Kinh tế tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua

Thứ ba, 29/12/2015 09:51

(Cadn.com.vn) - Ngày 28-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các tỉnh, thành phố nhằm triển khai Nghị quyết của quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Phát biểu từ đầu cầu TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đề nghị Chính phủ thông qua Nghị định về Đà Nẵng với một số cơ chế ưu đãi đặc thù. Chính phủ cũng cho cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư vào khu Công nghệ cao Đà Nẵng; tiến hành di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố; hỗ trợ xây dựng, kêu gọi đầu tư cảng Liên Chiểu vì tuyến đường nối với cảng Tiên Sa hiện tại đang đi qua trung tâm TP, vài năm tới lưu lượng hàng hóa từ cảng sẽ tăng, tuyến đường này sẽ cắt đôi TP. 

Hụt 3 tỷ USD từ dầu thô

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, kinh tế Việt Nam năm 2015 có nhiều khởi sắc với mức tăng trưởng GDP đạt 6,68% (chỉ tiêu 6,5%), đây là mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 8 năm qua. Bên cạnh đó, lạm phát ít biến động, chỉ số giá tiêu dùng thấp, huy động vốn đầu tư khá... là những dấu hiệu tích cực. Tuy vậy, ông Vinh cũng chỉ ra nhiều yếu kém của nền kinh tế, chẳng hạn xuất khẩu thấp, nợ công tăng, bội chi ngân sách còn cao, sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp còn yếu... Trong đó xuất khẩu thấp, đạt hơn 162 tỷ USD, ước tăng 8,1% là chưa đạt mục tiêu tăng 10% đề ra. Sở dĩ xuất khẩu không đạt chỉ tiêu đề ra vì giá dầu thô, nông sản giảm mạnh. Việc giá dầu thô giảm tới đáy, dao động quanh mức 35USD/thùng khiến kinh tế Việt Nam mất khoảng 3 tỷ USD. Tương tự giá nông sản giảm khiến giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp giảm 2% (chỉ đạt khoảng 30 tỷ USD).

Mặc dù xuất khẩu không đạt chỉ tiêu đề ra, mà nguyên nhân từ giảm giá dầu thô, nông sản, song điều này lại không tác động lớn tới kinh tế vĩ mô, vì thực tế tăng trưởng kinh tế vẫn đạt khá. Theo phân tích, giá dầu thô giảm tác động tới thu ngân sách, song ở khía cạnh khác lại mang tới lợi ích cho nền kinh tế. Thay vì chiếm tỷ trọng khoảng 20% như trước đây, thì thu từ dầu thô hiện chỉ chiếm khoảng 6% trong cơ cấu thu ngân sách. Giá dầu giảm, giúp giá xăng nhập khẩu giảm, giúp chi phí đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất giảm (vì chi phí nhiên liệu chiếm từ 40-50% đầu vào sản xuất).

Về nông sản, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, mặc dù hạn hán gây nhiều khó khăn, song cũng tạo ra những cơ hội. Đơn cử hạn hán ở miền Trung - Tây Nguyên giúp chúng ta chuyển đổi tốt cơ cấu cây trồng phù hợp, chịu được điều kiện thiên nhiên khốc liệt mà vẫn đảm bảo năng suất. Thực tế việc linh hoạt chuyển đổi này giúp cho sản lượng nông sản xuất khẩu vẫn đảm bảo về số lượng, vẫn giữ được các thị trường. Nhiều nước ở Châu Á đang phải đối mặt với hạn hán, không ít nước chịu cảnh mất mùa, vì thế chúng ta phải tranh thủ tăng sản lượng gạo trong vụ mùa tới ở đồng bằng sông Cửu Long để mở rộng thị trường. Một tín hiệu lạc quan là vừa qua chúng ta ký kết hợp đồng dài hạn để cung cấp mỗi năm 200 ngàn tấn gạo cho Timo Laste.

Tăng cường phối hợp bảo đảm ANTT

Thông tin về tình hình ANTT, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ CA cho biết, trong năm 2014, tội phạm chống người thi hành công vụ nói chung và lực lượng CSGT nói riêng diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng, tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng. Năm 2015 đã xảy ra 37 vụ, có 9 cảnh sát bị thương, còn trong 5 năm từ 2011-2015 có 231 vụ chống lại CGST làm 1 cảnh sát hy sinh, 76 người bị thương. Bộ CA đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, tăng mức hình phạt để đảm bảo đủ sức răn đe, phòng ngừa chung; đồng thời tăng thẩm quyền cho những người thi hành công vụ, được sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ để bảo vệ bản thân trong trường hợp bị chống đối... Đại tướng Trần Đại Quang đề nghị tăng cường chỉ đạo lực lượng CA phối hợp với các lực lượng liên quan phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để kịp thời có chủ trương, giải pháp xử lý ngay từ đầu; tăng cường đối thoại với nhân dân, chủ động phát hiện các bức xúc nảy sinh, không để phần tử xấu kích động gây phức tạp, không để tình trạng tụ tập đông người... nhất là dịp Đại hội Đảng toàn quốc và bầu cử Quốc hội khóa tới.

