Khủng hoảng an ninh nghiêm trọng tại Haiti

Thứ ba, 12/03/2024 13:15
Một số quốc gia đã phải sơ tán nhân viên sứ quán khỏi Haiti trong bối cảnh nước này đang chìm trong bạo lực băng đảng.
Bạo loạn tại thủ đô Port-au-Prince. Ảnh: AFP
Bạo loạn tại thủ đô Port-au-Prince. Ảnh: AFP

Quan ngại về vấn đề an ninh ở Haiti, cùng với Mỹ và Đức, nhiều thành viên của phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) đã rời thủ đô Port-au-Prince của Haiti hôm 10-3 do tình hình an ninh tại quốc gia Caribe này tiếp tục diễn biến xấu. Quân đội Mỹ thông báo đã thực hiện chiến dịch không vận đưa các nhân viên không thiết yếu tại Đại sứ quán Mỹ ở Haiti về nước, đồng thời bổ sung lực lượng Mỹ tới đảm bảo an ninh cho cơ quan này. Trong khi đó, một số thành viên của Đại sứ quán Đức tại Haiti đã được sơ tán đến Cộng hòa Dominica ngày 10-3. Trước đó, quan chức quân sự và dân sự cấp cao của Cộng hòa Dominica đã nhóm họp để điều phối kế hoạch sơ tán các thành viên đại sứ quán và lãnh sự quán của nước này ở Haiti, đồng thời giúp đỡ một số quốc gia khác sơ tán công dân.

Mỹ tiến hành chiến dịch trên trong bối cảnh Haiti vẫn tiếp tục chìm trong bạo lực băng đảng vũ trang, đe dọa lật đổ chính phủ Thủ tướng Haiti Ariel Henry hiện nay và khiến hàng nghìn người phải sơ tán để tìm nơi trú ẩn an toàn. Các băng nhóm vũ trang đang tiếp tục kiểm soát phần lớn thủ đô Port-au-Prince và duy trì làn sóng bạo lực chống lại chính quyền của Thủ tướng Haiti Ariel Henry với yêu cầu ông này phải từ chức. Tình hình an ninh xấu đi nhanh chóng, buộc chính phủ Haiti phải gia hạn thêm 1 tháng tình trạng khẩn cấp ở khu vực thủ đô Port-au-Prince. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Haiti María Isabel Salvador gần đây nêu bật mức độ bạo lực “chưa từng có” và những mối đe dọa nổi lên từ các băng nhóm tội phạm ở đất nước Caribe này.

Bạo lực đã khiến cảng chính của Haiti phải đình chỉ hoạt động, gây khó khăn hơn cho hoạt động cung cấp viện trợ nhân đạo. Điều kiện nhân đạo tại thủ đô Haiti hiện nay vô cùng bấp bênh do các bệnh viện bị tấn công, lương thực thiếu trầm trọng và nhiều cơ sở hạ tầng bị phong tỏa. Người đứng đầu Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Philippe Brancha nhấn mạnh rằng người dân ở thủ đô Haiti sống trong cảnh rất khổ cực và “không có nơi nào để đi”. Theo IOM, 362.000 người, trong đó hơn một nửa là trẻ em đang phải rời bỏ nhà cửa để tìm nơi trú ẩn. Con số này đã tăng 15% kể từ đầu năm nay. Trong khi đó, số tù nhân vượt ngục tại Haiti đến nay vào khoảng 3.800 người. Đại diện của IOM cảnh báo hoạt động chăm sóc sức khỏe tại Haiti bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhân viên y tế và bệnh nhân, bao gồm cả trẻ sơ sinh, phải đi sơ tán. Việc các sân bay quốc tế bị đóng cửa đã làm gián đoạn hoạt động viện trợ vốn rất ít ỏi cho Haiti, khiến người dân nước này đứng trước nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Volker Turk trước đó cũng cảnh báo tình hình hỗn loạn tại Haiti đã trở nên không thể kiểm soát được, hối thúc triển khai khẩn cấp phái đoàn hỗ trợ an ninh đa quốc gia tới Haiti: "Trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an, một lần nữa tôi kêu gọi triển khai khẩn cấp, không chậm trễ Phái bộ Hỗ trợ An ninh Đa quốc gia ở Haiti (MSS), để hỗ trợ Cảnh sát Quốc gia và mang lại những đảm bảo về an ninh cho người dân Haiti, trong điều kiện tuân thủ các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền. Thực tế là, trong bối cảnh hiện nay, không có giải pháp thay thế thực tế nào để bảo vệ sinh mạng người dân. Chúng ta đơn giản là không còn thời gian nữa".

Trong bối cảnh đó, CARICOM, một liên minh của các quốc gia Caribe, đã triệu tập các đặc phái viên từ Mỹ, Pháp, Canada và LHQ tới tham dự cuộc họp trong ngày 11-3 tại Jamaica để thảo luận về tình trạng bạo lực đang hoành hành tại Haiti.

AN BÌNH