Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người

Thứ bảy, 21/11/2015 07:52

(Cadn.com.vn) - Chiều 20-11, Quốc hội thảo luận dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Các đại biểu cho rằng, dự án Luật phải cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như quan điểm, chủ trương của Đảng về tôn giáo và công tác tôn giáo, đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành; bảo đảm phù hợp hơn nữa với các Điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

Đề nghị công nhận chính thức các tổ chức Thừa phát lại

Thảo luận về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại  theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại, nhiều đại biểu tán thành với nhiều nội dung đã được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội. Kết quả triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại khẳng định Nghị quyết số 36/2012/QH13 đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Chủ trương của Đảng về thí điểm Thừa phát lại được thể chế hóa và kiểm nghiệm trên thực tế, đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận. Kết quả hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại đã bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, góp phần ổn định các quan hệ xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, từ đó góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.

Về phạm vi hành nghề của Thừa phát lại, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh và nhiều ý kiến khác tán thành với việc cho phép Thừa phát lại được tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án, văn bản về thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của người được thi hành án, người phải thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự; đề nghị Thừa phát lại không tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của người được thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Đại biểu thảo luận tại hội trường, sáng 20-11.

Luật đã có nhiều đổi mới, tiến bộ

Các đại biểu cho rằng so với pháp luật hiện hành, dự thảo Luật đã có nhiều đổi mới, tiến bộ hơn, bảo đảm các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đều không đồng tình với quy định một tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo khi đã hoạt động ổn định trong 10 năm. Các đại biểu cho rằng quy định như vậy là không có cơ sở khoa học, chưa coi tổ chức tôn giáo bình đẳng với các tổ chức xã hội khác. Theo đại biểu Khúc Thị Duyền, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, quy định như vậy chưa phù hợp, có thể khiến các tổ chức tôn giáo chưa được bình đẳng với các tổ chức xã hội khác, đôi khi bị hạn chế quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.

* Ngày 20-11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Kế toán (sửa đổi); Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân gồm 10 chương, 91 điều, quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát. Luật kế toán (sửa đổi) có 6 Chương 74 Điều, quy định về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, quản lý Nhà nước về kế toán và tổ chức nghề nghiệp về kế toán.

Đại biểu đề nghị làm rõ hơn cơ sở nào xác định thời gian là 10 năm, phân biệt rõ hơn tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận với tổ chức tôn giáo được cấp đăng ký hoạt động khác nhau chỗ nào, sự khác nhau về vị trí pháp lý và cơ chế quản lý hai tổ chức tôn giáo trên để tránh sự lợi dụng tôn giáo. Luật cần quy định rõ tiêu chuẩn thế nào được đăng ký hoạt động tôn giáo, như thế nào được công nhận là tổ chức tôn giáo, có gì khác nhau, đăng ký hoạt động rồi mới công nhận có đảm bảo không - đại biểu Khúc Thị Duyền đặt vấn đề. Còn Thượng tọa Thích Thanh Quyết đề nghị thời gian không nhất thiết phải 10 năm như dự thảo Luật mà chỉ cần đầy đủ các yêu cầu là được công nhận.

Quản lý Nhà nước về tôn giáo vẫn nặng nề

Các đại biểu cho rằng cần hạn chế đến mức thấp nhất việc can thiệp hành chính vào hoạt động nội bộ của các tổ chức tôn giáo. Đại biểu Lê Văn Tân cho rằng với những tổ chức tôn giáo đã được công nhận nên để tổ chức tôn giáo đó được quyết định những vấn đề thuộc về hoạt động tôn giáo thuần túy như thành lập, chia tách, sáp nhập tổ chức tôn giáo trực thuộc, phong phẩm, phong chức...

Cũng theo đại biểu Lê Văn Tân, việc thực hiện các giáo lý, giáo luật, các hoạt động sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ là một phần không thể thiếu. Để tạo điều kiện hoạt động, các tôn giáo thực hiện chia tách, sáp nhập đây là công việc nội bộ của các tôn giáo, thể hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.

Theo đại biểu - Linh mục Lê Ngọc Hoàn, những quy định của dự thảo Luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng tôn giáo còn nặng nề, mang tính hành chính, nhiều điều thể hiện quan hệ xin-cho. Nếu đã quy định xin - cho thì xin có thể cho hoặc không cho. Như vậy không thể hiện rõ quan điểm tốt đẹp của Đảng, Nhà nước ta là tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, mặt khác cũng tạo ra khả năng ai đó, cấp nào đó có thể lạm quyền trong việc giải quyết quan hệ xin – cho.

Coi trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Đại biểu cũng ghi nhận việc dự thảo Luật đã bổ sung các quy định liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù và các hình thức quản chế khác nhằm làm rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của “mọi người” theo quy định của Hiến pháp 2013; mở rộng quyền và cơ chế bảo đảm cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được sinh hoạt và hoạt động tôn giáo tại Việt Nam như đối với người Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng nội dung về tín ngưỡng trong dự thảo Luật còn đơn giản, sơ sài, chưa bao quát được đầy đủ hoạt động tín ngưỡng đang diễn ra một cách đa dạng và phức tạp như  hiện nay.

Hòa thượng Thạch Huôn, Linh mục Lê Ngọc Hoàn cũng như các đại biểu Võ Thị Dung, Lê Đắc Lâm, Nguyễn Lâm Thành đều chung quan điểm dự thảo Luật có đến 10 Chương nhưng chỉ có một Chương với 6 Điều quy định về tín ngưỡng là chưa đầy đủ, mất cân đối, nặng về tôn giáo, nhẹ về tín ngưỡng. Cần nghiên cứu bổ sung nội dung về tín ngưỡng, điều chỉnh bố cục dự thảo khắc phục sự mất cân đối về số Chương. Đặc biệt, đại biểu Lê Đắc Lâm và Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đều nhấn mạnh đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chưa được đề cập trong dự thảo Luật.

Dự thảo Luật cần thể hiện rõ tinh thần đoàn kết giữa các tôn giáo, phát huy vai trò tôn giáo trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, giữ gìn và phát huy truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh và nhớ ơn những người có công với Tổ quốc, dân tộc và nhân dân, tôn trọng tín ngưỡng, truyền thống của đồng bào các dân tộc và người có đạo. Thông qua đó tăng cường sự đồng thuận giữa người có tín ngưỡng, tôn giáo với người không có tín ngưỡng, tôn giáo – Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm phát biểu.

* Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thu Thủy - TTXVN