Khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam: Một thời và mãi mãi

Thứ hai, 04/05/2015 11:15

(Cadn.com.vn) - Khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam tại thôn 3 Tiên Sơn, H. Tiên Phước vừa được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.  Đây là  sự  ghi nhận đáng trân trọng, tự hào cho cán bộ và  nhân dân Tiên Phước nói chung, Tiên Sơn nói riêng, là sự khẳng định vị trí, vai trò lịch sử và tầm quan trọng của căn cứ địa Tiên Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Những cánh đồng cho năng suất cao tại xã Tiên Sơn.

Nằm cách trung tâm huyện lỵ Tiên Phước 16 km về phía Tây Bắc, Tiên Sơn có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Đông giáp xã Tam Phước, H. Phú Ninh; Tây giáp xã Bình Lâm, H. Hiệp Đức; Nam giáp xã Tiên Hà và Tiên Cẩm, H. Tiên Phước; phía Bắc giáp xã Bình Lãnh và Bình Trị, H. Thăng Bình.  Tiên Sơn như  “Hòn đảo nổi”  của Sơn Cẩm Hà - nơi giao nhau của 3 tuyến giao thông chiến lược trọng yếu: đường 534 từ Thăng Bình lên Việt An qua Tiên Sơn, đường 586 từ Quán Rường lên Cẩm Khê (Tam Kỳ) qua Eo Gió (Tiên Cẩm) về Tiên Sơn, đường từ quận lỵ Tiên Phước qua Tiên Châu,Tiên Cẩm đến Tiên Sơn.

Với những đặc điểm đó, Tiên Sơn đã trở thành điểm trọng yếu trong vùng Trung Châu (Sơn–Cẩm–Hà) phía Đông Bắc quận lỵ Tiên Phước, với thế đứng phòng ngự có tầm khống chế cả vùng đồng bằng phía Nam Quảng Nam như Tam Kỳ, Thăng Bình và uy hiếp được các huyện miền núi tiếp giáp như Trà My, Hiệp Đức, Phước Sơn... Chính từ các đặc điểm địa hình ưu việt đó,  trải qua các giai đoạn lịch sử, Tiên Sơn đã trở thành vị trí địa chiến lược mà các thế lực quân sự luôn chọn  làm nơi  đóng căn cứ hoạt động. Từ năm 1935, ta đã chọn Tiên Sơn đóng cơ sở của xứ ủy Trung kỳ với sự hình thành của Lò chén Phú Lâm.

Đến năm 1954, Quốc dân Đảng cũng chọn  vùng Sơn–Cẩm–Hà  để thành lập chiến khu với tên Nam Ngãi Bình Kỳ. Trong kháng chiến chống Mỹ, địch  chọn Tiên Sơn đóng căn cứ tại đồn Núi Ngang với một cơ sở quân sự hiện đại do một trung đội lính Mỹ chốt giữ, và ta cũng chọn Tiên Sơn  làm nơi đứng cho Tỉnh ủy trong suốt một thời gian dài từ 1964 cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng với vai trò là cứ điểm tiền tiêu của Khu ủy V cũng như cả Quân khu V.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và H. Tiên Phước cắt băng khánh thành Nhà bia tưởng niệm và đường vào khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam.

Trong 9 năm chống Pháp, cùng với Tiên Cẩm, Tiên Hà, xã Tiên Sơn đã tạo thành chiến khu vững chắc. Lò chén Phú Lâm ra đời năm 1935 dưới danh nghĩa của một hợp tác sản xuất nhưng thực chất đây là cơ sở kinh tài của xứ ủy Trung Kỳ là địa điểm liên lạc của Tỉnh ủy và Xứ ủy. Tiên Sơn cũng là địa phương mà bọn Quốc dân Đảng đã gây ra những vụ thảm sát man rợ vào năm 1955, nhiều đảng viên trung kiên và người dân vô tội đã bị  đem chôn sống trong các hầm heo. Nhân dân Tiên Sơn cũng chính là những người  đầu tiên  đứng lên đấu tranh và đánh tan một  trung đội Quốc dân đảng, khiến tên cầm đầu phải bỏ mạng.

Từ trong gian khổ đạn bom nhưng nhân dân Tiên Sơn vẫn kiên cường bám đất giữ làng bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, trở thành “đất thánh” của cách mạng Khu V. Cùng với các đơn vị chủ lực, nhân dân Tiên Sơn đã góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch “Vượt sông Tiên giải phóng Sơn – Cẩm – Hà” (25-9-1962) và cuộc chiến đấu chống chiến dịch Bình Châu, Dân Chiến của địch trong những năm 1963 – 1964, tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo vệ căn cứ địa của cách mạng để từ đó tiến công xuống giải phóng đồng bằng các huyện Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Tỉnh ủy Quảng Nam đứng chân hoạt động chỉ đạo cách mạng ở Tiên Sơn là nhờ sự giúp đỡ, che chở đùm bọc của nhân dân. Có biết bao tấm gương anh dũng của người dân như ông Nguyễn Xin (ông già Nghiêm), giữ cờ Đảng trong suốt những năm tháng ác liệt nhất, không rơi vào tay giặc trong xuân Mậu Thân 1968; không ít người dân bị địch xúc tát năm lần, bảy lượt nhưng vẫn tìm đường về với cách mạng.  Ông Hoàng Minh Thắng–nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, người đã từng gắn bó với vùng đất này đã xúc động nói khi về thăm lại chiến khu xưa: “Sống ở nơi này, không sợ lộ bí mật, không bị một ai bắn tin, khai báo với địch, cơ quan vẫn an toàn, an tâm làm việc, chiến đấu. Một nhân dân như vậy thật đáng kính trọng và biết ơn”...

  40 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm hỗ trợ  của Trung ương, của Tỉnh; sự nỗ lực vượt khó của Đảng bộ và nhân dân địa phương, vùng căn cứ địa cách mạng chiến khu xưa Sơn -Cẩm -Hà đã có nhiều đổi thay. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng thay da đổi thịt, đưa Sơn - Cẩm - Hà trở thành những địa phương điển hình trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế xã hội của huyện, đóng góp tích cực vào bước chuyển đi lên của huyện trong nhiều năm qua.

N.K.T