Phận sự không của riêng ai

Kỳ 1: Sau một chuyến tham quan

Thứ sáu, 21/06/2024 08:30

Một số người cho là mình tài giỏi đinh ninh rằng, họ biết cách yêu nước, biết cách bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa. Đó là niềm tin xác đáng, là điều trân quý, vô cùng cần thiết. Sẽ không có gì đáng nói, cho đến khi, họ quay sang sỉ vả phần còn lại, tựa hồ như ngoài họ ra, phận sự ấy chẳng còn ai xứng đáng.

Nhóm người thăm Nhà trưng bày Hoàng Sa đội mũ có phù hiệu hải quân VNCH ngày 18-1-2024.
Nhóm người thăm Nhà trưng bày Hoàng Sa đội mũ có phù hiệu hải quân VNCH ngày 18-1-2024.

Ngày 18-1-2024, một nhóm người gồm cả đàn ông, đàn bà đến tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa (đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Họ cùng đội một loại mũ giống nhau, trên mũ có hình giống với phù hiệu của hải quân Việt Nam cộng hòa (VNCH). Họ giăng lên một tấm băng rôn nền đỏ, chữ trắng, nội dung: “50 Hải chiến Hoàng Sa (19-1-1974 – 19-1-2024)” ngay phía trước và phía đối diện nhà trưng bày. Rồi họ tham quan nhà trưng bày, giảng giải một số vấn đề lịch sử.

Tin tức về hoạt động của nhóm người nói trên nhanh chóng được một số báo đài tiếng Việt ở nước ngoài đề cập. Theo tường thuật của Đài tiếng nói Hoa Kỳ - VOA tiếng Việt, trong đoàn có 5 cựu sĩ quan, binh lính VNCH tham gia hải chiến Hoàng Sa năm 1974, 4 người là con em tử sĩ VNCH trong hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

Chúng tôi nhận ra trong đoàn có Kỹ sư Đỗ Thái Bình (có hoạt động trong nhóm “Nhịp cầu Hoàng Sa”, nhóm này có cả ông Trương Huy San, thường gọi là “Osin Huy Đức” vừa bị cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt giữ để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”); bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, con gái của cố Thiếu tá hải quân VNCH Nguyễn Thành Trí. Bên cạnh đó, còn có Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, cựu Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội TP Đà Nẵng.

Trước hết nói về nội dung tấm băng rôn “50 Hải chiến Hoàng Sa (19-1-1974 – 19-1-2024)”, đó là sự kiện xảy ra nửa thế kỷ trước, khi đất nước còn chia cắt, quần đảo Hoàng Sa nằm dưới sự cai quản của chế độ VNCH, bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm. Hải quân VNCH đã chống trả nhưng bại trận. Diễn biến của trận chiến này, Báo Công an TP Đà Nẵng trước đây, nay là Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, đã đăng tải loạt bài dài kỳ của Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, mô tả khá chi tiết. Bài báo viết:

“Lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đã từng đối mặt với những thử thách vô cùng nghiệt ngã, thù trong, giặc ngoài, trăm bề bất lợi. Ấy thế nhưng, trong bất kỳ thử thách nào, ý chí quật cường của những người con đất Việt vẫn luôn tỏa sáng, nhằm bảo vệ tới cùng biên cương bờ cõi, bảo vệ giống nòi trước mọi thế lực xâm lăng. Đó là lẽ sống, là tình yêu, là tiềm thức ẩn chứa bên trong mỗi người dân đất Việt, vượt lên trên ý thức hệ, tôn giáo, dân tộc...

Đúng 40 năm về trước, khi quân và dân cả nước đang thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng để giành lại nền độc lập – tự do cho Tổ quốc, trong điều kiện đất nước đang còn bị chia cắt, một bộ phận những người con nước Việt đã phải đương đầu với quân xâm lược Trung Quốc trong trận Hải chiến Hoàng Sa đầy bi tráng. Bất luận đứng ở góc độ nào, hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau, trận Hải chiến Hoàng Sa tháng 1-1974 luôn là biểu hiện của lòng yêu nước và ý chí độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, những người bên kia chiến tuyến và hậu duệ của họ đang trở về với đất nước Việt Nam thống nhất, từng bước xóa mờ đi ranh giới một thời để chúng ta xây dựng và bảo vệ quê hương; đó chính là nhận thức và hành động đúng đắn của mỗi người con đất Việt – đi theo tiếng gọi của quê hương. Ngày nay, công lý và sự thật từng phút từng giờ trở nên sáng tỏ, người Việt Nam, người Trung Quốc và cộng đồng tiến bộ trên thế giới đều nhìn thấy rõ sự vận động của lịch sử, để cùng nhau kiến tạo những giá trị chân chính phục vụ cho hòa bình, thịnh vượng”. (Trích “Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ Việt Nam. Phần 1: Hải chiến Hoàng Sa”, Báo Công an TP Đà Nẵng, ngày 3/1/2014).

