Kỳ bí Ngọc Linh (5)

Thứ sáu, 17/04/2015 10:00

* Kỳ cuối: Đề án lớn về cây đặc sản quốc gia

(Cadn.com.vn) - Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND H. Nam Trà My, Quảng Nam thổ lộ: “Tôi rất tâm huyết với dự án phát triển cây sâm Ngọc Linh và ý tưởng phát triển mô hình du lịch sinh thái lên dãy Ngọc Linh”. Tiềm năng đã có sẵn, huyện và tỉnh có dám làm hay không, có quyết tâm làm cho đồng bào Nam Trà My xóa đói, giảm nghèo bền vững, nhanh chóng hay không mà thôi?”.

Ngay từ cuối năm 2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã xây dựng một đề án có tầm quốc gia về việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Cơ sở khoa học để xây dựng đề án này, qua quá trình nghiên cứu của Viện Dược liệu Việt Nam và các nhà khoa học hàng đầu quốc tế,  cây sâm Ngọc Linh còn có tên là sâm Việt Nam, sâm K5, sâm đốt trúc, cây thuốc giấu, có tên khoa học là Panaxvietnamensis Ha et Crush, Araliacea, là loại cây đặc hữu ở vùng núi Ngọc Linh, là cây thuốc quý hiếm của tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và của quốc gia.

Vùng đất Nam Trà My còn nhiều gian khó, muốn thoát nghèo bền vững, nhanh chóng thì cần triển khai có hiệu quả mô hình trồng sâm Ngọc Linh.

Về mặt hóa học, sâm Ngọc Linh  đã phân lập được 52 saponin, trong đó 26 saponin thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật… Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý bậc nhất ở Việt Nam khi các nghiên cứu đã chứng minh nó có một số đặc điểm hơn cả sâm Trường Bạch (Triều Tiên), Tây Dương (Mỹ). Nó quý bởi nó đang sinh sống tự nhiên ở độ cao tuyệt đối hơn 1.500m vùng rừng già hỗn giao nguyên sinh mà tác động của con người gần như không đáng kể. Sâm có tác dụng giúp bệnh nhân cảm thấy ăn ngon, ngủ tốt, tăng thể trọng, tăng thị lực, hoạt động trí lực và thể lực cải thiện tốt; giảm mệt mỏi, chống nhược sức do lao động quá tải và liên tục; gia tăng sức đề kháng cơ thể trong các bệnh lý nhiễm trùng, hiệp lực với một số kháng sinh thông dụng; cải thiện các chỉ số sinh hóa của cơ thể như: tăng dung tích sống, giảm cholesterol huyết, tăng số lượng hồng cầu, hemoglobin và cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và sinh dục.

Nâng cao huyết áp trong các trường hợp hạ huyết áp do suy nhược, nâng cao thể trạng và phục hồi nhanh sau phẫu thuật dạ dày; có tác dụng làm dịu và giảm đau trong viêm họng, giúp bệnh nhân dễ thở và làm long đờm các bệnh lý về phế quản, phổi, ngăn chặn sự tái phát của cơn hen; có tác dụng hiệp lực với các thuốc hạ đường huyết trong điều trị bệnh tiểu đường. Hiện sâm Ngọc Linh được xếp vào một trong 4 loại sâm quý nhất trên thế giới (gồm sâm Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên, Việt Nam).

Một góc rừng thông như vườn cổ tích trên đỉnh Ngọc Linh.

Bên cạnh giá trị bồi bổ, chữa bệnh cho con người, cây sâm có giá trị vô cùng lớn về kinh tế. Chỉ tính 4 nước sản xuất nhân sâm lớn nhất là Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada và Mỹ, thị trường nhân sâm có giá trị ước 2.084 triệu USD. Sau khi dược tính và tác dụng đối với sức khỏe của cây sâm Ngọc Linh được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, trên thị trường tự do giá sâm Ngọc Linh tương đương sâm Triều Tiên, đắt hơn sâm Hàn Quốc nhiều lần.

