Kỳ họp Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng sắp tới sẽ bàn gì?

Thứ năm, 02/07/2020 09:22

Trong phiên họp thường kỳ sáng 1-7, HĐND TP Đà Nẵng đã thống nhất 19 nội dung đưa ra tại kỳ họp ngày 6-7 tới.

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại phiên họp.

Điểm nóng môi trường vẫn “nóng”

Trong số đó có một số nội dung nổi bật như Tờ trình về việc hỗ trợ 100% học phí cho học sinh toàn TP với tổng kinh phí 38 tỷ đồng trong 4 tháng học kỳ 1 năm học 2020-2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tờ trình về chủ trương đầu tư 8 dự án nhóm B. Cụ thể gồm Dự án Cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước mưa trên địa bàn quận Thanh Khê và Liên Chiểu, Dự án Xây dựng Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân (giai đoạn 3), Dự án Tuyến ống thu gom nước thải đường 2/9 (đoạn từ đường Phan Thành Tài đến đường Thăng Long), Dự án xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng và các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn cho lưu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến giáp tỉnh Quảng Nam, Dự án Hoàn thiện tuyến đường gom dọc hai bên đường tránh Nam hầm Hải Vân (đoạn Hòa Liên đến Túy Loan). Bên cạnh đó, tại kỳ họp cũng đưa ra một số nội dung nổi bật khác để thảo luận, thông qua, như Báo cáo về Chủ trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19; Báo cáo về phương án phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025...

Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND TP cũng trao đổi xung quanh kiến nghị các vấn đề giám sát của HĐND TP, nổi bật như tiến độ thực hiện các dự án khu, cụm công nghiệp mới. Theo đó, TP đang đẩy nhanh thủ tục lựa chọn nhà đầu tư vào các KCN (Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Cầm giai đoạn 2) trong quý 3 năm nay, hoàn thành Cụm công nghiệp Hòa Cầm trong năm 2020, hoàn thành các Cụm công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc theo đúng tiến độ cam kết.

Liên quan tới xử lý điểm nóng ô nhiễm môi trường tại âu thuyền, cảng cá Thọ Quang, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng cho biết, TP đã lập đề án tiếp cận giải quyết vấn đề của âu thuyền Thọ Quang trong 5 năm tới. Bởi lẽ với mặt nước 50 ha, đất liền 4 ha, mỗi ngày có 500 tàu đậu trong âu thuyền, mỗi tàu như một ngôi nhà. Cả âu thuyền không có 1 khu vệ sinh, như vậy rác thải xả đi đâu. Chưa kể rác từ cảng cá, từ khu chế biến, từ khu dân cư, âu thuyền trở thành khu vực ô nhiễm tổng hợp. Hiện lớp bùn dưới đáy âu thuyền với mặt nước 50 ha qua khảo sát lên tới 1m, việc nạo vét, xử lý từ năm 2012 tới giờ chưa xong. Về quan điểm xã hội hóa BQL âu thuyền Thọ Quang, ông Hùng cho biết mặt tích cực đã thấy, xong chắc chắn giá tính cho tàu bè vào sẽ cao, nếu tính đúng, tính đủ rất khó khăn cho ngư dân trong quá trình vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho biết, mức độ cải thiện vệ sinh môi trường ở âu thuyền có mặt tích cực song còn nhiều mặt hạn chế. Hiện nay năng lực quản lý của BQL âu thuyền trong phối hợp với các ban ngành khác chưa đáp ứng được yêu cầu từ vệ sinh môi trường, an ninh trật tự. BQL chưa có giải pháp quản lý tốt xả thải từ các tàu xuống âu thuyền. “Đơn cử chỉ cần lắp camera độ phân giải cao, phát hiện xả thải xuống âu thuyền thì tàu bè vừa ra cửa sẽ bị biên phòng chặn lại xử phạt. Việc đó sẽ giúp kiểm soát chặt tình trạng xả thải từ các tàu xuống âu thuyền xong không thấy ai đề xuất”- ông Thơ nói.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung thông qua một số nội dung sẽ trình tại kỳ họp HĐND ngày 6-7 tới. 

Giám sát các cao ốc

Cũng trong sáng 1-7, Thường trực HĐND TP đã có phiên giải trình nội dung giám sát chuyên đề  về công tác qui hoạch, đầu tư, quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn TP. Theo đó, Sở Văn hóa Thể thao đã đề xuất HĐND Quyết định danh mục các công trình trọng điểm đề xuất đầu tư và kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Cụ thể gồm công trình Cải tạo, nâng cấp Bể bơi thành tích cao; Nhà tập võ Taekwondo gắn với cải tạo cảnh quan và đầu tư công trình nhà ở vận động viên và các sân thể thao ngoài trời tại khu vực đường 2 Tháng 9; Đầu tư hoàn thiện các hạng mục còn lại trong Khu Liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân từ nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa. Bên cạnh đó, Sở VHTT cũng kiến nghị HĐND TP thông qua danh mục các công trình văn hóa, thể thao, giải trí xứng tầm với vị thế thành phố do UBND TP đề xuất.

Giải trình liên quan tới các công trình nhà cao tầng trên địa bàn, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, từ năm 2016 đến nay Sở đã cấp phép 372 hồ sơ nhà cao tầng (9 tầng trở lên). Trong đó, Sở tập trung rà soát 15 công trình cao tầng qui mô lớn, nổi bật như khách sạn Marriott, Tổ hợp căn hộ Soleil Ánh Dương... để đánh giá về mặt tổ chức, không gian kiến trúc cảnh quan. Giám đốc Sở Xây dựng Lê Tùng Lâm cho biết, với công trình Soleil Ánh Dương có vị trí đặc biệt, giao giữa 2 trục đường lớn thuận lợi giao thông công cộng đa chiều, hướng ra quảng trường biển có tầm nhìn thoát rộng, do đó TP phê duyệt quy hoạch 1/500 với 4 khối công trình cao từ 50-57 tầng. Tại vị trí này đơn vị tư vấn Surbana Jurong cũng đã đề xuất là cụm điểm nhấn kiến trúc trong đồ án quy hoạch chung TP tới năm 2030, tầm nhìn 2045.

Với công trình Marriott, vị trí dự án có giá trị về mặt kinh tế, TP phê duyệt quy hoạch 1/500 từ năm 2011 là công trình cao tầng. Thời điểm này TP chưa có công trình cao tầng nên khuyến khích xây cao, hơn nữa các công trình ven sông có tầm nhìn thoát về phía sông, chủ đầu tư cũng đã thuê đơn vị tư vấn nước ngoài là Công ty Salvador Perez Arrozo thiết kế phương án kiến trúc đảm bảo về thẩm mỹ. Với tổ hợp khách sạn, căn hộ Marriott tại 58-Bạch Đằng, quy mô 5 tầng hầm, 45 tầng nổi, chiều cao 150m; căn hộ khách sạn Katsutishi Grand House số 2- Nguyễn Thị Minh Khai, 2 tầng hầm, 20 tầng nổi... đều đảm bảo về mặt tổ chức, không gian kiến trúc.

HẢI QUỲNH