Khủng hoảng chính trị bủa vây Sri Lanka

Thứ hai, 29/10/2018 08:25

Ấn Độ đã lần đầu tiên bình luận về tình hình ở Sri Lanka, trong đó hối thúc Sri Lanka đảm bảo tiến trình dân chủ sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng chính trị do Tổng thống Maithripala Sirisena bất ngờ cách chức Thủ tướng Ranil Wickremesinghe.

Một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng đang bủa vây Sri Lanka, một quốc đảo nhỏ ở Ấn Độ Dương, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với những khó khăn về kinh tế.

Các quốc gia đã bày tỏ mối quan ngại và kêu gọi tất cả các bên ở Sri Lanka phải hành động kiềm chế cũng như tôn trọng hiến pháp sau khi Tổng thống Maithripala Sirisena bất ngờ cách chức Thủ tướng Ranil Wickremesinghe. Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 28-10 đưa ra tuyên bố chính thức, trong đó hối thúc Sri Lanka đảm bảo tiến trình dân chủ. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ bình luận về tình hình ở Sri Lanka.

Những người ủng hộ Thủ tướng bị sa thải Wickremesinghe tụ tập bên ngoài phủ thủ tướng trong ngày 28-10, lên án Tổng thống Sirisena và Thủ tướng mới Rajapaksa. Ảnh: AP

Vì sao Thủ tướng Wickremesinghe bị sa thải?

“Cuộc chiến” trên vũ đài chính trị bùng nổ sau khi Tổng thống Sirisena bất ngờ cách chức Thủ tướng Wickremesinghe và chỉ định cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa làm Thủ tướng mới.

Tuy nhiên, ông Wickremesinghe vẫn tỏ ra thách thức và tuyên bố mình có đủ sự ủng hộ trong Quốc hội để tiếp tục tại nhiệm và yêu cầu cơ quan này họp khẩn để chứng minh thế đa số của mình. Một ngày sau đó, Tổng thống Sirisena quyết định đình chỉ Quốc hội cho đến ngày 16-11 nhằm loại trừ bất kỳ chướng ngại vật nào ngăn cản Thủ tướng mới nhậm chức. Động thái này càng làm xoáy sâu tình hình bất ổn chính trị hiện nay ở quốc gia Nam Á này. Theo các quan chức quốc hội, Tổng thống Sirisena đình chỉ mọi cuộc họp của Quốc hội gồm 225 thành viên cho đến ngày 16-11 tới. Vì sao Tổng thống Sirisena quyết liệt trong việc loại bỏ Thủ tướng Wickremesinghe như vậy? AP dẫn lời các chuyên gia cho rằng, thực tế là, căng thẳng giữa Tổng thống Sirisena và Thủ tướng bị cách chức Wickremesinghe đã xảy ra trong thời gian dài, vì ông Sirisena không chấp thuận một số cải cách kinh tế của Thủ tướng Wickremesinghe.

Khó ở “cửa ải” Quốc hội

Tuy nhiên, xem ra, Tổng thống Sirisena vẫn khó vượt qua cửa ải Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Karu Jayasuriya hôm 28-10 đã kêu gọi Tổng thống Sirisena bảo vệ quyền của thủ tướng bị sa thải trong bối cảnh khủng hoảng chính trị tiếp tục nhấn chìm quốc đảo Nam Á này.

Trong động thái thách thức Tổng thống Sirisena, ông Jayasuriya tuyên bố công nhận ông Wickremesinghe là Thủ tướng hợp pháp của nước này. Chủ tịch Quốc hội Jayasuriya khẳng định, đề nghị của ông Wickremesinghe về duy trì an ninh và các đặc quyền của thủ tướng là công bằng, cho đến khi có một ứng cử viên khác có khả năng nhận được sự ủng hộ đa số của Quốc hội. Trong bức thư gửi Tổng thống Sirisena, ông Jayasuriya nói: “Tôi coi đây là một đề nghị dân chủ và công bằng”.

Diễn biến này đẩy cuộc khủng hoảng hiến pháp lần này vào ngõ cụt, nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Wickremesinghe sau khi bị cách chức vẫn nhất quyết cố thủ trong phủ thủ tướng bất chấp việc Tổng thống Sirisena cho rút toàn bộ đội an ninh và xe chính phủ khỏi Phủ Thủ tướng. Các nhà lập pháp đối lập, vốn ủng hộ thủ tướng mới, yêu cầu ông Wickremesinghe rời đi hoặc đối mặt với việc bị trục xuất.

Hàng trăm người ủng hộ Thủ tướng bị sa thải Wickremesinghe tiếp tục tụ tập bên ngoài dinh thự của ông trong ngày 28-10, vẫy cờ và lên án Tổng thống Sirisena và Thủ tướng mới Rajapaksa. Ít nhất 3 người bị thương do đụng độ với lực lượng cảnh sát. Trong khi đó, thủ tướng được chọn thay thế cũng đến chùa ở quận trung tâm Kandy xin phước lành trước khi tiếp nhận nội các mới.

Những diễn biến này cho thấy, quốc đảo Ấn Độ Dương này rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng thấy. Hiện tất cả cảnh sát đang được đặt ở trạng thái báo động khẩn cấp với tình hình căng thẳng tăng cao ở thủ đô Colombo, nhiều binh lính được huy động gần văn phòng Tổng thống và Thủ tướng.

KHẢ ANH