"Ký giả"-chuyện đời, chuyện nghề
(Cadn.com.vn) - “Ký giả" là cuốn sách tập hợp chân dung từ những nhà báo bậc thầy đến những nhà báo thế hệ đương thời của tác giả Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo biên soạn, do NXB Thanh niên vừa ấn hành. Đặc biệt, bên cạnh các bài viết của tác giả còn kèm theo 40 ký họa chân dung rất sinh động của họa sĩ Hoàng Đặng về 40 ký giả được nhắc trong tập sách. Qua 40 bài viết, với những câu chuyện chân thật và bằng giọng văn súc tích, Phạm Quốc Toàn lần lượt giới thiệu với bạn đọc gặp gỡ, tiếp cận gần gũi hơn với những ký giả vốn là đồng đội, đồng nghiệp của ông trên nhiều lĩnh vực của nghề báo.
Một trong những ký giả đầu tiên được tác giả nhắc đến (Bản lĩnh ký giả), đó là Thiếu tướng Trần Công Mân (Tổng Biên tập Báo QĐND). Theo tác giả, Trần Công Mân là một nhà báo quyết đoán, có chính kiến, có tầm nhìn chiến lược, một cây bút dám đương đầu và chấp nhận hiểm nguy. Câu hỏi thường ngày đầu tiên ông luôn nêu ra với phóng viên là "Có gì mới?". Bài viết không có gì mới về ý, về cách lập luận, diễn giải, trình bày, không đem đến cho bạn đọc thông tin gì mới, ông không bao giờ duyệt đăng. Một chân dung ấn tượng kế tiếp là ký giả Phan Quang (Ngòi bút thông tuệ). Năm nay Phan Quang sắp bước vào tuổi 90, nhưng vẫn minh mẫn, thông tuệ, bút lực dồi dào. Ông vẫn đi-dù chậm trễ hơn trước, vẫn đọc- nghĩ và viết. Với cố nhà báo Hữu Thọ (Học Bác suốt đời), tác giả viết: "Với Hữu Thọ, không say nghề, người làm báo sẽ không đến được với nhân dân, không đến được với người lao động một nắng hai sương trên ruộng đồng, trên các công trường xây dựng. Hữu Thọ rất tâm đắc một điều, đó là đạo làm nghề, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm nghề. Trong cơ chế thị trường, trước bao cám dỗ vật chất, đòi hỏi nhà báo phải mắt sáng, lòng trong, bút sắc".
Với phái nữ, Phạm Quốc Toàn qua bài viết Vượt lên chính mình đã nhắc về nhiều nữ "tướng" Tổng Biên tập như: Nguyễn Thị Bạch Vân (Ấp Bắc - Tiền Giang), Lê Minh Khanh (Trà Vinh), Huỳnh Ngọc Minh (Kiên Giang), Ngô Hồng Đào (Hậu Giang)...Phần lớn, họ là những người viết báo giỏi, quản lý cơ quan báo chí hay, làm kinh tế báo chí cừ khôi, đảm việc nhà, lo tròn việc nước.
Đặc biệt, trong Ký giả, Phạm Quốc Toàn dành cho đồng nghiệp và những người bạn học một thời những trang viết có phần bay bổng, phóng khoáng hơn. Đó là những chân dung nhà báo từng khoác áo lính như: Trần Quang Huy "Đã trả xong cái món nợ đời"; Hồ Quang Lợi với "Mắt nhìn và chuyện tình bế em qua suối"; Trần Thế Tuyển với "Viết về đồng đội, món nợ không bao giờ trả hết"; Hồng Phương với "Nối nghề, nối bạn"; Trương Quang Châu với "Giấc mơ trang trại"... Dù vậy, sau khi hoàn thành tập sách, tác giả vẫn còn không ít băn khoăn: "Đam mê theo đuổi nghề báo gần trọn cuộc đời, tôi có hàng trăm-và nhiều hơn thế những người anh chị, những đồng nghiệp, bạn cùng nghề quý mến. Trong tập sách, tôi chỉ mới phác họa được chân dung của một số đồng nghiệp theo cảm nhận của riêng mình, vẫn còn rất nhiều bạn bè đồng nghiệp thân quý chưa xuất hiện trong cuốn sách này".
Trần Trung Sáng
Nhà báo Phạm Quốc Toàn quê H. Hương Khê, Hà Tĩnh. Ông có hơn 40 năm viết báo và quản lý báo chí, trong đó ông có hơn 30 năm làm Tổng biên tập 3 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Các tác phẩm đã in: Tản mạn về Đời, Đời và Nghê (NXB Văn học - 2012-2013); Đi một ngày đàng, Tôi nói bằng mồm (NXB Hội Nhà văn - 2014); Xứ sở Chùa Vàng (NXB Văn hóa - Văn nghệ - 2015) đến Ký giả (NXB Thanh niên - 2015)... |