Theo Dược sĩ Đào Kim Long thì ngay cả người dân Hàn Quốc, Nhật Bản cũng qua Việt Nam tìm cho được sâm Ngọc Linh để chữa bệnh. Trong thời gian qua, việc khai thác mua bán và sử dụng tràn lan chưa có quy định quản lý, bảo vệ cùng các chính sách, giải pháp đầu tư, quy hoạch phát triển khiến 108 vùng sâm của Quảng Nam và Kon Tum dần cạn kiệt, hàng ngàn héc-ta rừng nguyên sinh bị tàn phá nặng nề. Trước nguy cơ tuyệt chủng giống sâm quý, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập vùng cấm quốc gia ở khu vực có sâm tập trung tại 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, đồng thời xếp sâm Ngọc Linh vào danh mục những cây thuốc quý cấm được khai thác buôn bán. Phát triển cây sâm Ngọc Linh thành cây hàng hóa chủ đạo để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại địa bàn trồng sâm là mục tiêu của Đề án khôi phục và phát triển cây sâm Ngọc Linh.

Cây sâm Ngọc Linh đã giúp nhiều bà con ở thôn Tắc Lang, Nam Trà My thoát khỏi đói nghèo.

Nhằm bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu quý hiếm tại các vùng miền, khai thác hiệu quả tiềm năng đặc hữu của từng địa phương trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, trong đó có Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 18-7-2012 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020 (Ban hành theo quyết định này là danh mục các chương trình dự án trọng điểm vùng Tây Nguyên, trong đó phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành cây đặc sản quốc gia). Tại Quảng Nam, UBND tỉnh đã Quyết định số 2117/QĐ-UBND ngày 8-7-2014 về phê duyệt đề cương và dự toán quy hoạch bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn H. Nam Trà My, giai đoạn 2014-2020, với tổng diện tích quy hoạch là 19.000ha tại 7/10 xã; Quyết định số 2821/QĐ-UBND ngày 17-9-2014 về cơ chế khuyến khích, bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014-2020.

Hiện tại vùng phát triển sâm Ngọc Linh đang hình thành các đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh gồm Trại dược liệu Tắc Ngo, thôn 2, Trà Linh do UBND H. Nam Trà My quản lý; Trại Dược liệu Trà Linh do UBND tỉnh quản lý; Trung tâm sâm Ngọc Linh thuộc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắc Tô, Kon Tum quản lý... Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh vẫn ở quy mô nhỏ, số lượng ít, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh đặc hữu vùng sâm. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND H. Nam Trà My cho biết: Trên toàn huyện đã có 70ha đất rừng trồng sâm Ngọc Linh, trong đó UBND tỉnh quản lý 7ha, UBND huyện quản lý 10ha, còn lại là của người dân địa phương tự trồng. Đầu năm 2015 này, UBND huyện đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Sở KH-CN tỉnh khẩn trương xây dựng hồ sơ, thủ tục có văn bản đề nghị Chính phủ, Bộ KH-CN công nhận sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia.

Cùng với quy hoạch vùng sâm trên diện tích 19.000ha, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt dự án với nguồn vốn 9.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước là 3.000 tỷ đồng, kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư cho dự án. Hiệp hội Sâm Nhật Bản cũng đã mời UBND huyện cuối tháng 4-2015 sang trao đổi về định hướng phát triển cây sâm Ngọc Linh. Trong tháng 6-2015 này phải được thông qua trong Nghị quyết HĐND tỉnh, khẩn trương triển khai công tác cho thuê tán rừng trên diện tích đã quy hoạch nêu trên để phát triển vùng trồng sâm.

Trong chuyến đi thực tế, khảo sát, tìm hiểu vùng núi Ngọc Linh này, UBND huyện cũng sẽ có những báo cáo cụ thể với UBND tỉnh, ngành chức năng tỉnh những kết quả đánh giá vùng đất núi Ngọc Linh, nhằm tiếp tục hoàn thiện, triển khai dự án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, xây dựng đề án phát triển dự án du lịch sinh thái Ngọc Linh nhằm phát triển KT-XH, giúp nhân dân thoát nghèo bền vững.

Phóng sự: Hồng Thanh