Kỳ họp thứ 3, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX: Siết quản lý chất lượng các công trình, quyết tâm đẩy lùi tội phạm

Thứ năm, 08/12/2016 10:28

(Cadn.com.vn) - Ngày 7-12 là ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ ba HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, buổi sáng các đại biểu thảo luận tại hội trường, buổi chiều thực hiện phiên chất vấn. Theo đó, nhiều vấn đề tồn tại đang đặt ra với TP, được dư luận quan tâm đã được các đại biểu thẳng thắn đề cập, đưa ra các giải pháp khắc phục.

Lo ùn tắc giao thông

Phát biểu mở đầu phần thảo luận chung vào buổi sáng 7-12, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Xuân Anh đã gợi ý một số nhóm vấn đề nổi bật để các đại biểu tập trung thảo luận, như các giải pháp để phát triển ngành công nghiệp - dịch vụ, chống thất thu thuế; công tác quản lý khai thác khoáng sản, xây dựng cơ bản; giải pháp chống ùn tắc giao thông, ngập úng, an toàn thực phẩm... Theo ĐB Võ Văn Thương, TP muốn phát triển bền vững phải có chiến lược phát triển công nghiệp, đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, đây là nguồn nhân tố mới rất quan trọng. Thực tế đã chứng minh, công nghiệp không chỉ giải quyết công ăn việc làm, mà đóng góp rất lớn vào ngân sách TP. Cụ thể hơn về giải pháp phát triển công nghiệp, ĐB Nguyễn Đức Trị cho rằng, TP cần rà soát lại đất trống trong các khu công nghiệp (KCN), loại bỏ các DN không đầu tư sản xuất, chỉ giữ để chiếm đất, tạo điều kiện cho các DN có nhu cầu thực sự được thuê đất KCN. Với các KCN sẽ triển khai sắp tới, TP phải chú trọng đặc biệt đến đầu tư hạ tầng xử lý nước thải, tránh lập lại vết xe đổ của các KCN trước. Có như vậy, DN khi đầu tư vào mới thực sự yên tâm.

Về khu liên hiệp xử lý rác thải rắn dự kiến xây dựng ở Hòa Nhơn, ĐB Nguyễn Thành Tiến đặt vấn đề, khoảng cách tới sông Túy Loan 3,4km, tới nhà máy nước Cầu Đỏ 8 km, nếu quyết xây dựng, khả năng ô nhiễm rất cao. Ở Nhật, khu xử lý rác thải họ cũng đặt trong lòng TP, nhưng công nghệ xử lý của họ hiện đại nên rất yên tâm về môi trường. Còn ở TP, để không gây ô nhiễm phải đầu tư công nghệ cao, kéo theo giá thành xử lý rác lớn, trong khi thu nhập của người dân chưa cao, liệu có đủ chi phí để trả không? Chưa kể, nếu xây dựng ở Hòa Nhơn sẽ phải đóng cửa 5 mỏ đất, đá, TP đã có tính toán đến biến động giá vật liệu và nguồn thu thuế chưa?

Hiện nay, đô thị Đà Nẵng đang phải đối mặt với nguy cơ ùn tắc giao thông rất cao. ĐB Tô Văn Hùng cho biết, Đà Nẵng hiện có hơn 860 ngàn phương tiện giao thông, hơn 65 ngàn ô-tô, mật độ 960 phương tiện/1km, trong tương lai dân số sẽ tăng 1,5-2 lần. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông của TP thiếu đồng bộ. Trong số hơn 8,3 ngàn nút giao thông nhưng chỉ có 2 nút giao thông khác mức, khoảng cách giữa các nút giao thông dưới 200m, trong khi tối thiểu cũng phải được 700m. Những số liệu đó cho thấy, nguy cơ ùn tắc giao thông rất cao. Để khắc phục tình trạng này, ông Hùng đề xuất TP cần tăng cường giao thông 1 chiều, cải tạo các nút giao thông, kêu gọi đầu tư bãi đỗ xe công cộng, tập trung phát triển giao thông công cộng đi liền với hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, sớm triển khai xây dựng hệ thống giao thông ngầm...

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Xuân Anh phát biểu cuối buổi thảo luận.