Nhắc lại như vậy để bạn đọc tiện theo dõi, cũng đồng thời tránh trường hợp suy diễn vô căn cứ rằng, báo chí, công luận Việt Nam né tránh vấn đề Hoàng Sa.

Trở lại sự việc, một ngày sau khi nhóm người nói trên đến Nhà trưng bày Hoàng Sa, ngày 19-1-2024, Đài Á Châu tự do - RFA tiếng Việt đăng cuộc trao đổi xung quanh sự kiện hải chiến Hoàng Sa, với sự tham dự của Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn và 2 vị khách mời khác.

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn trước đây công tác tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), sau đó làm việc tại Đại học Phan Châu Trinh (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Tiến sĩ được TP Đà Nẵng tiếp nhận, bổ nhiệm giữ chức Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội TP Đà Nẵng, sau này ông bị kỷ luật. Nguyên nhân ông bị kỷ luật đã được Thành ủy Đà Nẵng công khai là: “Do đã viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên mạng xã hội (facebook), vi phạm Điều 3,4, Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về những điều đảng viên không được làm; vi phạm Quy định 5946- QĐ/TU ngày 13-9-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp”.

Thế nhưng, trong cuộc trao đổi nói trên với đài RFA tiếng Việt, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cho biết, ông là người theo dõi Biển Đông, do có tiếng nói thẳng thắn nên bị gây sức ép, bị khai trừ Đảng và trở thành nhà nghiên cứu độc lập. “Họ tìm mọi cách để gây sức ép đối với tôi, và cuối cùng dẫn đến kết quả ai cũng biết, tôi ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam, ra khỏi cơ quan Nhà nước, trở thành một nhà nghiên cứu độc lập” – Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn nói. Lời của Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn có sự khác biệt đáng kể, nếu không nói là trái ngược hoàn toàn, so với thông tin công khai của Thành ủy Đà Nẵng.

Tiếp theo cuộc trao đổi, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn đề cập đến công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tiến sĩ nói: “Mọi người kể nãy giờ mà quên mất một cái tổ chức rất quan trọng, đó là dự án Đại sử ký Biển Đông của chị luật sư Phạm Thanh Vân ở bên Đức về và chị tổ chức nghiên cứu rất bài bản. Đó là kênh cung cấp tài liệu về học thuật và lịch sử đầy đủ nhất về tranh chấp Biển Đông từ trước đến nay cho giới trẻ tham khảo. Còn các vị giáo sư đại học trong các trường, họ không dám (lên tiếng), một phần họ là Đảng viên, phải nói theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, một phần họ giữ cái ghế của họ, cái ghế đem lại lợi lộc cho họ rất là lớn. Họ không dám đánh đổi. Giống như tôi họ chê rất ngu dốt, đang làm phó viện trưởng mà bị (loại trừ) ra khỏi hệ thống vì dám nói lên một tiếng nói thẳng!”.

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn chắc đã quên mất rằng, không ai khác, chính là TP Đà Nẵng tiếp nhận ông, bố trí nơi ăn chốn ở, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, chu cấp kinh phí, tạo điều kiện nghiên cứu các đề tài khoa học, trong đó có đề tài về Hoàng Sa. Tên tuổi của ông có được cũng một phần nhờ vào tiền thuế của dân, nỗ lực của chính quyền TP Đà Nẵng. Ông chính là cán bộ, đảng viên được thành phố tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nỗ lực đó của chính quyền TP Đà Nẵng là gì, có giống với mô tả của tiến sĩ là “giữ cái ghế của họ” hay không? Cũng xin nói thêm rằng, trước khi Tiến sĩ đến, sau khi Tiến sĩ đi, các cấp ủy đảng, chính quyền vẫn luôn bố trí đủ nguồn lực, con người, lực lượng đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, công cuộc đấu tranh chưa bao giờ gián đoạn cả.

Chúng tôi không dám nhận xét, so sánh dự án Đại sử ký Biển Đông của luật sư Phạm Thanh Vân liệu có thực sự “nhất” như lời Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn mô tả hay không, có vượt qua kho tàng tư liệu của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó có trước hết là Nhà trưng bày Hoàng Sa hay không. Nhưng với Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, có khi nào Tiến sĩ tự hỏi, suốt bao nhiêu năm làm việc cho TP Đà Nẵng, có chức, có quyền, có cả kinh phí..., bản thân đã làm được những gì, mà bây giờ phải ngả mũ trước chị luật sư Phạm Thanh Vân. Khi gặp tình huống ngại ngùng, xấu hổ, người dân xứ Huế thường thốt lên “ôốt dột”. Trong tình huống của mình, mở lời tung hô “người bên Đức về” là “nhất”, Tiến sĩ có thấy “ôốt dột” hay không?

(còn nữa)

Nguyên An – Thanh Tú

Phận sự không của riêng ai

Kỳ 1: Sau một chuyến tham quan

Cơ quan ANĐT thông tin việc khởi tố, bắt tạm giam ông Trương Huy San và Trần Đình Triển

Sáng 8/6 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết, căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố.