Kon Tum trước nguy cơ thiếu bác sĩ ở cơ sở
Thiếu bác sĩ ở tuyến cơ sở
Huyện Kon Rẫy là một trong những địa phương của tỉnh Kon Tum xảy ra tình trạng thiếu bác sĩ nghiêm trọng. Dù chỉ tiêu năm 2023 của địa phương này là có 32 bác sĩ để đảm bảo tối thiểu tỉ lệ 10,5 bác sĩ/10.000 dân, song đến nay, toàn huyện chỉ có 17 bác sĩ. Chính vì không đủ chỉ tiêu, nên việc phân bổ bác sĩ về các Trạm Y tế cơ sở gặp nhiều khó khăn. Đến nay, huyện Kon Rẫy chỉ có 3 trong tổng số 6 Trạm Y tế cấp xã có bác sĩ.
Trạm Y tế xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy có 6 cán bộ; trong đó có 2 y sĩ đa khoa, 2 điều dưỡng và không có bác sĩ. Bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Lập cho biết, trước đây, Trạm có một bác sĩ. Tuy nhiên, do yêu cầu công việc, cộng thêm tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến huyện, nên bác sĩ công tác tại Trạm Y tế xã Tân Lập phải đến làm việc tại Phòng khám Đa khoa khu vực Đăk Rve. Từ tháng 1-2024 đến nay, Trạm Y tế xã Tân Lập đã không còn bác sĩ. “Do không có bác sĩ nên một số trang, thiết bị cần đến chuyên môn của bác sĩ như siêu âm, điện tim, chúng tôi không thực hiện được. Những trường hợp nặng thì Trạm buộc phải chuyển tuyến để bệnh nhân được thực hiện các dịch vụ cao hơn. Nếu có bác sĩ thì những ca bệnh nặng, bệnh nhân sẽ không phải đi lại nhiều. Ngoài ra, một số nguồn thuốc cần phải có bác sĩ thì Trạm mới được sử dụng”- Y sĩ Nguyễn Thị Thanh Tuyền chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Luận - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy cho biết, tính từ năm 2020 đến nay, huyện Kon Rẫy đều không đủ số lượng bác sĩ theo chỉ tiêu biên chế Sở Y tế giao. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhu cầu đào tạo theo địa chỉ và đào tạo theo cử tuyển trên địa bàn huyện những năm gần đây không có. Trong khi đó, các bác sĩ theo học tại các trường đại học sau khi tốt nghiệp lại không có nguyện vọng về làm việc tại tuyến huyện. Bên cạnh đó, một số bác sĩ cũng xin nghỉ việc để thành lập các cơ sở y tế tư nhân. Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, đã có 7 bác sĩ tại huyện Kon Rẫy xin nghỉ việc, nhưng huyện lại không bổ sung được thêm bác sĩ kể từ năm 2020 đến nay. “Thiếu bác sĩ khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc cử bác sĩ đi đào tạo; khó khăn trong việc triển khai thêm một số các dịch vụ để khám, chữa bệnh. Khi thiếu bác sĩ, thì các bác sĩ của huyện không được nghỉ trực theo quy định. Nếu có bác sĩ đi học, đi tập huấn chuyên môn thì lại thiếu đi nhân lực làm việc tại các khoa, phòng. Vì vậy, nếu có bác sĩ đi học, các bác sĩ khác phải chia sẻ công việc, trực 24/24, khám chữa bệnh tại bệnh viện và tại tuyến xã” - bác sĩ Nguyễn Luận cho biết thêm.
Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Chuyên khoa II Trần Ái - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay, toàn tỉnh Kon Tum có 539 bác sĩ, được phân bổ tại tuyến tỉnh là 294 bác sĩ, tuyến huyện 146 bác sĩ và tuyến xã 99 bác sĩ. Với tình trạng bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập nghỉ việc như hiện nay, tỉnh Kon Tum vẫn cần có thêm khoảng 100 bác sĩ để bổ sung, thay thế, đảm bảo tỉ lệ 10,5 – 11 bác sỹ/10.000 dân.