Phân cấp, phân quyền triệt để

Xung quanh nội dung phân cấp, phân quyền, ĐB Lê Minh Trung cho biết TP phải đẩy mạnh hơn nữa, người đứng đầu địa phương phải được giao quyền gắn liền với trách nhiệm. Có chức phải có quyền phải đi liền với trách nhiệm tránh tình trạng khi có thành tích thì là của cá nhân, khi có khuyết điểm, sai phạm thì chạy lòng vòng không truy được trách nhiệm của ai. ĐB Trung ví von, phải xem phân cấp quản lý và trách nhiệm của các cấp như đá bóng chuyên nghiệp chứ không phải đá bóng đường phố, hứng thì anh chạy vào, không hứng thì anh chạy ra, rất lộn xộn. Trong đó, phải xem thành phố là trọng tài, sở ban ngành là huấn luyện viên và quận huyện là cầu thủ. Cầu thủ, huấn luyện viên sai thì rút thẻ vàng, thậm chí tước quyền thi đấu. Cũng theo ĐB Trung, quận huyện là cấp thực thi, người đứng đầu quận huyện cần được giao thực quyền, có chủ trương rồi thì cứ thế thực thi và chịu trách nhiệm, tránh tình trạng phải xin ý kiến quá nhiều, văn bản cứ lòng vòng.

Thảo luận về quản lý đô thị, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Xuân Anh nhìn nhận, nếu TP không tính toán, có giải pháp phù hợp sẽ ùn tắc giao thông. Vừa rồi TP đã triển khai một số giải pháp, gần như điều chỉnh tất cả các nút giao thông chính, làm hầm chui, giảm phương tiện cá nhân. Ở Trung Quốc việc giảm phương tiện cá nhân họ làm rất tốt, giờ gần như không còn xe máy. Gia đình nào muốn mua xe phải đấu thầu, quay số, trúng số thì mới được mua. Xung quanh tệ nạn và tội phạm ma túy đang diễn biến phức tạp ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng giải pháp không thiếu, phương tiện đảm bảo, vấn đề còn lại là quyết tâm. Năm 2017, CATP phải tuyên chiến mạnh mẽ, phải có giải pháp hữu hiệu, ở đâu không biết, riêng ở Đà Nẵng thì ANTT phải tốt nhất. Ở những phường phức tạp nhất về tội phạm, dứt khoát phải đưa những trưởng CAP giỏi nhất về, quận nào phức tạp về tội phạm thì trưởng CAQ dứt khoát phải đưa những người ưu tú nhất.

 Đại tá Lê Văn Tam - Giám đốc CATP trả lời chất vấn.

Siết quản lý chất lượng xây dựng các công trình

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra vào buổi chiều, các ĐB tập trung chất vấn 2 nhóm vấn đề là quản lý đô thị và ANTT. Các ĐB Tô Văn Hùng, Nguyễn Thị Thu Hà, Lê Thị Thanh Minh, Lương Nguyễn Minh Triết... chất vấn về các nội dung: Nhất thiết phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi cấp phép xây các dự án vì hiện nay một số dự án khi xây dựng đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường; các khu nhà ở xã hội, các chung cư Hòa Minh, Thuận Phước, làng cá nại Hiên Đông, Mân Quang hiện đã xuống cấp trầm trọng, giải pháp nào để quản lý, sửa chữa; việc mở các lối xuống biển cho nhân dân các phường ven biển thuộc Q. Ngũ Hành Sơn; biện pháp xử lý các công trình cao tầng xây dựng gây sụt lún nhà dân... Trả lời câu hỏi của ĐB, Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng cho biết: Không phải dự án nào cũng phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chỉ những dự án lớn có ảnh hưởng đến môi trường, ở khu đông dân cư... yêu cầu này mới là bắt buộc, trước khi cấp phép phải có thẩm định thiết kế cơ sở, khi thi công phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

Đối với các khu chung cư xuống cấp, thấm dột, ông Vũ Quang Hùng cho biết đầu năm 2017, thành phố sẽ tổng kiểm tra, rà soát các khu chung cư, nhất là về chất lượng, sau đó sẽ phân loại để xử lý, những khu quá hư hỏng, xuống cấp sẽ dỡ bỏ. Ông Vũ Quang Hùng cho biết  đã dự kiến mở 5 lối xuống biển cho nhân dân nhưng hiện mới ở giai đoạn tiền quy hoạch, khi nào các dự án thi công xong sẽ triển khai xây dựng đường, bên cạnh đó đang khó khăn về nguồn vốn xã hội hóa để làm đường. Đối với một số dự án cao tầng gây sụt lún, nứt  nhà dân xung quanh  như công trình số 65 đường Hải Phòng, số 16-Lý Thường Kiệt, đường Thái Phiên... khi có vết nứt đầu tiên phải dừng dự án, phường sẽ phối hợp với chủ đầu tư phải gặp gỡ, thỏa thuận với các chủ lân cận bị  ảnh hưởng để thỏa thuận việc bồi thường. Hiện nay, một số chủ đầu tư tại các  công trình đường Hải Phòng, Lý Thường Kiệt đã  thực hiện việc bồi thường cho một số hộ dân bị ảnh hưởng, số còn lại đang tiếp tục giải quyết.

