Kinh tế Đà Nẵng sẽ đột phá như thế nào?

Thứ hai, 24/07/2017 08:15

Nếu xét về qui mô phát triển công nghiệp, Đà Nẵng có vẻ “hụt hơi” so với các tỉnh trong khu vực như Quảng Nam, Khánh Hòa. Tuy nhiên, tăng trưởng ngành dịch vụ của Đà Nẵng rất mạnh mẽ, đóng góp cơ bản vào nguồn thu ngân sách của địa phương.

Từ điều kiện đặc thù, từ xu hướng phát triển chung, có thể khẳng định kinh tế Đà Nẵng đang chuyển dịch theo chiều sâu khá bền vững.

Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng Võ Duy Khương tham quan dự án Btaskee - ứng dụng công nghệ giúp làm việc nhà. Ảnh: XUÂN ĐƯƠNG

Chuyển dịch theo chiều sâu

Không có điều kiện đất đai rộng rãi cũng không ưu tiên thu hút đầu tư vào công nghiệp bằng mọi giá, điều đó dễ hiểu vì sao qui mô công nghiệp Đà Nẵng những năm qua bị đánh giá “hụt hơi” hơn so với một số địa phương lân cận. Tuy nhiên, việc chủ động chậm lại, không có nghĩa là dừng lại, mà để chọn lọc đầu tư, hướng vào công nghiệp công nghệ cao (CNC), đảm bảo yếu tố môi trường bền vững, không mâu thuẫn với phát triển ngành du lịch, dịch vụ. Nói cách khác, công nghiệp Đà Nẵng không phát triển bề rộng, mà chuyển dịch sang chiều sâu, tập trung vào lĩnh vực chủ lực. Số liệu thống kê cho thấy, 6 tháng qua, các lĩnh vực công nghiệp chủ lực của Đà Nẵng tăng trưởng rất cao, như đồ gỗ xây dựng tăng hơn 208%, cấu kiện kim loại tăng 68%, dụng cụ thể thao và đồ chơi trẻ em tăng 45%, thiết bị điện và săm lốp ô-tô tăng hơn 23%...

Để chuyển hướng công nghiệp tăng giá trị hàm lượng công nghệ, đảm bảo môi trường, Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng các khu CNC, khu Công nghệ thông tin tập trung, từng bước thu hút các nhà đầu tư đổ vốn về. 6 tháng qua đã có thêm 2 nhà đầu tư vào khu CNC với tổng vốn 366 tỷ đồng, nâng tổng số 7 nhà đầu tư, tổng vốn 158 triệu USD vào đây. Việc thu hút nhà đầu tư bình thường với ưu đãi đến cạn kiệt như nhiều địa phương khác không quá khó, nhưng thu hút đầu tư vào CNC, tân tiến không hề dễ, kể cả những khu CNC ở Hà Nội, TPHCM. Điều đó cho thấy, số doanh nghiệp đầu tư vào khu CNC Đà Nẵng ngày một tăng lên, là kết quả đáng khích lệ, mở ra nhiều triển vọng. Nói gì đi nữa cả khu vực miền Trung- Tây Nguyên cũng chỉ có 1 khu CNC, con số này cả nước là 3. Ngành công nghiệp CNTT của Đà Nẵng cũng trên đà phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều tập đoàn, công ty lớn về công nghệ, thu hút hơn 10 ngàn nhân lực chất lượng cao. Tính tổng doanh thu ngành thông tin truyền thông 6 tháng qua đạt hơn 9,1 ngàn tỷ đồng, xuất khẩu phần mềm tăng 23%.

Tuy nhiên sự chuyển dịch và tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng là ngành du lịch, dịch vụ. Trong 6 tháng, tổng lượt khách tới Đà Nẵng hơn 3,2 triệu lượt, tăng hơn 33%, trong đó khách quốc tế  hơn 1,2 triệu lượt, tăng trên 72%. Những con số ấn tượng đó đã góp phần nâng tổng thu nhập xã hội từ du lịch lên trên 9,4 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 35%. Điều đáng mừng tăng trưởng của ngành du lịch, dịch vụ là tăng trưởng bền vững, đúng định hướng phát triển của Đà Nẵng và phù hợp xu thế chung hiện nay. Tất nhiên có kết quả này, một phần không thể thiếu là hạ tầng du lịch của Đà Nẵng (dịch vụ lưu trú, thương mại, giao thông, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực du lịch...) đã được đầu tư bài bản, thậm chí đến nay vẫn đang là “điểm nóng” đầu tư về lĩnh vực này.

Quay trở lại bài toán thu ngân sách, nếu trước đây nguồn thu từ đất chiếm tỷ lệ cao thì nay không còn đáng kể trong cơ cấu thu ngân sách của TP. Điều đó minh chứng cho sự chuyển dịch kinh tế Đà Nẵng theo chiều sâu, bền vững hơn. Năm 2016 lần đầu tiên Đà Nẵng đạt nguồn thu ngân sách vượt bậc, hơn 18 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, mới chỉ 6 tháng đầu năm nay, thu ngân sách TP đã đạt hơn 11,5 ngàn tỷ đồng. Trong đó nguồn thu khá bền vững, chủ yếu từ các ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp, viễn thông...

