Không muốn... thăng chức!

Thứ sáu, 22/05/2015 06:05

(Cadn.com.vn) - Được cất nhắc phải vui chớ Hai Nhà giáo! Ai lại muốn “dậm chân tại chỗ” hè?

- Có nhiều là đằng khác. Cụ thể là bên ngành giáo dục của Hai đây chớ đâu NXD.

-  ???

- NXD không tin à? Hổm rồi, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 4 năm thực hiện NĐ 115 của Chính phủ về “Quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục” do Bộ GD-ĐT tổ chức, rất nhiều đại biểu “than” về sự bất cập trong định biên biên chế đội ngũ công tác tại phòng, sở GD-ĐT, nhất là cấp phòng.

- Than sao?

- Thì theo quy định, nhân sự cấp phòng cần từ 16-20 người, nhưng thực tế, biên chế tại nhiều phòng GD-ĐT chỉ phổ biến từ 8-10 người, có nơi chỉ có 6-8 người. Bên cạnh nguyên nhân về chỉ tiêu định biên thiếu, còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng là do công tác điều động người từ cơ sở về phòng, sở GD-ĐT luôn gặp khó khăn, thậm chí có khi không thể điều động được, nhất là người có chuyên môn, năng lực giỏi...

- Lý do?

- Vì khi còn ở đơn vị trường học, ngoài chế độ lương, họ còn có chế độ thâm niên nhà giáo và phụ cấp đứng lớp, nhưng khi lên “nhậm chức” ở phòng, sở thì các khoản này bị cắt hẳn. Điều này, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ vì tổng thu nhập bị giảm đi khá nhiều. Không chỉ vậy, khi được điều về phòng, sở GD-ĐT làm việc, việc bình xét danh hiệu Nhà giáo ưu tú cũng khó khăn hơn so với ở cơ sở. Rồi cường độ làm việc khi được “thăng chức” thì nhiều, nhưng không có thời gian nghỉ hè như khi còn ở đơn vị trường học... Vì vậy, khi lãnh đạo sở hay phòng GD-ĐT “ngắm” được một cán bộ có năng lực ở cơ sở, muốn cất nhắc lên phòng, sở công tác rất khó...

- NXD nghĩ, không còn đứng lớp thì không nhận chế độ phụ cấp đứng lớp là đúng rồi, nhưng phụ cấp thâm niên phải có chứ? Chí ít cũng phải giữ lại phụ cấp  thâm niên trong khoảng thời gian người ta cống hiến tại cơ sở chứ. Bất cập như thế thì ngành giáo dục nên có giải pháp cải cách đi là vừa.

- Hai Nhà giáo cũng mong vậy!

N.X.D