Phát biểu về nội dung trên, chủ tọa kỳ họp Nguyễn Xuân Anh nêu quan điểm: Nguyên tắc làm hỏng nhà dân thì phải đền bù. Ông Nguyễn Xuân Anh cũng lo lắng về chất lượng các công trình xây dựng hiện rất kém, chỉ vài ba năm đã bắt đầu hư hỏng trong khi các công trình ở nước ngoài có tuổi thọ đến hàng trăm năm. Ông đề nghị lãnh đạo Sở Xây dựng phải siết chặt quản lý chất lượng các công trình, nhà thầu nào kém chất lượng, lôm côm thì lập danh sách và cấm hẳn, không cho đấu thầu công trình “ Làm công trình thì đương nhiên phải có lời nhưng lời ở mức độ nào, không thể đặt lợi nhuận lên trên chất lượng. Dân họ không thích ở chung cư là vì thế, quá tồi tàn, chất lượng quá kém...”, Chủ tọa Nguyễn Xuân Anh nói.

Trả lời chất vấn của  ĐB Huỳnh Bá cử về việc triển khai xây dựng các bãi đỗ xe ở Q. Sơn Trà vì hiện nay lượng phương tiện đến các khu du lịch, các bãi tắm rất đông, không có chỗ đậu xe, Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Trung cho biết đã quy hoạch 158 bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố, trong đó Q. Sơn Trà có 21 điểm, sẽ triển khai thành nhiều giai đoạn, trước mắt sẽ cải tạo một số địa điểm hoặc các lô đất trống chưa sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời. ĐB Nguyễn Thành Tiến băn khoăn về việc có nên xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT không khi mà vốn đầu tư lớn (1.500 tỷ đồng) mà tuổi thọ lại ngắn; hiệu quả các công trình thuộc dự án hạ tầng ưu tiên. Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Trung và Trưởng Ban quản lý các dự án hạ tầng ưu tiên TP Lương Thạch Vỹ khẳng định: Dự án xe buýt rất linh hoạt, đã được các nước tiên tiến áp dụng, hiện Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đang triển khai, cho hiệu quả lâu dài, bền vững. Đà Nẵng đã hoàn thành hồ sơ thiết kế và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động đầu năm 2019. Chủ tọa Nguyễn Xuân Anh cho rằng ý kiến của ĐB Tiến là đáng để lưu ý vì nguồn đầu tư BRT lớn, quan trọng là phải đầu tư hiệu quả vì đây là vốn đi vay.

 Đại biểu Tô Văn Hùng chất vấn tại kỳ họp.

Đẩy lùi tội phạm, đảm bảo ANTT với quyết tâm cao nhất

Trả lời chất vấn của các ĐB Lê Xuân Hòa, Trần Tuấn Lợi về đảm bảo ANTT, nhất là trong dịp Tết Đinh Dậu sắp tới và các ngày lễ lớn trong năm 2017; giải pháp để  ngăn ngừa, đẩy lùi tội phạm, tệ nạn ma túy, việc quản lý các quán bar, Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc CATP Đà Nẵng cho biết: Lực lượng CATP đã làm rất quyết liệt, quan điểm là phải xử lý nghiêm. Năm 2016, lực lượng CATP đã  tập trung triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp trấn áp các loại tội phạm, nhờ đó, tình hình tội phạm trên địa bàn Đà Nẵng tiếp tục được kiểm soát, kiềm chế, không xảy ra tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; tỷ lệ khám phá án đạt hơn 83%, các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được tập trung chỉ đạo điều tra quyết liệt, đã khám phá án đạt tỷ lệ 96,15%. Lực lượng CA đã  phát hiện 145 vụ, 196 đối tượng phạm tội ma túy và tất cả các vụ và các đối tượng đã bị khởi tố. Đại tá Lê Văn Tam quan ngại hiện nay số người nghiện ở ngoài cộng đồng khoảng 77%, hiệu quả cai nghiện thấp và có khoảng 40% trong số đó tái nghiện; bên cạnh đó một số chế tài pháp luật về  xử lý người nghiện còn vướng, khó xử lý.

Đối với việc quản lý các quán bar, đại tá Lê Văn Tam cho biết hiện loại hình này không thuộc diện cấp giấy phép ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT nhưng với trách nhiệm của mình, lực lượng CA vẫn tăng cường quản lý, nắm tình hình, yêu cầu chủ cơ sở cam kết đảm bảo ANTT. Đại tá Lê Văn Tam cam kết  lực lượng CATP sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa, vào cuộc với đầy đủ trách nhiệm, sự quyết liệt và  với tinh thần cao nhất,  xây dựng lực lượng đảm bảo có đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức để phòng chống tội phạm thắng lợi, xứng đáng với lòng tin của nhân dân, góp phần cùng với các lực lượng xây dựng TP Đà Nẵng thành điểm đến an toàn, thành phố “4 an”.

K. Thanh - V. Thuấn