Khúc xuân ca trở lại
(Cadn.com.vn) - Hơn nửa thế kỷ qua, mỗi khi xuân về, ca khúc "Ly rượu mừng" lại vang lên, nghe rộn ràng, xúc động lòng người. Và hôm nay, một lần nữa, công chúng lại hân hoan đón chào khúc xuân ca nổi tiếng của Phạm Đình Chương khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) vừa chính thức cho phép Phương Nam phim (PNF) phổ biến trên toàn quốc.
![]() |
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương. |
Trong sự chờ đợi của công chúng, lần ra mắt trở lại, ca khúc nổi tiếng này sẽ có mặt trong CD "Ly rượu mừng" xuân Bính Thân 2016 (dự kiến phát hành vào ngày 14-1 tới) do 2 ca sĩ Quang Dũng và Phạm Thu Hà trình bày. Trong sắc hoa tươi thắm, trong dòng người nao nức của những ngày cuối năm, chợt nghe giai điệu quen thuộc "Ngày xuân nâng chén, ta chúc nơi nơi...", lòng lại nao nao, tràn trề niềm hạnh phúc và hy vọng.
Khi nói đến nhạc xuân, chúng ta thường nhắc tới nhạc sĩ Phạm Đình Chương, người được giới hâm mộ mang nợ nhiều nhất mỗi khi xuân về. Những ca khúc Ly rượu mừng, Đón xuân, Xuân tha hương,... của Phạm Đình Chương đã để lại dấu ấn khá đậm trong âm nhạc Việt Nam vào những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Phạm Đình Chương còn gọi là Hoài Bắc, sinh ngày 14-11-1929 tại Bạch Mai, Hà Nội, quê ngoại ở Sơn Tây. Ông là nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc tiền chiến, một tên tuổi lớn trong nền tân nhạc Việt Nam. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, thân phụ của Phạm Đình Chương là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 2 người con trai là Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh, có con gái là ca sĩ Mai Hương. Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long. Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con, trưởng nữ Phạm Thị Quang Thái (ca sĩ Thái Hằng) vợ nhạc sĩ Phạm Duy, con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, con gái út Phạm Thị Băng Thanh (ca sĩ Thái Thanh).
Có thể nói, Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành những ca khúc bất hủ, có sức sống diệu kỳ như: Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền), Đêm nhớ trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê)... Phạm Đình Chương có bản trường ca bất hủ Hội trùng dương viết về ba con sông Việt Nam: sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long. Năm 1955, tại Sài Gòn, theo đề nghị của cụ Trần Văn Ân và nhà văn quá cố Nguyễn Đức Quỳnh, Phạm Đình Chương viết bản nhạc này để đăng trên số Tết báo Đời Mới. Sự xuất hiện những người đẹp trong Ban hợp ca Thăng Long: Thái Thanh, Thái Hằng và Khánh Ngọc trên trang bìa cùng với ca khúc bất hủ "Ly rượu mừng" đã làm cho giai phẩm Xuân Đời Mới lúc bấy giờ "cháy số", phải in thêm mới có đủ số lượng cho bạn đọc hâm mộ.
"Ly rượu mừng" là một nhạc phẩm xuất sắc viết về mùa xuân của dân tộc, được nhiều người biết đến. Với những giai điệu hân hoan xuất thần, cách sử dụng ca từ dân dã, Phạm Đình Chương đã đưa chúng ta về một miền đất tươi sáng, ấm áp và thanh bình:
"Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó
Lời chúc Tết đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của mỗi người Việt Nam khi mùa xuân về trên khắp mọi miền đất nước. Những tầng lớp sĩ, nông, công, thương được ngợi ca trong mùa xuân của dân tộc. Phạm Đình Chương rất giỏi khi biến tấu tất cả những lời chúc trở thành một giai điệu tràn trề yêu thương và nồng thắm:
"...Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui
... Muôn lòng xao xuyến duyên đời...
Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì nước quên thân mình ..."
Chiều 30 tháng Chạp âm lịch, trong từng mái nhà, chúng ta thường ngồi bên mâm cơm cùng với gia đình, thức đến tận nửa đêm để đón giao thừa. Trong tiếng guitar thùng bập bùng, bản nhạc "Ly rượu mừng" được cất lên trong đêm cuối năm. Những bạn bè quen cùng ngồi hát say sưa, hát như chưa hề hát, hát với tất cả tấm lòng yêu thương...
"...Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương
...Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính
...Chúc mẹ hiền dứt u tình
Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới..."
Đường nét của âm điệu (ligne melodique), cách thế hòa âm, tiết điệu và bố cục từ khúc, bản nhạc sang trọng nhưng gần gũi, quý phái nhưng phù hợp với tâm hồn đại chúng. Tiếng gọi như thắm thiết, níu kéo. Cả dân tộc cầu chúc cho đất nước hòa bình, ngày ấy máu xương thôi rơi, ngày ấy quê hương yên vui, ngày ấy anh được về với người mẹ già, với người vợ hiền đang mong đợi... Một mùa xuân thanh bình, hạnh phúc sẽ đến với mọi người Việt Nam:
"...Bạn hỡi, vang lên.
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hòa bình, hòa bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
Đợi anh về trong chén tình đầy vơi ..."
Chúng ta hãy cùng nhấc cao ly rượu mừng cho đất nước thanh bình, tự do, chúc cho quê hương được yên vui, mọi người đều chan hòa niềm hạnh phúc:
"...Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hòa
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng phơi phới..."
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, "Ly rượu mừng" vẫn có một sự sống diệu kỳ và còn nguyên những giá trị nhân bản. Trong âm vang phơi phới và ấm áp của mùa xuân đang về, bản nhạc như thôi thúc, cuốn hút chúng ta vào một ngày mai tươi sáng.
Văn Khoa