Với hạ tầng được đầu tư bài bản giúp ngành dịch vụ, thương mại của Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ.

Sẽ đột phá hơn nữa

Để tạo ra những đột phá mới cho kinh tế Đà Nẵng, đảm bảo tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, TP đã có lộ trình cụ thể tới năm 2020, trong đó có hàng loạt dự án được coi là động lực phát triển bền vững đã và đang triển khai. Theo ông Trần Văn Sơn- Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng, TP đang tập trung nguồn lực và đào tạo nguồn nhân lực để đảm bảo phát triển các ngành kinh tế mới như công nghệ thông tin, logictics, công nghệ sinh học, y tế, giáo dục chất lượng cao... và tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển mạnh các ngành dịch vụ nhất là du lịch và thương mại. Song song với đó, TP tập trung nguồn lực đầu tư để phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển. Trong đó, nghiên cứu phát triển khu vực vịnh Đà Nẵng gắn kết với cảng Tiên Sa và cảng Liên Chiểu thành một khu đô thị cảng biển để Đà Nẵng thực hiện những bước đột phá trong quá trình hội nhập và trở thành một thành phố có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn về kinh tế biển trong khu vực và quốc tế. Quy hoạch lại khu Âu thuyền Thọ Quang để tránh gây ô nhiễm môi trường và tránh chồng lấn giữa khu đô thị và khu công nghiệp nghề cá để cùng phát triển.

Coi đầu tư hạ tầng là khâu then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế, Đà Nẵng đang tập trung xây dựng nhiều dự án có tính động lực cho phát triển bền vững. Nổi bật có thể kể đến các dự án như đường vành đai phía Nam và phía Tây, Hệ thống xe buýt nhanh BRT,  Nhà máy nước Hòa Liên (200.000m3 ngày/đêm), Cảng Liên Chiểu giai đoạn 1 (đến năm 2020 tổng quy mô 12 triệu tấn), Di dời ga đường sắt, Bệnh viện lão khoa và Bệnh viện Phụ sản -  Nhi giai đoạn 2 (quy mô 1.200 giường), Khu Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn, Khu du lịch Làng Vân và quần thể các khu du lịch nghỉ dưỡng Sơn Trà...

Có thể nói, kinh tế Đà Nẵng đang chuyển dịch theo chiều sâu và bền vững. Với nhiều dự án động lực, kinh tế Đà Nẵng sẽ có nhiều đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai gần.

 HẢI QUỲNH

Trao giải thưởng cho các dự án khởi nghiệp - SURF 2017

Trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng - SURF 2017, chiều 22-7, Ban Tổ chức tiến hành chấm điểm và trao giải thưởng cho các nhóm dự án khởi nghiệp đạt giải với tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng. Cụ thể, 2 nhóm Btaskee - Ứng dụng btaskee là ứng dụng mang lại trải nghiệm hiện đại cho những người có nhu cầu tìm kiếm người giúp việc nhà và nhóm Mojitok - Ứng dụng gợi ý emoticon và sticker khi soạn tin nhắn cùng đoạt giải chung cuộc với 50 triệu đồng tiền mặt, 1 năm sử dụng không gian làm việc tại Flying Fish – Coworking space (trị giá 50 triệu đồng); Nhóm Homecares - Dịch vụ y tế tại nhà đặt qua app/website/call center nhận giải thưởng 1 suất tài trợ tham dự sự kiện khởi nghiệp quốc tế do tập đoàn IBM – ADB tài trợ; Nhóm Ikids - Thành lập trung tâm sáng tạo dạy bé sáng tạo từ những lớp STEM + Art giúp các bé được vui chơi, sáng tạo theo yêu thích của mình được trao tặng 1 vé tham dự sự kiện Women In Tech tại Singapore; Nhóm Zody - xây dựng ứng dụng giúp người dùng được nhận quà tặng (hơn 50 loại khác nhau trên kho quà của Zody) và nhóm Innaway - Website kết nối giữa khách sạn và người du lịch, giúp khách sạn tối đa hóa doanh thu và nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng; giúp khách du lịch  chọn lựa khách sạn có chất lượng và giá phòng phù hợp nhất, rút ngắn thời gian đặt phòng, đều dành 3 vé tham dự sự kiện Hatch! Fair tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2017. Ngoài ra, nhóm Btaskee còn được Hitachi tài trợ 1 gian hàng triển lãm sự kiện Hatch Fair tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2017.

Được biết, tại Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp lớn nhất tại Đà Nẵng 2017 có 10 dự án khởi nghiệp, các nhà đầu tư, doanh nhân, đối tác và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước vào chung kết để chọn ra những dự án đạt giải.                                       

X.ĐƯƠNG