Không ngừng đổi mới diện mạo nông thôn
(Cadn.com.vn) - Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), H. Hòa Vang (Đà Nẵng) xác định nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đích đến cuối cùng là làm cho bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới. Mục tiêu này được thực hiện xuyên suốt và nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân.
Tiếp nối những thành quả đạt được, Hòa Vang đang nỗ lực để trở thành huyện NTM vào cuối năm 2015. Với quyết tâm lấy hiệu quả mô hình sản xuất và hình thức tổ chức sản xuất làm đòn bẩy nâng cao thu nhập, tiến đến giảm sâu và bền vững tỷ lệ hộ nghèo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành nghề ở nông thôn, nhất là chú trọng giải quyết việc làm ở các vùng giải tỏa, 4 năm qua, Hòa Vang đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ nhân rộng 50 mô hình làm kinh tế; trong đó có nhiều mô hình đã sớm khẳng định là hướng đi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Tại xã Hòa Châu, mô hình trồng hoa lan cắt cành của anh Nguyễn Xuân Hùng được nhiều người biết đến không chỉ về hiệu quả kinh tế (thu gần 1 tỷ đồng/năm) mà còn là tấm gương chịu khó, dám dấn thân để khẳng định tâm huyết của tuổi trẻ. Ở xã Hòa Khương, mô hình tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt ở thôn Phú Sơn 2 với hơn 40 hội viên, mỗi năm xuất bán gần 150 tấn cá trê lai, diêu hồng, trắm cỏ... với tổng thu nhập hơn 3 tỷ đồng/năm.
Ở xã Hòa Tiến, với dự án “Xây dựng vùng sản xuất lúa giống”, kinh phí đầu tư gần 500.000USD, người nông dân đã chủ động hơn trong việc sản xuất lúa giống. Dự án giúp cải thiện khả năng sản xuất lúa giống của hơn 4.000 hộ nông dân tại địa phương, nâng cao khả năng xử lý lúa giống sau thu hoạch nhằm đạt chất lượng cao hơn và tăng giá trị sản phẩm...
Điện, nước đã đến tận nơi để người dân chăm sóc hoa trên vùng đất bạc màu Gò Giảng (xã Hòa Phong). |
Gắn xây dựng NTM với công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ và phong trào “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, từ năm 2011 đến nay, Hòa Vang cùng nhiều sở, ban ngành, lực lượng vũ trang TP đã tổ chức nhiều đợt ra quân làm công tác dân vận và huy động các nguồn lực xây dựng 208 nhà tình thương, 100% nhà ở của đồng bào Cơ Tu, đầu tư xây mới và sửa chữa hơn 1.500 nhà ở cho gia đình chính sách.
Công tác giảm nghèo được chú trọng khi có hơn 8.000 hộ thoát nghèo, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo theo từng năm và cơ bản xóa xong vào cuối năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 từ 15 triệu đồng/năm, đến năm 2015 lên 27,7 triệu đồng/người/năm vào 2015. Tình hình ANCT, TTATXH được giữ vững, giao quân hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu trên giao...
Theo BCĐ Chương trình XDNTM H. Hòa Vang, tổng nguồn lực đầu tư XDNTM trên địa bàn huyện đến thời điểm tháng 7-2015 là gần 2.500 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp gần 400 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn Nhà nước, nỗ lực của người dân, kết quả trong tiến trình xây dựng huyện NTM Hòa Vang còn lưu dấu đậm nét sự hỗ trợ, giúp sức của các ban ngành TP. Sau khi Thành ủy ban hành Chỉ thị 18, Ban Dân vận Thành ủy tổ chức các hội nghị ký kết giao ước với các tổ chức, đơn vị giúp đỡ Hòa Vang XDNTM với nguồn hỗ trợ gần 100 tỷ đồng…
Từ hiệu quả các nguồn lực đầu tư, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, vai trò chủ thể của mỗi người dân trên địa bàn huyện đã tạo nên bức tranh NTM Hòa Vang như hôm nay. Nếu thời điểm năm 2011, toàn huyện chỉ có 1 xã hoàn thành 9/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia XDNTM thì đến nay có 10/11 xã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí (trong đó có 6 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM), xã còn lại Hòa Bắc cũng đã hoàn thành 17/19 tiêu chí...
Ông Hồ Tăng Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc cho biết, địa phương đang vào giai đoạn nước rút để được công nhận xã NTM. Vì vậy, xã đang dồn sức huy động, xã hội hóa nguồn lực, ưu tiên ngân sách cho 2 tiêu chí còn lại là chợ và môi trường. Để đạt mục đích, xã chú trọng phát huy nội lực trong dân. Bởi người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng chính từ chương trình.
Theo ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND H. Hòa Vang, cuối năm nay, Hòa Vang phấn đấu trở thành huyện NTM. Để đạt được mục tiêu này, trong 4 tháng còn lại, 5 xã Hòa Sơn, Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Liên và Hòa Bắc cần phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dứt điểm các tiêu chí cơ sở vật chất, trường học và cơ sở hạ tầng giao thông kiệt hẻm, công trình thủy lợi trên địa bàn...
Đặc biệt, công tác tuyên truyền tiếp tục được thực hiện theo chiều sâu, đa dạng về hình thức và đi vào từng tiêu chí cụ thể để nâng cao nhận thức, vai trò của người dân. Do đó, huyện đang tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết lao động theo nhu cầu của địa phương, từng bước giải quyết triệt để lao động nông nhàn, huy động các nguồn lực trong dân để đột phá trong xây dựng diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
An Dương