Kiến nghị xây cảng biển Liên Chiểu: Giảm tải cho cảng Tiên Sa

Thứ bảy, 19/03/2016 11:10

(Cadn.com.vn) - Đó là kiến nghị của ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tại buổi làm việc sáng 18-3 với ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GT-VT và đoàn công tác của các Bộ, ngành Trung ương về “Rà soát, cập nhật, điều chỉnh Quy hoạch chi tiết nhóm Cảng biển Trung Trung Bộ (nhóm 3) đến năm 2020, định hướng 2030”.

Theo Công ty CP Tư vấn Xây dựng công trình Hàng hải, dựa trên nội dung biên bản cuộc họp giữa tháng 12-2015 tại Đà Nẵng, Bộ GT-VT đã đề nghị tư vấn cập nhật các thông tin về quy hoạch đô thị, xem xét đánh giá lại quan điểm đầu tư cảng Đà Nẵng theo hướng nâng cấp độ cảng Liên Chiểu thành cảng cửa ngõ quốc tế trong tương lai gần do định hướng phát triển của thành phố vào dịch vụ Logistic. Đồng thời, tạo tính kết nối giao thông thuận lợi của cảng Liên Chiểu với đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi và nhất là việc phát triển các KCN, đô thị phía Tây thành phố. Cùng với đó, theo tính toán của đơn vị tư vấn, hiện nay, cảng Tiên Sa đã đạt 6,7 triệu tấn hàng hóa/năm, trong khi mới có 3 cầu cảng số 1, 2 và 3, cầu cảng số 4, 5 chưa thể đưa vào sử dụng do chậm tiến độ. Cũng theo tính toán của đơn vị tư vấn, với lượng hàng hóa tăng như hiện nay, đến năm 2020, cảng Tiên Sa sẽ đạt 10-15 triệu tấn/năm.

Trước những dự báo có tính khả thi này, dưới góc độ là doanh nghiệp khai thác, ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng cho rằng, hiện nay cảng Tiên Sa đang là cảng tổng hợp (hàng hóa và du lịch). Vì vậy, việc các tàu du lịch vào neo đậu thời gian dài, du khách qua lại dưới những giàn trục cẩu dỡ hàng đã ảnh hưởng đến việc bốc dỡ hàng và mất an toàn khu vực các cầu tàu. Nếu nâng công suất lên 12-15 triệu tấn/năm sẽ xảy ra sự xung đột giữa khai thác du lịch và hàng hóa. Không những vậy, hệ quả tiếp theo là thiếu khu vực hậu cần sau cảng. Đồng quan điểm trên, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GT-VT TP Đà Nẵng cho rằng, việc tăng công suất sẽ đồng nghĩa với việc gia tăng các phương tiện vận chuyển hàng hóa. Ông Trung lo lắng sẽ dẫn đến những xung đột tại các điểm giao thông khi các xe container vận chuyển hàng hóa trong thành phố; tuyến QL14B kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây sẽ quá tải, nhanh xuống cấp và đề nghị đơn vị tư vấn nên có tính toán cẩn thận, kỹ lưỡng.

Việc các loại tàu hàng và tàu du lịch cùng lúc cập cảng Tiên Sa đã gây nên tình trạng quá tải và mất an toàn cho du khách.

Ở tầm nhìn vĩ mô hơn, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, Dự báo cũng chỉ ở mức độ tương đối vì tương lai còn phụ thuộc vào khả năng có đột biến hay không. Ông Tuấn cho rằng, tính toán hàng hóa ở mức 11-12 triệu tấn đến năm 2020 tại cảng Tiên Sa là phù hợp. Tuy nhiên, tư vấn có đưa ra số liệu năm 2030 đạt là 29-30 triệu tấn phải cân nhắc thêm. Ông Tuấn cũng kiến nghị Bộ GT-VT cho xây thêm 1 cầu cảng riêng tại cảng Tiên Sa dành cho tàu khách vì dự báo đến năm 2020-2030 số lượng khách đến Đà Nẵng bằng đường biển sẽ đạt khoảng 215-220 ngàn lượt khách. Không những vậy, hiện nay TP Đà Nẵng đang có chủ trương xây công viên biển đông tại khu vực này nên việc có cầu cảng cho du lịch là cần thiết.

Điều ông Tuấn lo lắng là nếu công suất cảng Tiên Sa tăng lên 15 triệu tấn/năm sẽ ảnh hưởng đến giao thông nội đô, lượng xe chở hàng hóa qua lại nhiều ẩn chứa tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, quan điểm của lãnh đạo thành phố rất mong muốn Bộ GT-VT có nghiên cứu, xem xét nâng cấp độ cảng Liên Chiểu thành cảng quốc tế trước năm 2020 để giảm tải hàng hóa cho cảng Tiên Sa và ủng hộ Đà Nẵng phát triển kinh tế lấy du lịch làm trọng tâm.

Ghi nhận những ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GT-VT cho rằng, cảng Liên Chiểu thuận lợi về độ sâu nhưng hạn chế về mặt bằng, tốn kém thêm đê chắn sóng nhưng cần thiết phát triển để giảm tải cảng Tiên Sa. Thứ Trưởng Nguyễn Văn Công đồng ý sẽ kiến nghị bổ sung cảng Liên Chiểu vào Khu tiềm năng nghiên cứu trước năm 2020 và sẽ tính toán đầu tư sau 2020.

Quang Minh