chậm, nếu rà soát không thể thực hiện thì đề nghị đưa ra khỏi danh mục đầu tư công và hủy chủ trương đầu tư dự án, chứ không thể để kéo dài mãi. Đơn cử như dự án trục I Tây Bắc đã kéo dài gần 20 năm, khi cần thiết phải bổ sung tăng vốn thì HĐND cũng “bấm bụng” thông qua tăng thêm hơn 350 tỷ đồng. Bây giờ tăng xong thì trách nhiệm đền bù, giải tỏa hàng loạt vấn đề ở đó không tháo gỡ. “Cần thiết thì làm tới đường Ngô Sĩ Liên, đoạn còn lại ra KCN Hòa Khánh hủy dự án. Chứ cứ để thế này không biết bao giờ xong. Làm được hay không làm được phải có trách nhiệm của cán bộ ở đó chứ không có câu chuyện đẩy qua đẩy lại cứ để suốt thế này”, Chủ tịch HĐND TP cân nhắc.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Chủ tịch HĐND TP cũng cho biết, việc tách biệt ra từng đơn vị quản lý dự án trong từng giai đoạn khác nhau như hiện nay rất khó khăn trong việc đảm bảo hiệu quả dự án. Do đó, cần gắn trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành theo lĩnh vực phụ trách, tập trung chủ yếu từ khâu đề xuất chủ trương đầu tư cho đến việc theo dõi công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, đấu thầu, thực hiện đầu tư và hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng. Có như vậy mới khắc phục triệt để câu chuyện chủ trương đầu tư làm rất hay, quá trình đầu tư có thể thế này thế kia nhưng tới lúc đầu tư xong, vận hành thế nào thì lúng túng, không có phương án.
HẢI QUỲNH
Phải xử lý dứt điểm đơn thư Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu UBND TP chỉ đạo xử lý dứt điểm 23 đơn thư tồn đọng năm 2021, 22 đơn thư năm 2022 và số đơn thư năm 2023 quá hạn. Trong đó, phải khắc phục tình trạng trả lời không đúng thẩm quyền. Chẳng hạn đơn họ kiện hội đồng giải phóng mặt bằng quận, nhưng chuyển đơn lên, chuyển đơn xuống một hồi cuối cùng vẫn đến đơn vị bị kiện đi trả lời. Kiện hội đồng giải phóng mặt bằng quận thì yêu cầu UBND quận phải trả lời, phải giám sát, đánh giá cấp dưới, các khâu giải quyết có đúng không. Chứ đơn kiện đưa về ủy ban quận rồi lại đẩy xuống đơn vị bị kiện để trả lời thì làm sao họ nhận sai, kể cả có sai cũng không bao giờ nhận. Cho nên, câu chuyện trả lời không đúng thẩm quyền này phải chấn chỉnh. |