Khúc nhạc mẹ và quê hương

Thứ ba, 05/10/2021 15:42

Trong những ngày con người phải đối diện với những bất an của đại dịch COVID-19, âm nhạc trở thành chiếc cầu kết nối mọi tâm hồn, xoa dịu bớt nỗi lo lắng và cả những niềm đau. Qua nhịp lòng của nhạc sĩ gửi gắm vào trong ca từ, tiết tấu, người nghe tìm ở đó sự tri âm, thấu cảm cùng họ những nỗi niềm; rung ngân cùng họ những vẻ đẹp bình dị đời thường. Lắng nghe nhạc Huỳnh Văn Tấn, người nhạc sĩ của mảnh đất "chưa mưa đà thấm", tâm hồn ta như hòa cùng những giai điệu mượt mà tình quê tình mẹ. Hình ảnh quê hương và mẹ trở thành nốt nhấn trong những ca khúc của một nhạc sĩ trẻ, lặng thầm sáng tác trong hơn hai mươi năm nay.

Tuyển tập ca khúc của Huỳnh Văn Tấn.

Huỳnh Văn Tấn là người con của mảnh đất Đại Lộc (Quảng Nam) nhưng sống và làm việc tại Đà Nẵng. Công việc của anh đang theo đuổi không liên quan đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nhưng người kỹ sư điện tử- viễn thông ấy lại đam mê và âm thầm viết nhạc. Âm nhạc giúp Tấn "tìm được cảm xúc của chính mình, là phương tiện kết nối giao lưu cùng bạn bè mỗi dịp cuối tuần" (phỏng vấn của VTV Danang). Tưởng rằng, âm nhạc chỉ là cuộc chơi với Tấn, nhưng khi lắng nghe những khúc nhạc của anh trên youtube và những sáng tác mới nhất giữa mùa đại dịch, tôi hoàn toàn bất ngờ. Phải chăng dòng sông Vu Gia trữ tình, giàu sắc thái âm nhạc đã nuôi lớn lời thơ, điệu nhạc tình tứ và "nhập hồn" đến như vậy?

Gần 70 ca khúc ra đời giữa những ngày tháng bộn bề với công việc đủ cho thấy sức lao động khá bền cùng tình yêu âm nhạc tha thiết của Huỳnh Văn Tấn. Dòng nhạc quê hương của anh rung động lòng người qua những sáng tác viết về mảnh đất Quảng Nam- Đà Nẵng: "Nhớ về Quảng Nam", "Quảng Nam, nỗi nhớ trong tôi", "Nhớ về Đại Lộc", "Xanh mãi một dòng sông" (phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh), "Đà Nẵng trong tôi"…  Mỗi khúc nhạc Tấn kết cấu như một câu chuyện kể, mang âm hưởng nhạc dân gian xứ Quảng với điệu hò khoan, dân ca liên khu V, bài chòi mộc mạc… Những địa danh, tên núi tên sông đặc trưng cho mỗi vùng đất khéo léo được lồng vào câu hát hóa thành những luyến láy linh hoạt: "Quảng Nam quê tôi những Hòn Kẽm Đá Dừng/ Những bão, những giông, những sóng lớn mạn thuyền/ Vẫn sừng sững hiên ngang/ Như người xứ Quảng quê tôi" (Nhớ về Quảng Nam); "Về với Thanh Khê bên tượng đài Mẹ…/Thành phố nghĩa tình, đất mẹ quê hương/Vọng Hải đài đưa ta về Hoàng Sa…" (Đà Nẵng trong tôi).

Viết về quê hương, khúc nhạc của Huỳnh Văn Tấn vang lên giai điệu tự hào thì khi viết về mẹ, dù là người mẹ của riêng mình hay người mẹ chung của đất nước, âm nhạc của anh chậm rãi và lắng sâu. Hình ảnh người mẹ xuất hiện khá đậm đặc trong những khúc nhạc Huỳnh Văn Tấn kết đúc từ tâm trạng và cảm xúc thực: mẹ anh mất sớm lúc vừa qua tuổi 62 . Chính những rung cảm đầy nuối tiếc ấy nên khúc nhạc của Tấn về mẹ chạm đến trái tim người nghe với "Ơn Sâu", "Khúc ru tìm về", "Mẹ và quê hương", "Khúc ru trầm", "Nhà ngoại tôi bên kia sông". Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Nghệ An: "Cấu trúc ba đoạn của ca khúc "Mẹ và quê hương" không mới nhưng Huỳnh Văn Tấn đã chọn cách thể hiện mới ở sự trở về. Khát vọng trở về ở đoạn kết như một giấc mơ và đây là sự thành công của ca khúc". Giai điệu Tấn viết để tưởng nhớ mẹ gắn với ký ức tuổi thơ mà ai cũng một thời trải qua cùng đồng lúa, nương dâu, tiếng ve, cánh diều, dòng sông…; trong đó khúc nhạc về lời ru giàu sức ngân rung bởi kết tinh từ tình yêu của người con dành cho mẹ: "Lời ru ấy dài theo năm tháng/ Lời ru ấy nhọc nhằn gian khó/ Dõi theo con một lối đi về" (Khúc ru tìm về); "Nhớ mẹ một đời nuôi con khôn lớn/ Nhớ dòng sữa ngọt lành lặn giấc mơ con…" (Khúc ru trầm- thơ Nguyễn Ngọc Hạnh).

Mới đây, tôi được nghe một ca khúc mới toanh Tấn phổ từ bài thơ của Nguyễn Đức Nam. Hình ảnh người mẹ với đôi quang gánh, tảo tần nuôi con qua năm tháng đoạn trường đã được xuất hiện trong nhiều bài hát nhưng Tấn đã đẩy cảm xúc lên ở cuối bản nhạc, khiến lời ca giàu sức ám gợi: "Mẹ ơi/ quên làm sao được/ Đôi quang gánh cùng mẹ tôi- qua bao đoạn trường" (Đôi quang gánh mẹ tôi)…  Có thể nói mẹ và quê hương đã neo đậu thường trực trong âm nhạc tạo nên những ca khúc đi cùng năm tháng. Lắng nghe ca khúc của Tấn, ta hòa với "Tiếng lòng" của những người con đã hy sinh, về bên người mẹ anh hùng Nguyễn Thị Thứ trong ngày đất nước toàn thắng để vỗ về, an ủi những trống vắng, đơn côi...

Đi dọc theo những khúc nhạc kết tinh từ tình yêu sâu nặng đối với quê hương Quảng Nam- Đà Nẵng và mẹ thân yêu, khán thính giả giao hòa cùng những suy tư sâu lắng của ngòi bút trẻ đầy hứa hẹn. Dù phổ nhạc từ thơ của các thi sĩ nổi tiếng hay chính mình tự soạn lời, sản phẩm âm nhạc của Huỳnh Văn Tấn cũng giàu sức lay động bởi đó là điệu hồn của quê hương xứ sở nuôi anh thành người. Khúc nhạc của anh chầm chậm rót vào tâm hồn người nghe những thanh âm đặc trưng của một vùng đất "địa linh nhân kiệt" và luôn xao xuyến trái tim của những người con xa xứ về tình mẹ, tình quê.

Nguyễn Thị Thu Thủy