“Công tác tuyển dụng bác sĩ vào làm việc tại tuyến huyện, tuyến xã gặp nhiều khó khăn, không có bác sĩ đa khoa được đào tạo chính quy nộp hồ sơ dự tuyển viên chức. Đơn cử như đợt tuyển dụng viên chức năm 2023, chỉ tiêu tuyển dụng bác sĩ của tỉnh là 108, nhưng lại chỉ tuyển dụng được 23 bác sĩ đa khoa và 6 bác sĩ dự phòng”- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum trăn trở.
Cần có cơ chế đặc thù
Thực tế tại Kon Tum hiện nay, việc tuyển dụng được bác sĩ đến làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS gặp nhiều khó khăn, khi nhiều địa phương không thể tuyển dụng được bác sĩ trong nhiều năm. Chính vì vậy, đội ngũ y tế ở cơ sở thiếu và thậm chí có phần yếu về chuyên môn. Tuy nhiên, việc đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ của các y, bác sĩ tuyến cơ sở lại gặp trở ngại lớn do cơ chế đào tạo. Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho rằng, hiện nay, năng lực của đội ngũ nhân viên y tế tuyến cơ sở của tỉnh Kon Tum vẫn còn nhiều bất cập, thiếu bác sĩ có trình độ chuyên khoa dẫn đến việc triển khai các dịch vụ, kỹ thuật khám, chữa bệnh theo phân tuyến của Bộ Y tế chưa đạt yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, tình hình tài chính của Trung tâm Y tế tuyến huyện còn gặp khó khăn nên việc cử cán bộ đi học tập và chuyển giao kỹ thuật còn nhiều hạn chế.
Bác sĩ Nguyễn Luận - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy phân tích, muốn có bác sĩ đi học các chuyên khoa, dịch vụ khác thì đòi hỏi phải có trình độ sau đại học, mà nguồn nhân lực không có cũng gây khó khăn cho Trung tâm trong việc cử nhân lực đi đào tạo. Khó khăn nữa là không thu hút được thêm bác sĩ, cũng không động viên được các cán bộ đi đào tạo, vì hiện nay Nhà nước không có chính sách hỗ trợ cho các bác sĩ đi học, ngành đặc thù nên chi phí học rất cao. Trung tâm Y tế huyện đã động viên các bác sĩ đi học ngắn hạn, thời gian từ 3 – 6 tháng với các dịch vụ đơn giản, không đòi hỏi chuyên khoa cao thì học tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đối với các Trạm Y tế tuyến xã không có bác sĩ thì Trung tâm Y tế huyện cử bác sĩ xuống định kỳ một lần/tuần để hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh.
Bác sỹ Chuyên khoa II Trần Ái cho biết, ngành Y tế tỉnh đã tham mưu với các cấp có thẩm quyền đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, tạo điều kiện cơ bản cho các bác sĩ để thu hút nguồn nhân lực; tăng cường công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng cho bác sĩ ở tuyến cơ sở. Đặc biệt, phối hợp với Sở GD-ĐT để tìm kiếm nguồn bác sĩ cử tuyển tại chỗ để phục vụ cho bà con vùng sâu, vùng xa.
Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ, bà Y Ngọc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã kiến nghị Chính phủ xem xét, có cơ chế đặc thù để đào tạo bác sĩ tại chỗ, giúp tỉnh khắc phục được tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến cơ sở như hiện nay.
“Nếu không có cơ chế đào tạo bác sĩ là người DTTS, người sinh sống tại chỗ thì khoảng 5 – 10 năm nữa, ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS của tỉnh Kon Tum sẽ không có bác sĩ. Do thời gian đào tạo lâu, nên tại các vùng khó khăn không có ai học ngành Y, còn các sinh viên học Y tại thành phố sau khi ra trường sẽ không về các vùng khó khăn để công tác”- bà Y Ngọc khẳng định.
Dư Toán