TTXVN

GDP tăng  bao nhiêu là vừa?

Theo dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, chỉ tiêu GDP đề ra cho năm 2016 là 6,7%, xuất khẩu tăng khoảng 10%, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội khoảng 31% GDP, lao động qua đào tạo là 53%...Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  cho biết, chỉ tiêu GDP đặt ra 6,7% trên cơ sở tính toán GDP năm 2015 đạt 6,5%. Tuy nhiên thực tế GDP năm 2015 lại đạt tới 6,68%, vì thế nếu đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2016 là 6,7% có nhẹ nhàng quá không? Lãnh đạo nhiều TP lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng cho rằng phải đặt mục tiêu tăng GDP cao hơn mức 6,7%, bởi thực tế trong năm qua GDP của các địa phương này đều tăng trên 9%. Tuy nhiên, một số địa phương khác lại cho rằng việc giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7% là hợp lý, bởi lẽ tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, giá dầu thô vẫn giảm tận  đáy chưa biết khi nào phục hồi.

Xung quanh 9 nhóm giải pháp mà dự thảo Nghị quyết Chính phủ nêu ra để thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 2016, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng việc cần kíp phải có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng kinh tế, từ cộng đồng kinh tế ASEAN, TPP, các hiệp định thương mại song phương. Để bảo vệ doanh nghiệp, giúp họ có thể tự vệ trong áp lực cạnh tranh khốc liệt, nhất thiết phải có các hỗ trợ, thậm chí cả hàng rào kỹ thuật để chống bán phá giá. Cũng liên quan tới vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết các hiệp định thương mại song phương và đa phương đều được phổ biến rộng rãi, kịp thời tới người dân, doanh nghiệp. Tuy vậy ông cũng cảnh báo, khi mở rộng thị trường xuất khẩu, các cam kết thuế suất về 0% thì DN Việt Nam phải hết sức lưu ý các vấn đề về tiêu chuẩn sức khỏe con người trong hàng hóa. Nếu sản phẩm của chúng ta (từ may mặc, thủy sản, nông sản) mà vướng vào các tiêu chuẩn kỹ thuật như dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, chỉ ở một lô hàng thôi, bị trả lại thì uy tín của hàng hóa Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, chúng ta sẽ không tận dụng được lợi thế kinh tế hội nhập.

GDP tăng vượt kế hoạch nhờ động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp. Ảnh: Văn Thuấn

Trong nhóm giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết để tăng chất lượng khám chữa bệnh từ quý I-2016 sẽ tăng giá dịch vụ công trong y tế đối với đối tượng khám chữa bệnh bằng BHYT. Điều này vừa không ảnh hưởng tới người nghèo, T.Ư sẽ không phải rót tiền chi thường xuyên cho bệnh viện lại đảm bảo giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường. Khi giá dịch vụ y tế công tăng nên nếu người dân không tham gia BHYT sẽ rất thiệt thòi. Hiện tại còn 10 tỉnh có mức độ tham gia BHYT dưới 60% cần phải nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT.

Liên quan tới phát triển bệnh viện vệ tinh (40 tỉnh, thành phố tham gia), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các địa phương phải đẩy mạnh thực hiện mô hình này. Thực tế chứng minh ở nhiều tỉnh, có mô hình bệnh viện vệ tinh, tỷ lệ người tử vong về tim mạch, ung thư giảm rõ rệt. Theo Thủ tướng, mỗi năm trên 90 ngàn người chết vì ung thư, nhưng ở các tỉnh nơi thì có BV ung bướu, nơi có khoa ung bướu, nơi không có gì. Cái này Bộ Y tế phải tính toán. Để giảm tải BV ở tuyến cuối, tuyến T.Ư thì đồng nghĩa phải tăng chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến đầu, tuyến cơ sở, các kỹ thuật cao phải được thực hiện. Các bệnh viện tỉnh phải thành bệnh viện vệ tinh, gắn với BV T.Ư, BV tuyến cuối. Có như vậy, người dân mới không đổ về BV T.Ư, BV tuyến cuối, mới giảm tải được căn cơ và đỡ tốn chi phí đi lại cho người dân.

Dự kiến, hôm nay 29-12, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu kết luận hội nghị quan trọng này.

Hải Quỳnh