Không ngăn được khoảng cách

Thứ năm, 09/09/2021 17:25

Một cô gái chỉ biết nhau trên facebook, chưa hề gặp nhau, trong những ngày thành phố Nha Trang, Khánh Hòa giãn cách nhắn tin cho tôi (nguyên văn): "Lúc trước trên tuyến đường Nguyễn Thiện Thuật, Trần Quang Khải và khu phố Tây có một bà cụ lớn tuổi hay gánh đi nhặt ve chai á. Bây giờ dịch thế này ko biết bà cụ nhà ở đâu như thế nào rồi. Cháu muốn tìm bà để gởi ít quà cho bà. Chú có thể giúp cháu đăng tìm thông tin của bà cụ được không ạ".

Tiền được trao tận tay cụ già nhặt rác.

Qua trang của cô ấy, biết cô ấy làm trong ngành du lịch, và tình hình dịch bệnh như hiện nay thì ngành du lịch gần như tê liệt cả hai năm nay. Cô ấy chuyển qua bán hàng online và dường như với tình trạng cấm người dân ra khỏi nhà thì việc buôn bán cũng tạm ngưng.

Dòng tin nhắn ấy hiện lên cho tôi hình ảnh một cụ già lưng còng khoảng 90 tuổi, mỗi buổi sáng cụ gánh hai bao nhựa đen đi nhặt ve chai. Lưng còng và tuổi già nên cụ đi rất chậm. Cứ mỗi buổi sáng cụ đều dừng lại ở tiệm bánh mì Ba Lẹ, đứng nghỉ, lấy chiếc nón lá phe phẩy quạt, đợi anh chủ xe bánh mì làm cho một ổ bánh mì miễn phí, lấy rồi đi. Anh chủ xe bánh mì nói hàng ngày dẫu mưa gió bà vẫn đi lượm ve chai, và hàng ngày anh vẫn "gởi" cho cụ một ổ bánh mì.

Bẵng đi một thời gian, xe bánh mì Ba Lẹ không còn bán, tôi hỏi anh chủ tiệm sửa xe sát bên thì được biết, anh Ba Lẹ đã nghỉ bán và về Diên Khánh ở. Khi đó tôi bỗng nghĩ đến việc ai cho cụ già nhặt ve chai ổ bánh mì buổi sáng? Rồi dường như trong cuộc sống này, con người luôn hướng về điều tốt đẹp, bà cụ nhặt ve chai hàng ngày đã được tiệm bánh mì LucKy trên đường Lý Tự Trọng cho bánh vào buổi sáng.  Bà hay đi dọc theo đường Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thiện Thuật, ở đây "rác" chính là những lon bia, lon nước ngọt ở những nhà hàng quán bar, khách uống xong, nhân viên gom cho bà. Nhưng từ lâu rồi, hai con phố này đã tắt những ngọn đèn ở những nhà hàng, quán bar vì không còn du khách nước ngoài- vì không có khách thì không có "rác".

Cũng nói rõ thêm là những ngày này giống như nhiều thành phố khác trên cả nước, Nha Trang đã áp dụng Chỉ thị 16 lần thứ hai, lập nhiều điểm chốt để bảo đảm chống dịch, yêu cầu người dân không ra đường nếu không cần thiết. Bên cạnh đó, các chợ truyền thống cũng đã tạm đóng cửa, phun thuốc khử trùng. Tất nhiên là trên phố không còn xe bánh mì và bà cũng chẳng thể lang thang lượm rác. Cô gái tên H. ấy nhờ tôi tìm bà cụ ấy, và cách duy nhất của tôi là đưa lên facebook của mình, bởi lẽ dù sao facebook của tôi có lượng theo dõi nhiều và độ tương tác cao.

Rất nhiều thông tin về bà cụ trong cộng đồng facebook. Mọi người đã tìm ra bà cụ đi lượm rác. Cũng một anh bạn làm du lịch cho biết nhà anh gần nhà bà. H. không thể phóng xe chạy tới nhà bà, vì không thể qua chốt chặn. Thế là nghĩ ra cách chuyển tiền qua thẻ cho anh bạn kia và ngay trong ngày bà cụ đã nhận được món quà.

Chúng ta đang sống những ngày rất khác. Cả đất nước đang oằn mình chống dịch. Trong cơn đại dịch ấy, việc đùm bọc yêu thương nhau vốn là bản chất của người Việt chúng ta. Cùng khắp trên đất nước ta, là TPHCM, Nha Trang hay cả Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương… mọi nơi và mọi nơi, có những con người yếu thế, mất việc làm và chẳng thể kiếm miếng ăn. Những ân tình, dẫu chỉ là giúp đỡ cho một mảnh đời, quả thật là vô cùng trân quý.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG