Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy

Thứ bảy, 22/09/2018 10:51

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH) do Bộ Công an tổ chức ngày 21-9. Thượng tướng Lê Quý Vương- Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị. Tại đầu cầu Đà Nẵng, Đại tá Trần Đình Chung- Phó giám đốc CATP chủ trì.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Sau khi nghe các đại biểu báo cáo về thực trạng cháy nổ giai đoạn 2013-2018, trình bày các tham luận tập trung nghiên cứu, làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong thực tiễn công tác PCCC & CNCH; đưa ra phương hướng, giải pháp tổ chức thực hiện công tác PCCC & CNCH thời gian tới... Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều tiềm ẩn và nguy cơ khó lường về cháy, nổ. Vì vậy, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCCC & CNCH, nhất là Chỉ thị số 47 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC và Quyết định số 1635 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý tập trung tiến hành rà soát những vướng mắc, bất cập trong hành lang pháp lý để đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng về PCCC & CNCH.

Một mặt, thường xuyên tăng cường giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC & CNCH; gắn chặt chẽ phong trào toàn dân tham gia PCCC với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. "Bên cạnh công tác tuyên truyền về PCCC, cần thiết phải nghiên cứu, đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC & CNCH và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC. Tất cả những hành vi vi phạm pháp luật về PCCC phải xử lý nghiêm, và kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn về PCCC. Cùng với đó, tổ chức sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hàng năm cân đối ngân sách để bố trí kinh phí đầu tư cho công tác PCCC & CNCH; định kỳ hàng năm tổ chức tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và CNCH... Giao Bộ Công an phối hợp chính quyền địa phương tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ sở trong thực hiện PCCC & CNCH theo Chương trình mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, PCCC, phòng, chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, nghiên cứu thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực trong công tác PCCC & CNCH để huy động các nguồn lực xã hội, đảm bảo các điều kiện trong lĩnh vực PCCC & CNCH.

Các đại biểu thảo luận bên lề Hội nghị.

Sau các tham luận và phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương yêu cầu các ngành, nhất là lực lượng đảm nhiệm công tác PCCC & CNCH cần rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế, từ đó đưa ra nhiều giải pháp, biện pháp thiết thực, hiệu quả cần tổ chức thực hiện trong thời gian tới, nhất là những nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng. "Mong rằng các bộ, ngành, địa phương, chú trọng là lực lượng nòng cốt Cảnh sát PCCC phải tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa, nhằm hạn chế tiến tới ngăn chặn các vụ cháy. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý đối với công tác quản lý nhà nước về PCCC. Tiến hành ngay công tác kiểm tra cơ bản, nắm thật chắc các cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC. Riêng Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhanh chóng kiện toàn đội Cảnh sát PCCC cấp huyện; đề xuất phân cấp trách nhiệm quản lý, phối hợp giữa Công an cấp huyện với Phòng PCCC thuộc Công an cấp tỉnh bảo đảm thống nhất, phù hợp với thực tiễn bố trí lực lượng hiện nay; đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy, góp phần phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước", Thứ trưởng Lê Quý Vương nói.

CÔNG HẠNH

Theo báo cáo của Bộ Công an, bình quân mỗi năm cả nước xảy ra gần 3.000 vụ cháy, làm chết 81 người, bị thương 198 người, thiệt hại về tài sản ước tính trên 1.500 tỷ đồng. Cũng trong mỗi năm, xảy ra 31 vụ nổ, làm chết 21 người, bị thương 50 người. Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Xây dựng kiểm tra đột xuất nhà chung cư, nhà cao tầng, siêu cao tầng và các cơ sở tập trung đông người có nguy cơ cháy, nổ cao tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua kiểm tra hơn 87.000 lượt cơ sở, đã phát hiện hơn 109.000 tồn tại vi phạm về PCCC, lập 4.360 biên bản xử phạt vi phạm hành chính với tổng số 5.308 lỗi vi phạm về PCCC, trong đó đã tạm đình chỉ hoạt động 1.197 trường hợp, đình chỉ hoạt động 666 trường hợp cơ sở, hạng mục, bộ phận của công trình vi phạm nghiêm trọng.